Những năm còn là sinh viên khoa văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội, anh Nghiêm Thanh học cùng lớp và là lớp trưởng của chúng tôi. Anh là cán bộ đi học nên nhiều tuổi hơn, chín chắn hơn lứa sinh viên vừa rời ghế nhà trường phổ thông trung học như tôi.
Nhiều năm anh làm phóng viên báo Nhân Dân rồi là phó vụ trưởng, phó ban văn hóa văn nghệ của tờ báo Đảng.
Thời trước không thấy anh làm thơ, mấy năm gần đây thơ anh xuất hiện khá nhiều trên báo, nhất là trên Facebook. Tập thơ Chuyện tình mười năm trước mà anh vừa gửi tặng, nhiều bài nhiều câu tôi thích:
Mưa trắng đồng
Cỏ may nghiêng ngả
Đò ngang lướt sóng sang sông...
...Ta là kẻ phiêu du
Mộng mị bốn phương lang bạt
Bỗng mắc lưới tình
Dừng cuộc lữ hành lạc bước trong mưa ( Trong mưa)
...Nét cong là của bờ mi
Làn da trắng, mái tóc thề buông vai
Lạ thay - không nói một lời
Phút yên ắng ấy bồi hồi tim anh (Tĩnh vật)
Trong bài viết này tôi muốn đi sâu vào tập thơ Ngược dòng thế sự. Ngòi bút sắc sảo của một nhà báo được thể hiện trong nhiều bài thơ trào phúng trong tập Ngược dòng thời sự.
Tôi tâm đắc với nhà thơ Hữu Việt khi cho rằng: “Nghiêm Thanh còn thể hiện năng lực quan sát sắc nhọn, tính hài hước cùng sự phê phán quyết liệt những thói hư, tật xấu, công kích không khoan nhượng những thói hám danh, hám lợi, phù phiếm, tham lam mê muội bằng những vần thơ trào phúng". (Trích bài trọn vẹn một chữ tình in trong tập thơ Chuyện tình mười năm trước trang 144 )
Gần như mọi thói hư tật xấu trong xã hội hiện nay, nhất là tham nhũng, tiêu cực mà chúng ta đang kiên quyết xử lý và lên án.
Trong bài thơ Chết khi đương chức đương quyền nhà thơ Nghiêm Thanh chỉ ra:
...Chết khi đương chức, đường quyền
Ngập vòng hoa viếng, trống kèn tiễn đưa
Lợi, danh biết mấy cho vừa
Dằng dai đeo bám tận giờ lâm chung.
Rồi thói hám danh biến tướng ra nhiều Giáo này, sư nọ:
Mỗi đợt phong hàm có chữ “ sư”
Tai ngỏng, mắt dương cổ mỏi dừ
Cập tập gửi tin, bài thuê viết
Công trình sao chép vẫn còn dư...
...Giá giữ một chân ngồi xét duyện
Thì ta sổ toẹt cái danh hờ!
Chính tôi thời còn đương chức cũng được mời trồng cây lưu danh ở một nơi khá linh thiêng, tôi đã tự tay chọn cây, cuốc một cái hố thật sâu và kiếm một ít mùn đất đổ xuống, tôi muốn trồng cây thực sự, chứ không phải như nhiều quan chức mà tôi tận mắt chứng kiến như nhà thơ Nghiêm Thanh viết :
Vài nhát cuốc gọi là “trồng”
Bịp lừa chính hiệu thuộc dòng lưu manh!
Biển treo nặng trĩu trên cành
Lưu niệm thì ít, lưu danh thì nhiều!
Gần đây trên mạng xã hội nói nhiều về hiện tượng có quan chức xây bia mộ mà nhà thơ Nghiêm Thanh gọi là Biệt mộ:
Biệt thự, biệt phủ đã đành
Lại thêm biệt mộ hình thành mới đây
Rộng dài, xanh cỏ, tốt cây
Cổng cao, rào chắn đêm ngày thâm u
...Nắm xương khô, chiếm cả khu đất vàng...
Từ dương thế xuống cõi âm
Còn mong quyền lực vẫn nằm trong tay
Ăn tham, ăn bẩn, ăn dày
Lấy ai khóc mướn, thương vay bây giờ ?! ( Biệt mộ)
Kể cả những cây bút viết thuê để kiếm tiền Nghiêm Thanh cũng đả kích không khoan nhượng:
Những là tụng đức với ca công
Tô vẽ lăng nhăng rắn hóa rồng
Uốn câu, nắn chữ cong cây bút
Đen thì biến trắng, có thành không! (Giễu kẻ viết thuê)
Tôi đồng tình với nhận định của nhà viết kịch Lê Quý Hiền Ngược dòng thế sự cứ tưng tửng nghĩ, tưng tửng viết với nụ cười hơi nhếch cũng tưng tửng của tác giả khiến cả tập thơ có sức hấp dẫn rất riêng. Lạ là thơ ông trong tập này có thiên hướng trào phúng nhưng không hằn học, bỉ báng mà rất chân thành, da diết như chính tính cách con người ông” (Trich bài Khi nhà báo làm thơ in cuối tập Ngược dòng thế sự).
Đúng là nhiều năm nay dòng thơ trào phúng ít được các báo đăng, gần như mất hẳn chuyên mục này trên báo, nên nhà báo Ngiêm Thanh mới lưu tâm.
Trong bài thơ Một đời làm báo viết tặng nhà báo Ngũ Phong, phải chăng cũng là cách để nhà báo Nghiêm Thanh luôn nhắc nhở những người làm báo hiện nay, cũng như tự nhắc nhở chính mình mình:
Lấy bút danh Năm Gió - Ngũ Phong
Khắc ghi giữ trí sáng, tâm trong
Đeo nghiệp mấy chục năm làm báo
Một đời gánh nặng phận long đong
Xã luận chính, tà phân định rõ
Điều tra hư thực bút không cong
Miệt mài gọt giũa từng câu chữ
Trang viết hiện lên tự đáy lòng...
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 10/2024