PEMPAL là mạng lưới học hỏi trao đổi kinh nghiệm về quản lý tài chính công tương tự như PEMNA, cho các nước Trung Á, Trung và Đông Âu. PEMPAL thành lập từ năm 2005, hiện có 24 nước thành viên (An-ba-nia, Ác-mê-nia, A-zéc-bai-jan, Bê-la-rút, Bốt-xnhia và Héc-xơ-gô-vi-na, Bun-ga-ry, Crô-át-chia, Cộng hòa Séc, Gioóc-gia, Hung-ga-ry, Ka-zắc-xtan, Kô-sô-vô, Cộng hòa Kưi-giếc, Mác-xê-đô-nia, Môn-đô-va, Mông-tê-nê-grô, Ru-man-ny, Liên bang Nga, Séc-bia, Ta-ji-kít-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ, U-crai-na, U-zơ-bê-kít-xtan).
PEMPAL tổ chức theo 3 Cộng đồng hành nghề, gồm Cộng đồng Kho bạc (T-CoP), Ngân sách (B-CoP) và Kiểm toán Nội bộ (IA-CoP). T-CoP PEMPAL có 21 nước tham gia và chia thành 04 Nhóm Chuyên đề, bao gồm:
(1) Nhóm Quản lý Ngân quỹ (Cash Management Group) với 11 nước thành viên;
(2) Nhóm Kế toán và báo cáo kế toán khu vực công (Public Sector Accounting and Reporting Group) với 10 nước thành viên;
(3) Nhóm Ứng dụng IT trong hoạt động Kho bạc (Use of IT in Treasury Operations Group) với 10 nước thành viên;
(4) Nhóm Phát triển chức năng và vai trò Kho bạc (The Evolution of the Treasury’s Role and Functions Group) với 10 nước thành viên.
Hội nghị T-CoP PEMPAL được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến diễn ra trong 04 ngày (từ ngày 23-26/5/2023) tại thành phố Almaty, Cộng hòa Kazakhstan với chủ đề “Evolution of the role and functions of the national treasuries in the modern world” (tạm dich: Sự phát triển của vai trò và chức năng của các kho bạc quốc gia trong thế giới hiện đại) là một sự kiện đặc biệt để các chuyên gia quốc tế và các quốc gia thành viên đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về một số lĩnh vực thuộc chủ đề của phiên họp.
Hội nghị T-CoP PEMPAL có sự tham dự của 92 đại biểu, đến từ 06 nhóm:
(1) Các quốc gia thành viên PEMPAL (bao gồm Albania, Armenia, Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Georgia, Kyrgyzstan, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, Romania, Serbia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan);
(2) Một số quốc gia thành viên PEMNA (bao gồm Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Mông Cổ và Việt Nam);
(3) Chuyên gia từ Hungary;
(4) Đại diện quốc gia tổ chức hội nghị - Kazakhstan;
(5) Đại diện Ngân hàng Thế giới;
(6) Ban Thư ký PEMPAL.
Hội nghị có 8 phiên họp chính với các chủ đề được trình bày và trao đổi thảo luận từ nước chủ nhà Kazakhstan, Ngân hàng Thế giới, chuyên gia quốc tế và nước thành viên trong PEMPAL và PEMNA T-CoP, Ban Thư ký PEMNA:
- Ngày 1 (Phiên phát biểu khai mạc và giới thiệu): Phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Kazakhstan, Giám đốc Khối quốc gia, Ngân hàng Thế giới và Trưởng nhóm công tác, Ngân hàng Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Ngân quỹ của Bộ Tài chính Kazakhstan; Tổng kết hoạt động của T-CoP PEMPAL trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Tổng quan về hoạt động của Ủy ban Kho bạc Kazakhstan; Kết quả khảo sát năm 2022 về chức năng kho bạc; Thảo luận nhóm;
- Ngày 2 (Kiểm soát và quản lý rủi ro Kho bạc): Bài trình bày của Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Kho bạc Kazakhstan, các thành viên PEMPAL và khách mời; Thảo luận nhóm;
- Ngày 3: Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) cho các hoạt động Kho bạc; Tổng quan về sự phát triển toàn cầu (Chủ tịch CoP từ Ngân hàng Thế giới); Trải nghiệm ra mắt hệ thống dBrain thế hệ mới (Hàn Quốc); Phần trình bày của Ủy ban Kho bạc Kazakhstan và khách mời;
- Ngày 4: Tổng quan về hoạt động của PEMNA T-CoP (Ban thư ký PEMNA); Hoạt động trong tương lai của PEMPAL T-CoP; Tổng kết Hội nghị, Phiên bế mạc: Phát biểu bế mạc của Trưởng nhóm công tác, Ngân hàng Thế giới, Phiên họp của Ban Lãnh đạo T-CoP (họp kín).
