Khi nghèo là vốn liếng

TPO - Chiều 10/8, buổi lễ ra mắt sách “Nghèo là vốn liếng” có nội dung truyền cảm hứng tích cực của TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung đã diễn ra tại TPHCM. Toàn bộ tiền bán sách, bác sĩ Tú Dung sẽ sử dụng để gây quỹ Nuôi em đến trường hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

TS.BS Tú Dung là Tổng giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW. Ông đã thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật miễn phí cho các ca bệnh khó giúp bệnh nhân có được hạnh phúc, đổi đời sau khi thay đổi nhan sắc. Tuy nhiên, ít ai biết được ông sinh ra trong gia đình nghèo, lớn lên trong cảnh khốn khó.

Khi nghèo là vốn liếng ảnh 1

Nghèo là vốn liếng - cuốn sách đầu tay của TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung.

Mở đầu cho buổi ra mắt cuốn sách TS.BS Tú Dung nói: “Quá khứ của tôi bị bủa vây bởi sự nghèo khó nhưng tôi rất trân trọng và yêu mến quá khứ của mình, bởi nơi đó đầy ắp tình yêu thương của gia đình là động lực để tôi vươn lên. Tôi kỳ vọng cuốn sách là nguồn cảm hứng và là chìa khóa cho những ai đã và đang trải qua những giai đoạn khó khăn, đang loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Độc giả đọc được cuốn sách từ những câu chuyện thực tế của bản thân tôi giúp họ có thêm động lực để vượt lên chính mình”.

Lý giải cho tựa đề Nghèo là vốn liếng, TS.BS Tú Dung nói: “Thoạt đầu, độc giả sẽ ngạc nhiên về quan điểm này, vì vốn liếng là nói đến tiền bạc, của cải chứ không ai nghĩ vốn liếng là nghèo. Nhưng nếu dành thời gian đọc hết 7 chương trong cuốn sách, bạn sẽ hiểu được rằng nghèo là động lực giúp ta vượt qua nghịch cảnh, bước đến thành công”.

Khi nghèo là vốn liếng ảnh 2
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung đã mất 3 năm để hoàn thành cuốn sách tâm huyết.

TS.BS Tú Dung đã dùng gần 50 năm thăng trầm của đời mình, khắc họa sống động và chân thực trong từng trang sách với những trải nghiệm xương máu, kinh nghiệm đối mặt với khó khăn và cả thất bại.

Ông đã đúc kết lại thành những bài học, phương pháp thực tế mà bản thân mình đã đánh đổi bằng tuổi trẻ, công sức và tiền bạc trong 270 trang sách.

“Chúng ta sinh ra và thay đổi liên tục theo thời gian nhưng một thứ không thay đổi chính là thời gian mỗi ngày. Vấn đề quan trọng chúng ta sắp xếp thời gian, công việc như thế nào. Hành trình tôi đi qua là những câu chuyện thật, tôi viết thành sách với mong muốn truyền động lực cho thế hệ trẻ. Cuộc sống này 90% tỷ phú xuất phát từ con số không, những người có tiền cũng cần phải học, những người nghèo càng phải nỗ lực học nhiều hơn” - TS Tú Dung nói.

Khi nghèo là vốn liếng ảnh 3

Nhiều cá nhân, đơn vị đã đặt mua sách với số lượng lớn tại buổi ra mắt.

Ông cho rằng vốn liếng mỗi người có được từ thực tế của sự nghèo khó phải bươn chải để vươn lên là vô giá nhưng không bao giờ phải trả lãi. Chúng ta chỉ cần duy trì và kiên định con đường đã chọn để thay đổi số phận. Cuộc đời là biển lớn, ai không bơi sẽ chìm. Hãy kiên định với công việc dù thất bại cũng không bỏ giữa chừng đích đến của sự thành công sẽ chờ đón mọi người.

TS.BS Tú Dung cho biết: “Từ thực tế đồng hành cùng chương trình Nâng bước Thủ khoa do Báo Tiền Phong tổ chức, tôi thấy hầu hết sinh viên thủ khoa đều là các em có xuất thân nghèo khó. Rất nhiều người muốn học nhưng không có tiền. Tôi cũng từng là đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nên tôi đồng cảm với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khao khát được học tập. Tôi quyết định thành lập quỹ Nuôi em đến trường, dùng 100% tiền bán sách theo giá bìa là 168.000 đồng/cuốn giúp các em học sinh, sinh viên tiếp bước ước mơ học đường”.

Khi nghèo là vốn liếng ảnh 4

Nhà báo Lý Thành Tâm chúc mừng TS.BS Tú Dung và kỳ vọng ông có thêm nhiều đầu sách mới.

Ngay sau khi ra mắt, 2.000 cuốn sách Nghèo là vốn liếng đã được bán hết. Tại buổi lễ, hơn 1.000 cuốn khác đã được độc giả đặt mua. BS Tú Dung kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2024 khoảng 4.000 cuốn sách đang chuẩn bị in ấn được bán hết để quỹ Nuôi em đến trường có một tỷ đồng đầu tiên hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Đến tham dự buổi lễ ra mắt sách, Nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM (người sáng kiến chương trình Nâng bước thủ khoa của báo Tiền Phong) chia sẻ: “Cuốn sách thể hiện sự tử tế và lòng biết ơn của TS.BS Tú Dung với những người thầy của mình, đặc biệt là biết ơn với gia đình, quê hương, biết ơn cả sự nghèo khó để tạo động lực vươn lên. Bàng bạc trong cuốn sách là lòng biết ơn của tác giả. Biết ơn cả những người gây cản ngại, khó khăn cho mình trong cuộc sống, công việc. Ý nghĩa tích cực ấy sẽ truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng hướng đến những điều tốt đẹp. Tôi tin cuốn sách được tái bản nhiều lần để chuyển tải thông điệp tới bạn đọc, giúp nhiều học sinh, sinh viên khó khăn được quỹ Nuôi em đến trường tiếp sức".

Sách Nghèo là vốn liếng gồm có 7 chương: chương 1, học trò nghèo xứ Quảng và giấc mơ bác sĩ. Chương 2, từ bác sĩ thực tập không lương đến bác sĩ phẫu thuật. Chương 3, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - ngã rẽ định mệnh. Chương 4, số phận và vận mệnh. Chương 5, mến sự thách thức của y học. Chương 6, Sài Gòn trong đại dịch COVID-19. Chương 7, vĩ thanh "cuộc đời là biển lớn, ai không bơi sẽ chìm".

Tin liên quan