Phó Giám đốc KBNN Quảng Bình Đào Hoàng Liêm cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, KBNN đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng, đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số. Để đạt được mục tiêu này, KBNN Quảng Bình đã triển khai cung cấp 11/11 thủ tục hành chính (TTHC), đạt 100% TTHC qua DVCTT mức độ 4, tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến tháng 4/2023, tại KBNN tỉnh và 7 KBNN huyện, thị xã, có 1.236 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT, đạt tỷ lệ 99,5% (trừ khối an ninh-quốc phòng) số lượng giao dịch qua DVCTT, trung bình khoảng 20.000 hồ sơ chứng từ/tháng. Từ khi tham gia DVCTT, các đơn vị sử dụng ngân sách không phải gửi hồ sơ, chứng từ bản giấy.
Bên cạnh đó, thực hiện dự án hiện đại hóa thu ngân sách, KBNN Quảng Bình đã đẩy mạnh phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua ngân hàng, trao đổi thông tin thu ngân sách giữa KBNN, cơ quan Thuế với ngân hàng thương mại. Đến nay, đơn vị đã kết nối với 9 hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó, các ngân hàng đã thực hiện thu trên 90% các khoản thu NSNN.
Triển khai CĐS trong thực hiện DVCTT, KBNN Quảng Bình bước đầu cung cấp cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để tự động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách. KBNN Quảng Bình chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách vào hệ thống DVCTT của KBNN, giúp liên thông chứng từ, hồ sơ chi NSNN, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp trong nhập liệu.
Những năm qua, KBNN Quảng Bình đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, những hệ thống thanh toán KBNN trên nền tảng CNTT hiện đại được triển khai hiệu quả. Cụ thể, đơn vị đã hoàn thành triển khai liên thông chương trình DVCTT, TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán điện tử liên ngân hàng, điện tử song phương, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí thanh toán… Việc ứng dụng CNTT đã góp phần quan trọng vào quản lý nội bộ KBNN, như: Tài chính nội bộ, văn phòng, tổ chức cán bộ, công tác giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC…
KBNN Quảng Bình cũng đạt được một số kết quả trong tiến trình hiện đại hóa các nghiệp vụ, như: Triển khai thành công chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư, đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, trong công tác CCHC, nhằm thay đổi nhận thức với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ, KBNN Quảng Bình đã thực hiện CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, tổ chức; lấy người dân, tổ chức làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị KBNN tỉnh, huyện. Đồng thời, các KBNN tỉnh, huyện phải thường xuyên rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC trong quá trình thực hiện, cắt giảm các thành phần hồ sơ và các mẫu đơn, tờ khai không cần thiết hoặc đã tích hợp trên cơ sở dữ liệu sẵn có.
Đối với hoạt động kiểm soát chi NSNN, KBNN Quảng Bình đã tăng cường cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa hồ sơ kiểm soát chi, rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán. Nhờ đó, đơn vị đã rút ngắn thời gian thanh toán từ 3 ngày xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lệ.
Phó Giám đốc KBNN Quảng Bình Đào Hoàng Liêm cho biết, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để tiếp tục cải cách hành chính (CCHC), rút ngắn thời gian giao dịch, KBNN Quảng Bình đã ban hành kế hoạch CCHC với mục tiêu xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác CCHC, bảo đảm triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính và mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Nhằm thực hiện thành công kế hoạch đã đặt ra, KBNN Quảng Bình xác định rõ nội dung, yêu cầu, tiến độ và trách nhiệm thực hiện đối với từng nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện công tác CCHC; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai nhiệm vụ CCHC tại các đơn vị; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của KBNN.
Trong thời gian tới, KBNN Quảng Bình sẽ tập trung ứng dụng hiệu quả các công nghệ số, như: Điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa quá trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.
“Với những kết quả đạt được, KBNN Quảng Bình sẽ bám sát chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đơn vị chú trọng xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến năm 2025 cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát rủi ro. Sau năm 2025, đơn vị tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số”, ông Đào Hoàng Liêm chia sẻ.