Kho bạc Nhà nước các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó trong tình hình mưa lũ

Trụ sở KBNN Thừa Thiên Huế
Trụ sở KBNN Thừa Thiên Huế
Trong bối cảnh mưa lũ, thiệt hại do bão số 7 tại miền Trung vô cùng nặng nề, bám sát dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước Trung ương (KBNN) KBNN tại các tỉnh miền Trung đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đảm bảo việc quản lý thu – chi ngân sách nhà nước kịp thời, nhanh chóng.

Đảm bảo chi ngân sách kịp thời

Tại Thừa Thiên – Huế, do mưa lớn kéo dài từ ngày 8/10 đến nay, nhiều nơi bị ngập lụt nặng, đặc biệt là TP Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy… Nhiều nơi ngập sâu từ 0,5m đến 1,5m, giao thông bị chia cắt, phải đi lại bằng xuồng, ghe. Điện lưới trên địa bàn bị cắt đứt hoàn toàn. Tại trụ sở KBNN tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số KBNN huyện cũng bị mưa lũ ngập tràn vào sân. Đặc biệt, tại huyện Phong Điền - nơi Thủy điện Rào Trăng 3, bị sạt lở nghiêm trọng nên KBNN huyện tại đây đã bị nước ngập vào tận phòng giao dịcg.

Trước bối cảnh đó, bám sát chỉ đạo quán triệt của KBNN trung ương, KBNN các tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Theo đó, KBNN Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các đơn vị KBNN huyện, thị xã trực thuộc xây dựng phương án chủ động, sẵn sàng triển khai đối phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn; đảm bảo an toàn về người, tài sản và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Ban lãnh đạo KBNN Thừa Thiên - Huế đã huy động cán bộ công chức, đoàn thanh niên của đơn vị nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường đến đó. Đồng thời, do mất điện lưới nên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của kho bạc không thể hoạt động được, KBNN Thừa Thiên - Huế đã thực hiện xử lý chứng từ thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách theo cách truyền thống để đảm bảo nguồn chi ngân sách không bị ngắt quãng gián đoạn.

Đáng chủ ý, do điều kiện mưa lũ nên nhiều nhà của cán bộ, công chức bị ngập lụt, không thể đến cơ quan làm việc. Do đó, những cán bộ đến được cơ quan làm việc đều thực hiện hỗ trợ bọc lót làm thêm việc của cán bộ, công chức đang nghỉ. Đồng thời, ban lãnh đạo đơn vị đã thay nhau ở lại ngay trụ sở để “trực chiến”, xử lý những phát sinh, sự cố do bão lũ gây ra.

Theo báo cáo, đến ngày 15/10/2020, KBNN Thừa Thiên - Huế đã thực hiện chi trả cho các đơn vị sử dụng ngân sách 11.413 tỷ đồng, đạt 95% dự toán năm 2020. KBNN Thừa Thiên – Huế quyết tâm không để mưa lũ ảnh hưởng đến việc quản lý ngân sách trên địa bàn.

Bảo vệ chứng từ, hồ sơ

Ngoài Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình và Quảng Ngãi cũng là 2 địa phương đang “oằn mình” vì mưa bão. Để đảm bảo việc chi trả ngân sách được đáp ứng đầy đủ và giảm thiểu mức thiệt hại do bão, lũ gây ra, KBNN Quảng Bình đã có văn bản hướng dẫn các KBNN huyện trực thuộc thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Theo KBNN Quảng Bình, dù không bị thiệt hại nặng như tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng tại Quảng Bình cũng có một số huyện bị ngập lụt. Để đảm bảo an toàn trụ sở, các hồ sơ, chứng từ không bị ướt do ngập lụt, KBNN các huyện này đã đưa hồ sơ, chứng từ lên bục cao để bảo quản.

Còn tại KBNN Quảng Ngãi, ngay khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đơn vị này đã yêu cầu các phòng, ban, các KBNN trực thuộc thực hiện nghiêm công tác phòng chống bão, lũ.

Với những địa bàn có nguy cơ ngập lụt cao, KBNN Quảng Ngãi đã yêu cầu các KBNN trực thuộc tại nơi đây thực hiện nghiêm công tác bảo quản chứng tờ, hồ sơ và đảm bảo việc chi trả ngân sách kịp thời. Đồng thời, các đơn vị KBNN trực thuộc phải thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Nhờ thực hiện nghiêm công tác phòng chống lụt bão nên mọi giao dịch với kho bạc đều được đảm bảo, thông suốt. Bằng việc chi trả ngân sách kịp thời, đảm bảo, các đơn vị KBNN tại các tỉnh miền Trung đang cùng với địa phương chung tay khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra, giúp người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, tham gia sản xuất, kinh doanh giúp vực lại nền kinh tế đã bị thiên tai tàn phá. Các đơn vị này đều quyết tâm không để mưa lũ ảnh hưởng đến việc quản lý ngân sách trên địa bàn, nhất là trong lúc mưa bão, việc chi trả ngân sách càng phải kịp thời hơn nữa./.

MỚI - NÓNG