Tại phiên họp về nội dung Quản lý rủi ro và các hệ thống kiểm soát trong Kho bạc, đại diện Đoàn công tác KBNN, Bà Nguyễn Ngọc Quyên - Chuyên viên Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã có bài trình bày về Thực trạng và định hướng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ tại KBNN. Trong đó, nội dung bài trình bày bao gồm việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, cụ thể: Bên cạnh việc giám sát từ xa trên Chương trình Dịch vụ công trực tuyến và triển khai Tiên ích tra cứu dữ liệu, KBNN đã tổng hợp, phân tích thông tin trên hệ thống công nghệ thông tin, từ đó, phát hiện những rủi ro trong kiểm soát chi và thanh toán với ngân hàng thương mại để cảnh báo cho KBNN các cấp hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất có trọng tâm, trọng điểm; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, Bài trình bày cũng nêu lên sự cần thiết phải thiết lập hoạt động kiểm soát nội bộ trong hệ thống KBNN, các bước triển khai một cuộc kiểm toán nội bộ (giai đoạn thí điểm) và định hướng phát tiển của kiểm toán nội bộ trong thời gian tới.
Sau khi tham dự 04 ngày Hội nghị T-CoP PEMPAL tại Kazakhstan tháng 5/2023, với tư cách là khách mời từ PEMNA và tham gia thảo luận theo nhóm với các thành viên của PEMPAL trong 02 ngày làm việc đầu, Đoàn công tác đề xuất với KBNN tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được tham gia các hoạt động của PEMNA để có cơ hội, môi trường học hỏi, chia sẻ với các đồng nghiệp các nước và chuyên gia quốc tế về các thông lệ quản lý tài chính công, ngân sách nói chung và các chức năng kho bạc nói riêng; thông qua PEMNA để có cơ hội tiếp cận, giao lưu và học hỏi với các quốc gia thành viên của PEMPAL, nắm bắt kịp thời những phương thức mới trong nghiệp vụ kho bạc ở khu vực các nước Châu Âu và Trung Á.
Bên cạnh đó, Đoàn đề xuất KBNN xem xét học tập kinh nghiệm của Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ. Kazakhstan là quốc gia có diện tích lớn thứ 9 trên thế giới, có mô hình tổ chức bộ máy và cách thức triển khai quy trình nghiệp vụ của Kho bạc tương tự như KBNN Việt Nam. Về Thổ Nhĩ Kỳ, mô hình Bộ Tài chính và Kho bạc của quốc gia này có nhiều điểm khác biệt với mô hình của Việt Nam, có những điểm nhấn nhất định trong việc quản lý và phân cấp ngân sách, áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát rủi ro chi tiêu ngân sách. Để có thể thực hiện Chiến lược phát triển đúng lộ trình, đồng thời có những kế hoạch dài hạn phù hợp, việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ những mô hình đa dạng là cần thiết trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Cuối cùng, qua tìm hiểu về IA-CoP, Đoàn công tác nhận thấy mục tiêu và các hoạt động của IA-CoP là phù hợp và cần thiết đối với việc triển khai công tác kiểm toán nội bộ của KBNN. Vì vậy, Đoàn công tác đề xuất KBNN xem xét mở rộng học hỏi kinh nghiệm của Cộng đồng Kiểm toán nội bộ (IA-CoP) thuộc PEMPAL../.