Bà Nguyễn Dung - đại diện cho ban phụ huynh trường Mầm non MK (Hà Nội) cho biết, qua một số lần kiểm tra, bà đều thấy chất lượng thực phẩm của trường con gái bà là mua thực phẩm đông lạnh không đảm bảo, thức ăn không đúng như thực đơn.
Ban phụ huynh chỉ là hình thức, toàn bị “qua mặt”
Bà Dung cũng cho biết, ban đại diện phụ huynh của trường bà có 5 người. Tuy nhiên, ban phụ huynh trường hiện tại hoạt động chỉ mang tính hình thức.
“Ban giám hiệu trường toàn tiền trảm hậu tấu, kiểu làm xong mới bảo có bao giờ cho ban phụ huynh mình ý kiến đâu”- bà Dung khẳng định.
Đơn cử, bà Dung cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, bà nhận thông tin là trường có nhiều cháu bị đau bụng sau khi ăn tại trường nhưng bị giấu nhẹm đi: “Chính việc đó thì ban phụ huynh và các phụ huynh khác trong trường mới biết nhà trường đã thay đổi nhà cung cấp mà không cho ban phụ huynh biết”- bà Dung cho hay.
Cũng theo vị ở ban phụ huynh trường này cho biết, ngay cả việc tăng tiền suất ăn trong năm nay hay nhiều vấn đề cần thỏa thuận với phụ huynh ban giám hiệu nhà trường cũng toàn tự quyết.
Bà N.HH - đại diện cho ban phụ huynh của một trường THCS của Quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, việc ban phụ huynh tồn tại chủ yếu mang tính hình thức.
Vị phụ huynh này cũng cho rằng, chính bà là người phản ánh với hiệu trưởng bữa ăn ở trường con chị ăn không đủ chất dù bữa ăn cũng đã 25.000 đồng/ngày. “Thực ra ban giám hiệu của nhà trường vẫn trưng cầu ý kiến của ban phụ huynh vào đầu kì và cuối kì. Tuy nhiên, cuộc gặp để họp bàn đó ban giám hiệu cũng lái ban phụ huynh theo quyết định của nhà trường thôi”- bà H cho hay.
Một vị phụ huynh khác có con học trường tiểu học ở quận Đống Đa cũng chia sẻ, chị không hiểu ban phụ huynh tồn tại làm gì: “Đơn cử, năm nào cũng đóng quỹ nhưng không dám kêu. 3 năm rồi tôi thấy con tôi phải đi chơi vào một địa điểm giống nhau của Hà Nội. Nếu ban phụ huynh có trách nhiệm thì đã không để sự việc như thế này xảy ra”- vị phụ huynh này cho hay.
Cũng theo vị phụ huynh này, ban phụ huynh không nên tồn tại làm gì khi chỉ xuân thu nhị kì lên gặp ban giám hiệu nghe nhà trường phổ biến. Đặc biệt, càng không nên chỉ đứng ra thu tiền hộ nhà trường mà không có ý kiến những gì sát sườn, quan trọng với con mình như chất lượng bữa ăn hay những khoản thu vô lí.
Có nên “dẹp bỏ”?
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài nhiệm vụ phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh còn giám sát các hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, cũng theo GS Thuyết, có một số nơi người ta dùng ban đại diện cha mẹ học sinh như "cánh tay nối dài" của nhà trường trong việc thu tiền. Điều này không đúng và cần phải chấn chỉnh.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT khẳng định, về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn rất nhiều thứ và tất cả đều đổ lên ban phụ huynh và quan niệm đó là không đúng.
“Tôi hoàn toàn bảo vệ ban phụ huynh và đừng trách nhầm họ. Vì người ta không có quyền và chức năng để làm đủ những cái cần phải làm. Nên phải bầu đúng và người ta có ý thức. Đặc biệt, cần đưa người có năng lực vào giám sát. Vì chúng ta chỉ có giám sát cộng đồng được thì mới làm tốt được việc này”, TS. Lâm nói.
TS Lâm cũng cho rằng, ban đại diện phụ huynh cần thực hiện đúng chức năng của mình và những người trong ban phụ huynh phải có đủ năng lực, phẩm chất.
Cũng theo TS. Lâm, sự tham gia giám sát tài chính của các trường không chỉ là phụ huynh với nhà trường mà còn phải có "trọng tài". Nếu không có "người thứ 3" phân xử thì bao giờ phụ huynh cũng yếu thế so với nhà trường.
TS. Lâm cho rằng, nếu người đứng đầu một trường có năng lực, thực tâm muốn phát triển nhà trường thì sẽ luôn tìm ra một ban phụ huynh tốt, đúng chức năng.
"Chỉ những hiệu trưởng năng lực và ý thức kém, muốn xà xẻo thì mới dùng một ban phụ huynh hình thức", TS. Lâm nhấn mạnh.
“Nếu làm danh chính ngôn thuận, huy động được nguồn lực của cha mẹ học sinh thì phải làm một cách đàng hoàng. Chúng ta phải hiểu, huy động nguồn lực ngoài tiền ra, còn là huy động trí tuệ, sáng tạo, sự lăn lộn với giáo dục", TS. Lâm cho biết.