Khoáng sản đang chảy máu

Khoáng sản đang chảy máu
TP - Năm 2012, Việt Nam đối mặt nguy cơ chảy máu khoáng sản nặng nề hơn nếu đội ngũ lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc, các địa phương không có chung ý chí và hành động quyết liệt. Nhiều khoáng sản thô đang trên bờ cạn kiệt.

Ông Phạm Quang Tú (ảnh), Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (OSEC) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), cho biết khi trao đổi với Tiền Phong. Việc quản lý và thực thi chính sách của các ngành và các địa phương cũng đang có vấn đề.

Nguyên nhân trước tiên phải nói đến tâm lý “máu xuất khẩu” của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, khi mà việc tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) vẫn đang được xem như là thành tích của các đơn vị.

Nhưng cần phải hiểu rằng việc tăng kim ngạch XK thô khoáng sản hoàn toàn khác với việc tăng kim ngạch XK của các mặt hàng, sản phẩm tinh chế, chế biến. Ngoài ra, việc tăng cường XK thô khoáng sản cũng liên quan đến lợi ích của các cá nhân và cơ quan liên quan trong lĩnh vực này.

Khai thác XK thô khoáng sản không đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Đây chỉ là việc làm “cực chẳng đã” trong bối cảnh ban đầu của một nền kinh tế sơ khai và còn nhiều khó khăn để nhằm tạo lực và đà cho phát triển.

Nhất thiết chúng ta phải thay đổi, chứ nếu cứ tiếp tục như thế này, XK thô khoáng sản không những không làm giàu cho đất nước mà ngược lại có nguy cơ làm cho đất nước ngày càng nghèo đi. Lợi nhuận thu được từ XK không đủ để bù lại những chi phí do những hệ lụy lâu dài về mặt môi trường và xã hội.

Chỉ có các doanh nghiệp làm ăn kiểu “bóc ngắn, cắn dài” là được lợi trước mắt. Cả nhà nước và xã hội đều phải gánh chịu những hậu quả lâu dài.

Ông Phạm Quang Tú
Ông Phạm Quang Tú.

Xuất khẩu than đá giảm là kết quả của một quá trình đấu tranh và phối hợp kiểm soát chặt chẽ kể từ khi nhận ra rằng chúng ta đã không còn đủ than để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, đặc biệt là cung cấp đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện, cũng như từ việc phát hiện ra hàng năm chúng ta thất thoát hàng triệu tấn than xuất lậu qua các cửa khẩu tiểu ngạch và làm thất thu cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Đến hết tháng 9-2011, XK của nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 8,38 tỷ USD, chiếm gần 12% trong tổng kim ngạch XK, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2010 (số liệu của Bộ Công Thương)

Tình trạng chảy máu khoáng sản của Việt Nam hiện nay đang là rất nghiêm trọng; ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nền kinh tế đất nước trong tương lai. Vì thế, cần có các biện pháp phối hợp liên ngành để siết chặt vấn đề này, đặc biệt đối với các loại khoáng sản mà thế giới và Trung Quốc đang thu mua mạnh như titan, than, sắt…

Năm 2010, khi tổ chức nghiên cứu tại Bình Định, chúng tôi có gặp và trao đổi với đại diện của một công ty Trung Quốc, họ nói rằng sẵn sàng thu mua toàn bộ khoáng sản titan thô được khai thác ở đây.

Có lẽ cũng vì thế mà trong những năm gần đây việc khai thác khoáng sản titan ở Bình Định nói riêng và các tỉnh ven biển miền Trung nói chung diễn ra vô cùng lộn xộn, khó kiểm soát.

Ngày 23-12-2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 426 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường”.

Hoạt động giám sát sẽ được triển khai trong khoảng 9 tháng; được thực thi ở cả cấp Trung ương và 13 tỉnh có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản.

Cái khó là, XK thô khoáng sản hiện nay rất phức tạp. Do đó, nếu không có sự thống nhất trong ý chí và hành động của những người đứng đầu và các đơn vị trực thuộc, các địa phương, năm 2012 có thể sẽ chứng kiến sự chảy máu nặng nề hơn của khoáng sản Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG