Khi tiếng vỗ tay thay bằng nút 'like'

Dù biểu diễn ở những sân khấu không khán giả, nhưng Tuấn Hưng và Quang Hà vẫn “cháy” hết mình
Dù biểu diễn ở những sân khấu không khán giả, nhưng Tuấn Hưng và Quang Hà vẫn “cháy” hết mình
TP - Bình thường, để được thưởng thức một buổi hoà nhạc của các nghệ sĩ tên tuổi hay buổi biểu diễn của các ca sĩ hàng đầu showbiz là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, trong mùa dịch COVID-19, bạn sẽ có tất cả, chỉ với một cái máy tính hoặc chiếc điện thoại thông minh.

Mang âm nhạc “từ nhà ra thế giới”

Như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn khác trên thế giới, nhóm nhạc đương đại Hà Nội (Hanoi New Music Ensemble) cũng phải hủy toàn bộ hoạt động biểu diễn thời gian qua. Tuy vậy, ngày 24/4, nhóm đã tổ chức chương trình trực tuyến mang tên “From home to the world” (Từ nhà ra thế giới), với các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam như “Nhớ quê” (Hoàng Cương), “Ngũ hành” (Vũ Nhật Tân), “Miền Nam quê hương ta ơi” (Huy Du). Các màn biểu diễn của nghệ violin Phạm Trường Sơn, piano Phạm Quỳnh Trang và giọng ca soprano Trần Thu Thuỷ đã mang đến cho người xem những cảm xúc đặc biệt về tình yêu dành cho quê hương, đất nước.

Buổi hòa nhạc nằm trong chương trình Kulturama, do Viện Goethe khởi xướng và hỗ trợ, các nghệ sĩ trên toàn thế giới đăng ký tham gia và biểu diễn tại nhà. Nghệ sĩ piano Phạm Quỳnh Trang chia sẻ: “Tôi rất vui khi được mang âm nhạc quê hương để chia sẻ với người yêu nhạc không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Việc tập luyện khá khó khăn trong bối cảnh cách ly tại nhà, nhóm phải tập online”.

“Từ nhà ra thế giới” không phải là buổi diễn trực tuyến đầu tiên của nghệ sĩ Việt, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến ở Việt Nam.

Ngay từ sau Tết, tất cả các hoạt động của ngành giải trí đều gần như tê liệt. Các sản phẩm âm nhạc bị dời lịch phát hành đến nhiều tháng sau, số lượng show diễn bị huỷ nhiều không kể hết được. Các nghệ sĩ Việt buộc phải học cách sử dụng tính năng livestream của các mạng xã hội như một kênh để giao lưu với người hâm mộ.

Với thông điệp “Tôi ở nhà bạn cũng thế”, chuỗi Radio Live Concert có thể xem là chương trình livestream ca hát tại nhà quy tụ nhiều nghệ sĩ Việt tham gia nhất tại thời điểm dịch bệnh này. Mở đầu với Nguyễn Trần Trung Quân, tiếp theo sau đó lần lượt có Bảo Anh, AMEE, Ngô Kiến Huy, Vũ Cát Tường,… tất cả đều tiến hành livestream trực tiếp tại nhà, hát các bản hit hoặc ca khúc theo yêu cầu từ khán giả, kết hợp với giải đáp những thắc mắc và chia sẻ tâm tư tình cảm từ khán giả.

Để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần cùng nhau biểu diễn saxophone các sáng tác của cố nhạc sĩ. Gần một tháng nay, hàng ngày, Trần Mạnh Tuấn đều có chương trình trên trang cá nhân do anh thực hiện để tặng khán giả.

Ca sĩ Cẩm Vân thực hiện mini show ở nhà. Một loạt ca khúc gắn liền tên tuổi của nữ ca sĩ được khán giả yêu cầu hát lại. Ca sĩ trẻ Đức Phúc cũng tổ chức nhiều buổi livestream hát cho mọi người nghe, với quan niệm: âm nhạc chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu góp phần xua đi những nỗi lo bệnh dịch.

