Khi 'cá mập' lao đao

Trần Anh Vương cho rằng thất bại không đáng sợ. Từ những thất bại, anh muốn chia sẻ đến các bạn trẻ khởi nghiệp để có thể tránh bớt sai lầm. Ảnh: VNN
Trần Anh Vương cho rằng thất bại không đáng sợ. Từ những thất bại, anh muốn chia sẻ đến các bạn trẻ khởi nghiệp để có thể tránh bớt sai lầm. Ảnh: VNN
Khi hàng loạt công ty rơi vào cảnh thua lỗ, nhiều người tò mò không biết vị “cá mập” nổi tiếng trên truyền hình về chương trình kinh doanh sẽ ứng xử ra sao? Còn với Trần Anh Vương, anh cho rằng thất bại không đáng sợ. Anh xem những bài học thất bại còn quý giá hơn và không ngừng chia sẻ, hỗ trợ các Start up.  

Rút vốn, từ chức vì thua lỗ

Trần Anh Vương là cái tên không còn xa lạ với cộng đồng khởi nghiệp trong thời gian gần đây. Anh là một trong những “cá mập” nổi tiếng trong Chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ).

Khi 'cá mập' lao đao ảnh 1 Trong thời gian tham gia Shark Tank, các công ty do “cá mập” Trần Anh Vương điều hành liên tục thua lỗ

Xuất phát từ một nhân viên kinh doanh, sau hơn 20 năm, Trần Anh Vương giữ nhiều cương vị quan trọng tại các công ty danh tiếng, như Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đầu tư BVG, Tổng giám đốc Cty cổ phần SAM Holdings, thành viên HĐQT tại các Tổng Cty Dược Việt Nam, Cty cổ phần Nhựa Đồng Nai, Cty cổ phần SAMETEL… Anh cũng từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Phó chủ tịch Doanh nhân trẻ Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 – 2018. 

“Tôi đã vấp váp rất nhiều trong cuộc đời đầu tư, phá sản, rồi đủ các thử thách… nên khi các bạn đến ngưỡng nguy hiểm là tôi hiểu ngay. Tôi biết các bạn đang trong tình trạng như thế nào và có chìa khóa để giải quyết các vấn đề như vậy”. 


Trần Anh Vương chia sẻ trước cộng đồng Start up  

Tham gia chương trình Shark Tank chỉ trong mùa 1, nhưng Trần Anh Vương khiến các Start up không khỏi ấn tượng về một vị “cá mập” dí dỏm, thông minh và không kém phần sâu sắc. Anh cũng là “cá mập” được đánh giá có khẩu vị đầu tư ưa mạo hiểm với phát ngôn “cứu sống một doanh nghiệp có khi tốt hơn tạo ra một doanh nghiệp mới”.

Những thương vụ mà Trần Anh Vương đầu tư có thể kể đến như vụ rót 11 tỷ đồng vào sản phẩm thể dục dụng cụ Power Rings của nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, hay cùng Shark Thủy chi 260 nghìn USD (khoảng 6 tỷ đồng) vào ứng dụng video Umbala…Đến nay, một số dự án mà Shark Vương đầu tư đang phát triển tốt như thương vụ thời trang Emwear, giao hàng SuperShip…

Tuy nhiên, trái ngược với Shark Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun House), trong thời gian là “cá mập” của chương trình Shark Tank, Trần Anh Vương lại gặp không ít khó khăn khi các công ty do anh lãnh đạo rơi vào cảnh thua lỗ liên tục.

Tại Cty cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam, sau 3 năm liên tiếp thua lỗ với khoản lỗ lũy kế gần 277 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ, tháng 7/2018, Trần Anh Vương có đơn từ chức Chủ tịch HĐQT  dù nhiệm kỳ của anh vẫn còn thời gian tới năm 2021. Cty cổ phần SAM Holdings, nơi tên tuổi Shark Vương được biết tới nhiều nhất cũng thông báo lỗ khiến vị này quyết định rút hết vốn và viết đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc.

