Khi Lê Minh Khuê tung “Nhiệt đới gió mùa”

Khi Lê Minh Khuê tung “Nhiệt đới gió mùa”
TP - Nhiệt đới gió mùa mới xuất bản của Lê Minh Khuê đã dữ dằn rồi nhưng các diễn giả trong buổi tọa đàm chiều 19-12 ở L’Espace khiến cho nó càng dễ mang sắc thái ám ảnh.

> Về những 'thành phố đi vắng'
> Nhà văn Lê Minh Khuê và 'ngày tận thế'

Ám ảnh thế nào?

Cuốn sách dày 250 trang, hầu hết là truyện in lần đầu của Lê Minh Khuê. Riêng truyện vừa Nhiệt đới gió mùa 95 trang.

Nhà giáo, nhà phê bình Bùi Việt Thắng người tự nhận độc giả dai dẳng nhất của Lê Minh Khuê, đeo bám chị hơn 30 năm nay, cho rằng cùng với Gió dại của Bảo Ninh, Mùa hè buốt giá của Văn Lê, Đội hành quyết của Thái Bá Lợi, có thể xếp Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê vào Bảo tàng văn học chiến tranh.

Ông Thắng nói đọc xong Nhiệt đới gió mùa, ông cảm thấy rã rời suốt mấy ngày. Bởi nó “đi thẳng vào tim đen của mọi chuyện, bỏ qua mọi sự vẽ vời”.

Đọc xong một đoạn ở trang 81, Phạm Xuân Nguyên hỏi “kinh không?” và nói về một thứ nộ khí nào đó.

Trong vai trò dẫn chuyện, anh Nguyên tóm lược: Toàn bộ lịch sử khoảng 50 năm của đất nước với những biến cố đau thương dữ dội nhất được nén lại trong chưa đầy trăm trang viết dung lượng tiểu thuyết. Trong số phận của dân tộc, mỗi con người cũng bị nắn theo.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét trong vai trò diễn giả: Tiểu thuyết được ép lại thành truyện vừa này đưa ra cách giải thích về chiến tranh khiến người đọc rơi nước mắt.

Chiến tranh được nhìn bằng con mắt thật dữ dằn. Khi (các nhân vật) đã chỉ còn một con mắt mà lại còn nhìn nhau qua màng máu thì cực kỳ khủng khiếp. Nhưng cuối cùng Lê Minh Khuê đã tìm được cách hóa giải nó, hóa giải hận thù.

Chi tiết con mắt bị móc của 2 nhân vật chính là chi tiết rùng rợn nhất của truyện, đầy tính ẩn dụ. Hai người phụ nữ Việt và Hân đánh ghen nhau, Việt ngã vào cây đinh khiến mất một con mắt, không chỉ thù người tình mà thù cả gia đình ông ta.

Sau mấy chục năm, hai gia đình mỗi người ở một miền, hai con của họ cũng ở hai chiến tuyến tình cờ gặp lại nhau. Phong, con trai Việt- sĩ quan quân đội Sài Gòn đã móc một con mắt của Hiếu- con của Hân, một người lính giải phóng bị bắt làm tù binh để trả thù. Cuộc trả thù của Hiếu tiếp diễn sau đó…

Người sùng bái tuổi trẻ?

Diễn giả Tạ Duy Anh nhận định như vậy về đồng nghiệp lâu năm của mình. “Chị Khuê mê tuổi trẻ, sùng bái tuổi trẻ thật hay do chị sùng bái con chị thì tôi không biết nhưng đọc những truyện như Camry 3 chấm, Nước trong và nhất là Trên đường đê tôi bảo: Chị viết như thế này thì gặp những ông bụi đời chắc tôi cũng phải thích đây. Các nhân vật trẻ tuổi của chị đều trải qua những tình huống ghê gớm của cuộc đời nhưng vẫn giữ được hạt ngọc của nhân cách”.

Về chuyện Lê Minh Khuê “mê tuổi trẻ”, nhiều người có thể làm chứng. Chẳng hạn trong nhiều năm liên tục in truyện ngắn Tết ở báo Tiền Phong, câu đầu tiên chị thường hỏi biên tập viên khi báo đã ra là “liệu bọn trẻ nó có thích không nhỉ, có đọc không”. Từ thuở Tờ đô-la xanh in thập kỷ 90 cho đến Ronan Keating, Câu chuyện tác thành…sau này.

