Kho bạc Nhà nước chủ động trong Chuyển đổi số lĩnh vực kho bạc hướng tới Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Kho bạc Nhà nước chủ động trong Chuyển đổi số lĩnh vực Kho bạc
Kho bạc Nhà nước chủ động trong Chuyển đổi số lĩnh vực Kho bạc
Cuộc cách mạng số hiện nay đang diễn ra ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, được thực hiện tự động hóa và trao đổi dữ liệu thông qua các công nghệ hiện đại.

Nằm trong vòng xoáy của sự phát triển kinh tế xã hội, tiến trình hội nhập với xu thế không loại trừ lĩnh vực nào, đặc biệt đối với ngành Tài chính nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực kho bạc nói riêng là hoạt động tất yếu để hòa nhập với xu thế của thế giới. Để chuyển đổi số trong lĩnh vực kho bạc thành công, yêu cầu phải nắm chắc bản chất và sự tác động của chuyển đổi số, từ đó đề ra phương hướng, lộ trình chuyển đổi số phù hợp đối với lĩnh vực kho bạc.

Toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc chủ động tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp đất nước chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới quốc gia thông minh và trong quá trình phát triển của kỷ nguyên số, chuyển đổi số là điều tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới.

Có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số, tuy nhiên cốt lõi của chuyển đổi số gắn với việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, nhằm nâng cao hiệu năng, chất lượng hoạt động nghiệp vụ, quản lý, hiệu quả trong mô hình hoạt động tạo ra những giá trị mới phục vụ trực tiếp vào lợi ích xã hội. Chuyển đổi số tập trung chính vào ba đối tượng là con người, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước:

Đối với con người, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và trong các giao dịch sinh hoạt hàng ngày; với doanh nghiệp, chuyển đổi số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để làm thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi quy trình cung cấp dịch vụ, sản phẩm, thay đổi sản phẩm và dịch vụ; với nhà nước, chuyển đổi số là dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tiện ích, cách tiếp cận sử dụng dịch vụ của người sử dụng các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyển đổi số với Kho bạc Nhà nước và lợi ích của việc chuyển đổi số

Chuyển đổi số tạo điều kiện cho KBNN tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ kỹ thuật số hiện đại như công nghệ di động thông minh (mobility), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), phân tích dữ liệu thông minh (BI/Analytics)...) để ứng dụng nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành quỹ NSNN, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước.

Chuyển đổi số có tác động tích cực làm thay đổi cách thức tương tác giao dịch giữa đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN, giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị một cách tức thời với tính tin cậy cao thông qua các phương thức mã hóa, xác thực mạnh.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên nền tảng số nói chung sẽ tạo ra nhiều dữ liệu có giá trị từ đó khi tương tác với KBNN sẽ được giải quyết thủ tục nhanh chóng hiệu quả và đảm bảo an toàn tiền tài sản của nhà nước, đồng thời trên nền tảng số với dữ liệu sinh ra nhiều hơn sẽ thuận lợi hơn cho ứng dụng phân tích dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo.

Bên cạnh những lợi ích của việc chuyển đổi số mang lại, cũng có nhiều thách thức đối với các tổ chức nói chung, trong đó có hệ thống KBNN, cụ thể:

Chuyển đổi số diễn ra với quy mô rộng lớn và tốc độ nhanh chóng đặt ra thách thức đối với mọi tổ chức và KBNN nói riêng cần nhanh chóng thực hiện cải cách về chính sách nghiệp vụ, quy trình quản lý, cải cách mạnh về tổ chức nguồn lực con người để vượt qua sự tụt hậu, sớm hình thành kho bạc điện tử và tiến đến hình thành kho bạc số trong tương lai.

Do tác động của sự tích hợp các công nghệ vào trong đời sống dẫn tới sự thay đổi nhận thức của các tổ chức là khách hàng giao dịch với KBNN, đòi hỏi KBNN phải cung cấp nhiều dịch vụ trên nền tảng số với chất lượng tốt hơn, phải công khai minh bạch hơn trong quy trình xử lý giải quyết các thủ tục về quản lý quỹ NSNN, kế toán nhà nước và ngân quỹ nhà nước.

Chuyển đổi số cũng yêu cầu sự chuẩn bị về nguồn nhân lực KBNN có chất lượng cao đòi hỏi KBNN tinh gọn bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ đồng thời có giải pháp tuyển chọn, giữ chân cán bộ có năng lực.

Phương hướng, lộ trình chuyển đổi số

Trong ngắn hạn và trung hạn:

KBNN tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số tiến tới hình thành Kho bạc điện tử, năm 2019 và 2020 KBNN hoàn thành triển khai 100% các dịch vụ công trực tuyến điện tử online phục vụ các đơn vị sử dụng NSNN hiệu quả, hiện đại cũng như minh bạch công khai tiến trình giải quyết và thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục và có dự báo số dư biến động tài khoản.