Lần đầu tiên tại “phòng khách Music Home”, diva Mỹ Linh đã cùng ban nhạc Anh Em trình diễn những ca khúc theo yêu cầu của các khán giả trên mạng.

Giữa tháng 3, ca sĩ Đức Tuấn bắt đầu thực hiện các buổi livestream âm nhạc mỗi tuần hai buổi. Trong những buổi trực tuyến này, Đức Tuấn trò chuyện với khán giả, lắng nghe những yêu cầu và hát một cách gần gũi, mộc mạc nhất.

Tương tự, công chúng yêu nhạc ngồi nhà cũng có thể nghe nhóm nghệ sĩ Vũ Phương, Phan Đỗ Phúc, Trang Trịnh... qua các buổi nhạc trực tuyến với chủ đề “Hãy ở nhà, chúng tôi đàn cho bạn nghe” trên trang 24-hour Music Marathon. Tại các buổi hòa nhạc trực tuyến này, các nghệ sĩ không chỉ trình diễn những bản nhạc của các nhạc sĩ lừng danh trên thế giới như Beethoven, Mozart... mà còn có cả những bản nhạc của một số dân tộc vùng cao Tây Bắc…

Xu hướng của âm nhạc 4.0

Tuấn Hưng là nghệ sĩ Việt Nam tiên phong trong việc thu phí khi livestream trình diễn. Khán giả sẽ phải bỏ ra tối thiểu 250 nghìn đồng để tham dự show của nam ca sĩ Hà thành. Được biết, trong chương trình đầu tiên, Tuấn Hưng đã thu được hơn 100 triệu đồng và anh đã quyết định dành toàn bộ doanh thu cho việc ủng hộ Quỹ chống dịch COVID-19.

“Đây là lần đầu tiên tôi hát ở một sân khấu không có khán giả, chỉ có ban nhạc với nhau. Bản thân tôi cũng phải tự làm nóng mình, để truyền lửa qua các ca khúc. Tuy nhiên, biểu diễn trực tuyến cũng có cái hay, cái đặc biệt là mình vừa hát, vừa được xem những lời bình luận trực tiếp, giao lưu với khán giả”, nam ca sĩ chia sẻ.

Khi tiếng vỗ tay thay bằng nút 'like' ảnh 1 Chương trình biểu diễn trực tuyến “Từ nhà ra thế giới” của nhóm nhạc đương đại Hà Nội

Tuấn Hưng đầu tư mạnh. Anh mang đến cho người xem những ca khúc đã gắn bó với tên tuổi của mình trong suốt 20 năm đi hát. Theo chia sẻ của giọng ca “Tìm lại bầu trời”, anh đã dùng 6 chiếc máy quay cùng dàn âm thanh chất lượng gần 500 triệu đồng để cả ca sĩ và ban nhạc đều có cảm xúc thăng hoa nhất.

Ở Việt Nam, biểu diễn âm nhạc trực tuyến có thu phí vẫn là hình thức mới mẻ. Tuy nhiên, với thế giới thì không hề xa lạ. Tương lai không xa, các nghệ sĩ Việt sẽ phải quen dần với những chương trình biểu diễn “không khán giả” như thế. Ở đó, không gian âm nhạc chỉ có các nghệ sĩ, còn khán giả thì ở bất cứ nơi đâu, không giới hạn vùng miền. Khán giả sẽ trả phí mà không cần rời khỏi nhà. Họ được trực tiếp bình luận, giao lưu với nghệ sĩ. Ở đó, tiếng vỗ tay sẽ được thay thế bằng nút “like”.

Là nhạc sĩ tham gia vào chuỗi “phòng khách Music Home”, nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định, hình thức truyền hình trực tiếp hay livestream đã được nhiều nghệ sỹ Việt cũng như lễ hội âm nhạc thử nghiệm thành công và hình thức này hoàn toàn có tiềm năng phát triển rộng ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG