Trong số các địa phương có bệnh nhân chân- tay- miệng thì TPHCM có số bệnh nhận mắc cao nhất trên 1.100 ca, chiếm khoảng 40% tổng số bệnh nhân cả nước.
Bộ Y tế nhận định CTM tiếp tục lan rộng ở các tỉnh phía Bắc, ngoài các địa phương là Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang thì Hà Tây mới nhất ghi nhận có 2 bệnh nhân.
Tại khu vực phía Nam, thời gian gần đây số bệnh nhân mắc CTM có chiều hướng giảm khoảng 30% so với đầu tháng song vẫn ở mức cao.
Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), tình hình dịch CTM vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với xu hướng tăng cao và nguy hiểm vào những tháng cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn vừa ký ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh CTM. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu, tại các nhà trẻ, mẫu giáo, không để trẻ mắc bệnh đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
Khi có từ hai trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng bảy ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.