Hoàn thiện các quy trình và hệ thống ứng dụng CNTT cho các nghiệp vụ lõi, nhất là nghiệp vụ chi ngân sách đảm bảo sự liên thông và tối ưu hóa cho các bài toán dịch vụ công trực tuyến, TABMIS, thanh toán với ngân hàng (Thanh toán song phương, Thanh toán liên Ngân hàng) nhằm rút ngắn thời gian thanh toán các khoản chi NSNN.

Ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại vào các ứng dụng cơ bản tạo tiền đề cho việc ứng dụng mạnh mẽ vào giai đoạn sau:

Công nghệ di động thông minh: Ứng dụng lớp bài toán cho khách hàng của KBNN cài trên phần mềm trên các thiết bị di động để tiếp nhận tức thời tiến trình và thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, số dư tài khoản; các nhà quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương cài trên phần mềm trên các thiết bị di động để tiếp nhận kịp thời thông tin về điều hành quỹ NSNN, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước; cán bộ các cấp ngành KBNN cài trên phần mềm trên các thiết bị di động để thực hiện các phê duyệt theo các quy trình nghiệp vụ nhất định;

Công nghệ chuỗi khối blockchain: Ứng dụng vào lớp bài toán có trao đổi thông tin dữ liệu giữa các tổ chức đơn vị với KBNN, như ứng dụng vào bài toán thu NSNN qua ngân hàng giúp cho các món thu NSNN kết nối tức thời từ ngân hàng về KBNN và không phải thực hiện đối chiếu cuối ngày như hiện nay mà lại đảm bảo độ tin cậy cao;

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng vào lớp bài toán hỗ trợ nghiệp vụ trả lời và giải đáp, tư vấn tự động đối với cán bộ nghiệp vụ, cán bộ tin học toàn ngành cũng như mở rộng dần ra tư vấn, giải đáp tự động đối với đơn vị khách hàng giao dịch;

Công nghệ điện toán đám mây: Ứng dụng vào lớp bài toán hạ tầng CNTT để đảm bảo sự linh hoạt về tài nguyên CNTT có lúc cao có lúc thấp về nhu cầu.

Hình thành các kết nối thông tin liên tổ chức giữa KBNN với trung tâm hành chính trên toàn quốc nhằm thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến và đi theo là làm thủ tục thanh toán phí lệ phí bằng điện tử, giữa KBNN với các nhà cung cấp lớn về điện, nước, viễn thông nhằm tự động thanh toán ngân sách cho dịch vụ này được sử dụng tại các đơn vị sử dụng ngân sách.

Kho bạc Nhà nước chủ động trong Chuyển đổi số lĩnh vực kho bạc hướng tới Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ảnh 1

Mô hình về mức độ hoàn thiện của Chính phủ số của Gartner phiên bản 2.0

Mục tiêu trong dài hạn:

Xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, trong đó trọng tâm là chiến lược chính sách nghiệp vụ làm định hướng cho việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn này; trên cơ sở Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT đến năm 2030 theo hướng hình thành kho bạc số.

Những mục tiêu hướng tới gồm toàn bộ chu trình ngân sách được chuyển đổi sang nền tảng số (từ khâu kế hoạch ngân sách trung hạn, giao dự toán ngân sách hằng năm, thực hiện mua sắm công và ký hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử (trong đó có hóa đơn cho hàng hóa dịch vụ công), thanh toán chi điện tử, tự động thanh toán với ngân hàng); toàn bộ chu trình kế toán nhà nước được thực hiện trên nền tảng số và đạt mục tiêu kế toán dồn tích cho toàn bộ các đơn vị hành, chính sự nghiệp liên thông với KBNN, từ đó hình thành kế toán nhà nước dồn tích đầy đủ trên nền tảng số; thu ngân sách (gồm thuế, phí, lệ phí, các khoản phạt vi phạm hành chính) được thực hiện liên thông số giữa các tổ chức, đơn vị, cá nhân với KBNN.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, ưu tiên các ứng dựng chính sách, quy trình nghiệp vụ mới. Mặt khác, văn hóa kỹ thuật số (digital culture) là tâm điểm của mọi tổ chức thành công trong việc chuyển đối số. Văn hóa kỹ thuật số sẽ được phát triển một cách linh hoạt, không những kết nối giữa tất cả bộ phận chức năng trong một cơ quan tổ chức, mà còn kết nối, ưu tiên phục vụ lợi ích của khách hàng giao dịch và kết nối với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan (gọi tắt là tổ chức đối tác). Để thực hiện thành công hành trình chuyển đổi số, KBNN cần thực hiện được hai nội dung lớn là cải cách chính sách nghiệp vụ và hình thành được văn hóa kỹ thuật số trong toàn hệ thống cũng như liên kết với các khách hàng và cả các “đối tác” thực hiện những điều tương tự trong tổ chức, đơn vị./.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.