Thất bại không đáng sợ

Dù tình cảnh làm ăn của các công ty không mấy suôn sẻ, nhưng Trần Anh Vương vẫn luôn tâm huyết với phong trào khởi nghiệp. Ít ai biết, anh là người góp công đưa chương trình Shark Tank từ Mỹ về Việt Nam với mục tiêu khuấy động phong trào khởi nghiệp trong nước, cũng như tìm kiếm những Start up tốt để hỗ trợ, đầu tư.

Theo anh, khởi nghiệp phong trào giống người cầm cờ gõ chiêng gõ trống, còn người khởi nghiệp là những người xông lên sau loạt đạn đầu tiên. Có người ngã xuống và cũng có người chiến thắng. Không chỉ trong khởi nghiệp, bất cứ hoạt động gì cũng cần có người đứng ra hô hào. Nếu không có khởi nghiệp sẽ không có khởi nghiệp thành công.

“Phải có khởi nghiệp phong trào thì trong lõi mới có khởi nghiệp sáng tạo thật. Lõi của khởi nghiệp sáng tạo thật là khởi nghiệp sáng tạo thành công”, Shark Vương chia sẻ.

Tham gia Shark Tank trên cương vị Chủ tịch HĐQT SAM Holdings, được biết hạn mức đầu tư tối đa cho Start up của công ty chỉ dừng lại ở mức 10 tỷ đồng, tuy nhiên, con số quyết định đầu tư của Shark Vương đã vượt 26 tỷ đồng, với 10 thương vụ gọi vốn thành công. Theo Trần Anh Vương, những thương vụ được anh lựa chọn chủ yếu được quyết định bởi yếu tố con người, chứ không tuân theo nguyên tắc cơ bản (ngành hàng) khi dự án đó không quá lớn.

Sau mùa 1, Trần Anh Vương rút từ vị trí “cá mập” về làm cố vấn (mentor) cho chương trình. Nói về cảm xúc với Shark Tank, anh chia sẻ đã từng 3 lần bật khóc. Lần thứ nhất là khi đàm phán thành công và mang được chương trình Shark Tank về Việt Nam. Lần thứ hai là khi chương trình tìm được đơn vị đồng ý phát sóng sau 18 tháng kêu gọi khó khăn. Và lần cuối cùng là khoảnh khắc Trần Anh Vương rời khỏi vị trí “cá mập”, đứng trong hậu trường theo dõi “đứa con tinh thần” tiếp tục được thực hiện mùa 2. 

Khi nói về thất bại của bản thân, Trần Anh Vương không ngần ngại chia sẻ, thất bại không có gì đáng sợ và chỉ là chuyện thường tình của kinh doanh.

Theo anh, những câu chuyện về thành công thì nhiều, nhưng thẳng thắn về thất bại thì không phải ai cũng dám đối diện. Từ những thất bại, anh muốn chia sẻ đến các bạn trẻ khởi nghiệp để có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm, tránh những sai sót không đáng có.

“Tôi đã vấp váp rất nhiều trong cuộc đời đầu tư, phá sản, rồi đủ các thử thách… nên khi các bạn đến ngưỡng nguy hiểm là tôi hiểu ngay. Tôi biết các bạn đang trong tình trạng như thế nào và có chìa khóa để giải quyết các vấn đề như vậy”, Trần Anh Vương chia sẻ trước cộng đồng Start up. 

Để có thể đồng hành với các Start up, mới đây, Trần Anh Vương còn tham gia cùng với doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa  (Chủ tịch iBosses Việt Nam) và Hà Anh Tuấn (CEO Vinalink) sáng lập Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI (Education, Mentoring, Investing) với mục tiêu có thể dẫn dắt các Start up tại Việt Nam phát triển lên tầm cao mới. 

MỚI - NÓNG