Cũng có độc giả tưởng chị là một “ông Khuê” nào đó. Lê Minh Khuê tự thấy văn mình cũng “đàn ông”. Tôi lại phải dẫn lời nhà văn Bảo Ninh rằng không ít truyện của chị đã được viết bằng một lối hành văn “hiểm nghèo”.

Tuy vậy, thỉnh thoảng, cuộc cách tân kiểu “những câu văn không viết theo ngữ pháp mà theo nội dung, theo dòng chảy của tư tưởng” mà Phạm Xuân Nguyên chỉ ra, không phải ai cũng tán thưởng như đối với lối viết “như không” của chị.

Tạ Duy Anh nói: Càng đọc Lê Minh Khuê tôi tự hỏi không biết bao giờ thì nhà văn này cạn vốn. Những gì quan trọng nhất đời người phụ nữ này vẫn còn trong ký ức, chưa biết bao giờ mới tung ra hết.

Nhưng có một truyện trong tập, viết về người trẻ, hiện đại, tên là Rap Việt, khiến Tạ Duy Anh “không yên tâm lắm”, còn Minh Thái vẫn “bênh” quyết liệt, cho rằng Khuê không có gì phải lăn tăn về câu chuyện có yếu tố giết người cũng “kinh khủng” này.

Lão luyện, hài hước

Lão luyện cũng là từ của Tạ Duy Anh. Còn nhà phê bình Văn Giá cho rằng Lê Minh Khuê đã đạt đến độ “vô chiêu thắng hữu chiêu”.

“Không thể nhận ra điểm ghép giữa sự thật và hư cấu trong các truyện. Trong khi chúng tôi cứ cố gắng làm cái việc tiểu thuyết hóa hiện thực thì chị đã tự chắt lọc, nạp vốn sống vào thế giới tinh thần của mình. Và trong sự dữ dội của chị luôn có những tia hy vọng, những mầm nhân tính, nâng đỡ cảm nhận của người đọc và tác phẩm của mình. Chắc nhà quản lý văn nghệ cũng đọc được thông điệp lớn lao của chị, đó là nỗi đau quá khứ nên khép lại”- Tạ Duy Anh nói.

Một độc giả trẻ tỏ ra ngạc nhiên vì cuốn sách đã dễ dàng mẹ tròn con vuông. (Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành).

Lê Minh Khuê nói: Tôi hay dùng những vấn đề ghê gớm, để ý đến những sự ghê gớm trong cuộc sống với mục đích làm thế nào giải quyết một tâm thế, làm cho người ta tha thứ cho nhau, thương yêu nhau hơn, sống hòa bình hơn.

Thừa nhận Nhiệt đới gió mùa có “một thứ kích thước chưa phù hợp với nhiều người”, biên tập viên cuốn sách- Tạ Duy Anh cũng chỉ ra sự hài hước ngầm trong tác phẩm Lê Minh Khuê nói chung và theo anh, yếu tố hài hước này khiến cho hiện thực dù khốc liệt đến đâu, đọc rợn người đến đâu, cuối cùng vẫn khiến người đọc tìm được điểm bấu víu, phao cứu sinh để có thể tiếp tục hy vọng vào cuộc đời, hy vọng vào những giá trị vĩnh cửu.

“Nhà văn phải làm được điều đó, nếu không, văn chương vô nghĩa”- Tạ Duy Anh kết luận.

Vùng nhiệt đới gió mùa mang theo hơi ẩm từ biển vào luôn gây ra cho con người những cơn bức bối khó chịu không biết trút vào đâu người ta hay trút vào nhau. Dải đất hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy mong manh như làn khói gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận. Thù hận làm đời ta ngắn lại…

Đoạn này trong cuốn sách được Phạm Xuân Nguyên đọc to, để giải thích cái tên truyện Nhiệt đới gió mùa. Lê Minh Khuê nói thêm, chị thích cụm từ “nhiệt đới gió mùa” và có lúc những tên sách chỉ là ngẫu ý.

Nguyễn Thị Minh Thái không đồng ý với Hồ Anh Thái gọi Lê Minh Khuê là người đàn bà viễn thị: “Tôi nói với anh Thái rằng Khuê không hề viễn thị, Khuê là người đàn bà thấu thị luôn nhìn cuộc sống, nhìn chiến tranh bằng cặp mắt xuyên thấu, bên trong âm ỉ một tấm lòng nồng nhiệt”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
TPO - Công an tỉnh Bình Thuận điều động và bổ nhiệm thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự đến nhận công tác, giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam; điều động thượng tá Trần Văn Tươi, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám thị Trại Tạm giam.