Tiệc trăng máu

Khi bạn thân đem nhau ra 'nhậu'

Dàn diễn viên nặng ký tham gia Tiệc trăng máu
Dàn diễn viên nặng ký tham gia Tiệc trăng máu
Trong các phiên bản của bộ phim được làm lại nhiều nhất thế giới Người lạ hoàn hảo (Perfect Strangers) của đạo diễn Ý Paolo Genovese, bản Việt hóa có tên kinh dị hơn cả: Tiệc trăng máu. Mặc dù phim không mang yếu tố kinh dị nhưng có thể mang lại hậu quả kinh dị cho cặp nào đang có vấn đề mà lại cùng nhau đi xem phim này.

Không phải vô cớ mà phim gốc Ý lại được “chuyển vùng” nhiều đến thế. Cũng bằng đấy những hỉ nộ ái ố đời người nhưng đặt vào mỗi vùng văn hóa lại có những tiếp biến thú vị. Chẳng hạn ứng xử với đồ lót hay bao cao su sẽ khác nhau ở mỗi nước. Mức độ bình đẳng giới hay nhận thức về LGBT cũng khác biệt tùy từng nơi.

Kịch bản Người lạ hoàn hảo vừa riêng tư vừa có tính nhân loại, ý tưởng đơn giản nhưng lại quá sắc bén. Đây là thời đại của điện thoại thông minh, chúng ta chia sẻ với nó nhiều hơn với bất kỳ người thân nhất nào. Nên để mở cái hộp đen đó dù chỉ trong thời gian ngắn (bằng thời lượng bộ phim), thì ngay cả người thân nhất với chúng ta cũng hóa ra xa lạ. Nên bản Hàn Quốc mới lấy tên là Người lạ thân mật (Intimate Strangers).

Khui các bí mật giữa buổi tiệc của hội bạn thân là cách ít ai chờ đợi. Nhưng chính vì thế nó lại tạo nên sức hấp dẫn chết người khiến các nhân vật không thể từ chối “lật ngửa” điện thoại. Tức là trong lúc họ ăn tối chung, mọi cuộc gọi, tin nhắn, email… gửi đến điện thoại của mỗi người đều được công khai. Bản gốc Ý có một lý giải từ đầu cho hành động này dưới góc độ tâm lý: hội chứng của tội phạm muốn được phát hiện. Và tất nhiên không phải tất cả những người ăn chung bàn vào tối nguyệt thực đều “vô tội”. Nguyệt thực xa xưa được mặc định là chỉ dấu của những hiện tượng bất thường xảy đến với trần gian - nay được gói gọn trong bàn tiệc. Nếu không bị tác động bởi nguyệt thực, có lẽ các thực khách đã không đồng ý chơi trò đó. Và họ sẽ tiếp tục sống hạnh phúc, bình yên bên cạnh một cuộc đời bí mật khác…

Một điểm hấp dẫn khiến phim hay được làm lại đó là kịch bản như một vở kịch kinh điển gần với quy tắc “tam duy nhất”. Phiên bản gốc chỉ kể lại các sự việc xảy ra trong một buổi tối, chủ yếu tại một bối cảnh theo đúng trình tự thời gian. Do đó không đòi hỏi các thao tác điện ảnh quá phức tạp, tốn kém. Quan trọng là phải có một bảng phân vai ra trò. Tuy nhiên phim Việt vẫn không thể thiếu đặc sản: tranh thủ quảng cáo lộ liễu cho một sản phẩm nào đấy.

Tất nhiên, tiếp khách salon tại gia là truyền thống văn hóa Tây phương. Họ dường như có nhiều đề tài để cao đàm khoát luận. Ở phim của Ý và Pháp, bữa tiệc là cuộc tụ tập định kỳ của những cặp trung lưu. Phiên bản Hàn và Việt biến nó trở thành dạ tiệc tân gia thượng lưu. Xem hai bản Âu sẽ thấy mọi thứ tự nhiên, “trưởng thành” và vừa vặn. Phim Pháp có thêm nhiều câu thoại hài hước đúng điệu như “Con khốn đó mang thai và tôi là người nôn”… Hành động của các nhân vật cũng dứt khoát hơn, không phải nhìn trước ngó sau mấy. Bản Việt học theo bản Hàn màn trung tiện khá thô. Bản Hàn còn vô duyên hơn nữa ở màn lai giống chó…

