Anh Đức mắc COVID-19 vào đợt dịch tháng 7/2020, khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Ngay sau khi xuất viện, anh Đức khởi động Dự án 687 (con số gắn với anh trong những ngày điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang) nhằm cung cấp miễn phí nước sát khuẩn cho tuyến đầu chống dịch. Gần 1 năm qua, anh Đức cùng Dự án 687 trở thành người quen của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly tập trung, các chợ… ở Đà Nẵng. Dự án đã cung cấp miễn phí hàng chục ngàn lít nước sát khuẩn,
Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Đà Nẵng phát hiện ca bệnh đầu tiên, máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 của Dự án 687 lại hoạt động hết công suất để hỗ trợ các bệnh viện, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị phong tỏa… Không chỉ hỗ trợ Đà Nẵng, dự án còn cung cấp miễn phí dung dịch sát khuẩn cho các bệnh viện ở TP Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Tiên Phước… (Quảng Nam), cho các chiến sĩ biên phòng ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam).
Từng là bệnh nhân COVID-19, anh Đức luôn trăn trở về một loại thiết bị hỗ trợ tốt cho quá trình khử khuẩn với thiết kế nhỏ gọn, vận chuyển tiện lợi, chi phí thấp hơn buồng khử khuẩn. “Lúc bị bệnh, bản thân tôi cũng từng trải nghiệm và chứng kiến nhân viên y tế mỗi ngày đều phải khử khuẩn bằng Cloramin B mỗi lần ra vào khu điều trị COVID-19. Cảm giác mỗi lần dung dịch đó xộc vào mũi, miệng rất khó chịu. Tôi cũng đã chế tạo buồng khử khuẩn tặng cho các bệnh viện ở Đà Nẵng, tuy nhiên, chi phí khá cao, lại khó khăn trong quá trình vận chuyển”, anh Đức nói.
Nghĩ là làm, anh Đức lên mạng tìm kiếm công nghệ biến nước thành hơi sương. Sau nhiều ngày tìm tòi, anh phát hiện thiết bị tách nước thành hơi bằng sóng âm của một doanh nghiệp ở TPHCM được ứng dụng nhiều trong trồng lan và làm nhà yến. Liên hệ với người bán, sau khi trình bày về mục đích của dự án, anh Đức được hỗ trợ miễn phí thiết bị này để hoàn thiện máy khử khuẩn di động.
Tìm được thiết bị, anh Đức cùng các cộng sự bắt tay vào thiết kế. Máy khử khuẩn di động có chiều cao khoảng 1m, được làm bằng khung sắt, vỏ làm bằng tấm nhôm. Máy gắn thêm bánh xe để dễ dàng di chuyển. Phía trong máy được bố trí thiết bị tách nước bằng sóng âm, can nhựa đựng nước sát khuẩn, hệ thống vòi dẫn, bảng mạch điện. Máy có 2 ống phun bằng nhựa, 1 ống được bố trí cao ngang ngực, một ống cao ngang bắp đùi, có vòi chúc xuống dưới để đảm bảo khử khuẩn toàn thân. Để đảm bảo hạn chế tiếp xúc, thay vì nút bấm, anh Đức thiết kế thiết bị cảm biến để khởi động máy.
“Chỉ cần quét nhẹ tay qua cảm biến, máy sẽ được khởi động và tiến hành phun sương dung dịch sát khuẩn. Dung dịch sát khuẩn sẽ được phun liên tục trong 30 giây, thời gian phun có thể dễ dàng tùy chỉnh. Vì dung dịch được chuyển thành dạng sương mịn nên không gây ướt trang phục, dễ dàng bao phủ bề mặt của người cần khử khuẩn. Máy hoạt động liên tục 1 giờ chỉ tốn khoảng 1 lít nước sát khuẩn. Nếu hết dung dịch sát khuẩn có thể dùng Cloramin B thay thế”, anh Đức giải thích.
Sau khi hoàn thành, anh Đức gửi tặng máy cho nhiều cơ sở y tế như Trung tâm Y tế quận Hải Châu, Liên Chiểu… Các thành viên của dự án cũng gấp rút sản xuất 8 máy khử khuẩn di động trong vòng 1 tuần để gửi tặng tâm dịch Bắc Giang vào cuối tuần qua. Dưới sự đặt hàng của Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, anh Đức cùng các cộng sự sẽ tiếp tục sản xuất thêm 20 máy khử khuẩn di động để tặng cho Bắc Giang và Bắc Ninh.