> Đại học Lạc Hồng vô địch Robocon Việt Nam 2012
Đó là chương trình Techshow triển lãm, thi đấu giữa các robot do các bạn sinh viên chế tạo ra.
Asimo của sinh viên
Đến tham dự triển lãm Robocon Techshow 2012, trường ĐH Lạc Hồng tham gia sản phẩm Robot người LHU.
Robot này có thể nhận diện được người chủ và làm theo các động tác của người chủ như: Chào cờ, bắt tay, vẫy tay chào, cúi đầu chào… Bên cạnh đó, Robot người LHU còn cầm được đồ vật và di chuyển chúng từ người này qua người khác.
Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn trưng bày thêm một sản phẩm nữa, đó là Hệ thống cảnh báo lái xe an toàn, giúp cho người điều khiển xe tránh được những tai nạn đáng tiếc khi điều khiển phương tiện.
“Ý tưởng về robot đã được sinh viên ĐH Lạc Hồng nghiên cứu và phát triển chế tạo ngay từ năm đầu tiên tham gia robocon techshow. Năm đầu tiên robot được điều khiển bằng giọng nói, qua năm thứ hai là robot xử lý ảnh.
Bước qua năm thứ ba, người máy được phát triển thêm các ứng dụng công nghệ, trong tương lai sẽ được tiếp tục đầu tư thêm nhiều chức năng để thay thế con người trông nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng…”, một thành viên Robocon Techshow ĐH Lạc Hồng cho biết.
Tạo dấu ấn tại Robocon Techshow 2011, Phạm Ngọc Anh Tùng, sinh viên ĐH Bách Khoa TPHCM nổi tiếng với sản phẩm xe hai bánh tự cân bằng, từng giành giải 3 cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng” do Thành Đoàn thành phố tổ chức.
Năm nay, Tùng và nhóm SV đến từ trường ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu sản phẩm Robot Kiến tại Robocon Techshow 2012. Với hình dạng mô phỏng con kiến, robot thông minh này có gắn nhiều cảm biến để đo nhiệt độ, góc nghiêng, truyền ảnh từ môi trường thực tế về máy tính để xử lý ảnh, có lập trình hệ thống định vị toàn cầu GPS...
Công nghệ phục vụ cuộc sống
Trong năm 2012 các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc đã có gần 40 sản phẩm đăng ký tham gia triển lãm. Ban tổ chức đã chọn ra 15 sản phẩm có giá trị cao nhất để triển lãm và chấm giải.
Các sản phẩm robot của các bạn SV ngày càng hướng nhiều hơn đến việc phục vụ những nhu cầu, tiện ích cho con người. Có thể di chuyển linh hoạt trên mọi địa hình, kể cả địa hình đồi núi hay bậc thang, robot dò mìn của nhóm SV Trường ĐH Sao Đỏ (Hải Dương) được gắn một camera nhằm thu lại các hình ảnh trên đường đi, kết hợp với một cảm biến nhận biết kim loại.
Khi robot phát hiện trên đường đi có kim loại, phần mềm tích hợp sẽ cảnh báo đó là vùng nguy hiểm. “Robot sẽ dò mìn bằng phần trước, khoảng cách dò mìn khoảng 15cm, nếu chúng tôi mua bộ phận dò mìn của quân đội thì có thể dò sâu 5-10m.
Trong ý tưởng chúng tôi dự tính chế tạo robot có thể đi được mọi địa hình, nhưng vì thiết kế cơ khí của robot tương đối bé nên không thể đi được ở địa hình sông nước.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ thiết kế phần cơ khí của robot lớn hơn để thích hợp cho việc di chuyển dưới lòng sông, suối”, thầy Quỳnh, người hướng dẫn ý tưởng cho nhóm SV Trường ĐH Sao Đỏ cho biết.
Cũng hướng đến việc giúp đỡ con người, đặc biệt là những người khuyết tật, SV trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đưa đến Techshow năm nay thiết bị hướng dẫn cho người khiếm thị.
“Chiếc nón kỳ diệu” giúp người khiếm thị nhận biết các vật cản thông qua các tia lazer hẹp quét liên tục quanh không gian người sử dụng. Khi gặp vật cản chiếc nón sẽ phát ra các tín hiệu rung nhẹ tại vùng trán để người khiếm thị cảm nhận và tránh vật cản trước mặt.
Thiết bị được 5 bạn SV nghiên cứu trong 3 năm. SV Nguyễn Thành Tuyên, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, khó khăn nhất đối với nhóm là khâu lập trình xử lý động cơ để tín hiệu rung nhận biết phản hồi nhanh nhất đến người sử dụng.
Hàng loạt sản phẩm tham gia Techshow năm nay đều đề cao tính tiện ích, phục vụ con người. Học viện Kỹ thuật Quân sự giới thiệu robot leo bám tường, Đại học Bách khoa Hà Nội với máy rửa lọc thận, ĐH Công nghiệp Hà Nội với Mobile robot điều khiển bằng smartphone qua internet…