Có vẻ như người châu Á tụ với nhau dễ rơi vào ngồi lê đôi mách, cãi vã, bóc mẽ mà chưa cần đến trò chơi kia. Phiên bản Việt Nam (bám sát Hàn Quốc) phần nào thể hiện được “văn hóa” đó. Trước khi nhập cuộc chơi, các thành viên đã có các màn bỡn cợt, móc mỉa, rõ ràng bằng mặt không bằng lòng. Mối quan hệ cơm không lành của vợ chồng chủ nhà Nguyệt Ánh (Hồng Ánh) và Quang (Hứa Vĩ Văn) được hé lộ ngay từ đầu. Nhân vật Ánh ngay từ đầu đã bị điểm huyệt (ăn cơm trước kẻng)… Bản gốc tạo không khí thoải mái vô tư, công bằng giữa các nhân vật trước khi trò chơi bắt đầu.

Bản Hàn và Việt đều muốn thêm thắt nhiều kịch tính để bù vào nội dung thoại có thể kém phong phú hơn chút. Đó cũng là cách an toàn để hút khách. Bản Việt Nam ra sau Hàn nên là còn tiến xa hơn. Để báo trước bản tính kỳ thị giới của Linh (Kiều Minh Tuấn), phim Việt cho nhân vật này có nhiều động tác cợt nhả vô duyên và cũng khá vô lý so với cách cư xử thông thường ngay từ khi chào hỏi Mạnh (Đức Thịnh).

Hai bản châu Á cùng bổ sung một đoạn mở màn kể về tuổi thơ của các nhân vật nam. Mở màn của Việt Nam một lần nữa mắc bệnh ôm đồm khi tìm cách ấn định tính cách nhân vật, rào đón cho những tình huống đối thoại sau đó. Vì những khác biệt văn hóa, phiên bản châu Á không thể nào để cho các cậu thiếu niên cùng nhau làm những việc rất riêng tư. Vậy nên Tiệc trăng máu thay thế bằng màn thi xem ai đi tiểu xa. Phần mào đầu chính là cơ hội cho biên kịch sáng tạo thoát ly kịch bản gốc, nhưng không khéo lại thành ra vênh với phần còn lại, khi bọn trẻ phải nói những câu thoại khá gượng gạo, khiên cưỡng. Nếu xét về bình đẳng giới thì phiên bản Việt Nam tỏ ra thiếu nhất quán. Kathy (Kaity Nguyễn) nhất nhất tuân lệnh chồng dù đường đường là nhà đầu tư cho chồng khởi nghiệp, chứng tỏ phụ nữ Việt lép vế chứ gì. Nhưng Thu Quỳnh (Thu Trang) chỉ là một bà nội trợ thì lại làm như đủ quyền lực để tống mẹ chồng vào trại dưỡng lão.

Tiệc trăng máu tạo nhiều đất diễn cho nhân vật của Thu Trang. Cũng là để đem lại nhiều tiếng cười hơn, nhưng lại làm cho nhân vật này thành ra không rõ tính cách: thông minh hay đần độn, vô duyên hay thâm thúy… khá khó xác định. Dù sao, bằng khả năng diễn xuất sân khấu có phần cường điệu, Thu Trang dễ dàng trở nên nổi bật trong phim.

Trong số những hạn chế thuộc dạng không đáng kể lại nổi lên một nhược điểm không đáng có ngay ở khâu phân vai. Điện ảnh thì cũng nên chân thực một chút. Gương mặt của Kiều Minh Tuấn không thể nào ở tầm tuổi 45 của nhóm nhân vật nam được. Trong khi Đức Thịnh lại quá dừ so với vai. Kaity Nguyễn thì rõ ràng đáng tuổi con Nguyệt Ánh. Thế mới biết diễn viên Việt vừa có nghề vừa có sức hút quầy vé hiếm đến mức nào.      

Một đặc điểm thường thấy ở phim Việt cũng thể hiện rõ ở Tiệc trăng máu là dù có đóng phim nào thì cái tôi của ngôi sao vẫn ở đấy. Tức là chỉ đổi tên hay cách ăn mặc tùy từng phim chứ vẫn là những nét diễn đã đóng khung với tên tuổi ấy. Khó mà trông chờ những tìm tòi khác biệt cho từng phim. 

MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.