Đầu tư lớn chưa chắc thành công
“Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ dù còn tiếc nuối về kịch bản nhưng không thể phủ nhận sự chỉn chu, cố gắng ở phần nhìn, như phần phục trang chẳng hạn. Người trong cuộc tiết lộ, đã phải tốn hàng ngàn mét vải để may đo hàng trăm bộ trang phục, đến trang sức cũng được tỉ mỉ lựa chọn. Nhiều lời khen dành cho phục trang “Người vợ cuối cùng”: “Đẹp xuất sắc”; “Rất Việt Nam”… Nhưng vẫn không ít “thượng đế” soi, thí dụ: “Sao cúc cổ áo dài phụ nữ cứ mở ra thế kia nhỉ?”.
Phục trang trong phim Kiều |
“Người vợ cuối cùng” lấy bối cảnh nhà quan miền Bắc Việt Nam thế kỷ 19, nên phục trang được khán giả đặc biệt quan tâm. May mắn, Victor Vũ nhận về nhiều lời khen. Nhưng phim Kiều, “đứa con tinh thần” của đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lại không gặp may như thế. Phim bị chê tơi tả, chê nghiệt ngã, ngay cả phần phục trang. Thí dụ, với tạo hình Hoạn Thư khán giả bắt lỗi: Trang phục hơi quá phận. Hoạn Thư đâu phải phi tần. Hay tại sao Kiều lại diện trang phục màu vàng, ở thời phong kiến màu vàng chỉ dành cho vua chúa, chứ không phải dành cho một mỹ nhân “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”...
Phục trang trong phim “Phượng khấu” |
Sau hơn 2 năm, kể từ khi phim Kiều ra mắt, đạo diễn Mai Thu Huyền trải lòng với Tiền Phong Chủ nhật: “Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du được người Việt say mê, tự hào bởi nó mang hồn cốt Việt, dù dựa theo truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Chúng tôi không định làm bộ phim Việt Nam nói về Trung Quốc và cũng không định bê nguyên truyện Kiều lên phim. Chúng tôi chỉ lấy cảm hứng từ truyện Kiều. Nghệ thuật là được sáng tạo. Chúng tôi mời họa sĩ, nghệ sĩ thị giác, nhà thiết kế Thủy Nguyễn đảm đương khâu phục trang. Thủy Nguyễn không phải cái tên xa lạ, chị đã làm phục trang cho nhiều phim, như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”… bộc lộ sự sáng tạo giàu có”. Quan điểm của Mai Thu Huyền trong phim Kiều: Trang phục phải đẹp, phá cách nhưng không nhất thiết đi theo một thời đại cụ thể nào.
Chị nói: “Chúng tôi chọn yếm vì vừa quyến rũ, vừa Việt Nam. Nhưng là yếm cách điệu. Và chọn váy xếp li, bởi thời điểm ấy, xếp li đang là xu hướng trong thời trang. Mảng màu ombre cũng được ứng dụng bằng loại vải đặc biệt được thương hiệu Thái Tuấn in riêng. Chúng tôi muốn mang hơi thở của thời trang hiện đại vào phim thuộc thể loại cổ trang-fantasy”.
Màu sắc trên trang phục cũng được tính toán. Với những nhân vật mạnh mẽ, cá tính sử dụng màu nóng, đậm. Những nhân vật hiền lành dùng tông màu nhạt”. Nhà sản xuất thừa nhận, đã chi một khoản không nhỏ cho phục trang và tốn nhiều thời gian, công sức: “Có những bộ phải làm đi làm lại. Phục trang chuẩn bị nửa năm trời. Vẽ mẫu, vẽ kiểu, họp hành bàn bạc suốt. Ngay giày trong phim Kiều cũng được làm riêng…”.
Nhưng phim Kiều thu lại hiệu ứng ngược, đến mức Mai Thu Huyền cảm thấy chạnh lòng: “Sau phim Kiều tôi bị tuột cảm xúc, chưa dám bắt tay vào dự án cổ trang khác”.
Cần định trang và cái nhìn cởi mở?
Tài tử Lý Hùng từng tham gia nhiều phim cổ trang như “Phạm Công Cúc Hoa”, “Tây Sơn hào kiệt”… Theo quan sát của anh: “Trước đây phần phục trang của phim cổ trang thường lấy theo thiết kế bên cải lương rồi mới biến tấu cho hợp với nhân vật phim ảnh. Nhưng những người lo phục trang của phim đều cố gắng giữ hồn cốt Việt Nam trong trang phục”. Phóng viên hỏi: “Ngày xưa phim Phạm Công Cúc Hoa không bị “soi” trang phục. Bây giờ với phim kiểu này, tình hình ngược lại. Theo anh, vì sao?”.
Nam diễn viên đáp: “Theo tôi, muốn phim cổ trang phát triển cần thống nhất lại phần phục trang: Thời Nguyễn ăn mặc ra sao, thời Lê như thế nào? Khi ấy sẽ giảm đi nhiều tranh luận. Ở Trung Quốc, có những nhà làm trang phục chuyên từng triều đại. Ở ta còn lẫn lộn nhiều thứ”.
Đừng nói phim màn ảnh rộng về thời phong kiến đã xa lắc lơ, ngay phim truyền hình về nông thôn Bắc Bộ ngày trước như “Thương nhớ ở ai” (phóng tác từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng) cũng gây ồn ào quanh diễn viên mặc áo yếm không nội y. Trong khi đó, nhà văn Dương Hướng lại thấy chuyện ăn mặc trong phim không đáng tranh luận: “Ngày xưa làm gì có áo ngực. Tôi ở nhà quê tôi biết mà. Phụ nữ không mặc coóc- xê như bây giờ. Họ thường mặc yếm nâu, nhuộm đặc, chứ yếm có mỏng và nhỏ như bây giờ đâu? Ở nhà nhiều người chỉ mặc yếm, ra ngoài mới vơ thêm cái áo cánh”.
Phóng viên hỏi: “Nhưng trên phim “Thương nhớ ở ai” áo yếm không dày mà trông mát mẻ, gợi cảm lắm! Ông đã xem chưa?”. Tác giả “Bến không chồng” cười, đáp: “Ừ thì cũng có cách điệu. Từ đời thực lên màn ảnh phải khác đi chứ lị. Chẳng lẽ cứ bê y nguyên?”.
Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn lại nhìn nhận, phục trang phim Việt hay gặp phản ứng từ dư luận bởi: “Khán giả chưa xác định được đang xem phim gì? Đang xem phim lịch sử hay xem phim có bối cảnh lịch sử nhưng câu chuyện là hư cấu. Bản thân câu chuyện không có thật thì tại sao lại bắt buộc mọi thứ phải như thật? Tâm thế của người xem ảnh hưởng nhiều tới khen, chê. Chưa xem phim người ta đã áp đặt đây là một bộ phim mang yếu tố lịch sử mà không cần biết là đạo diễn và ê-kip phim chỉ mượn bối cảnh.
Làm phim là một ngành sáng tạo chứ không phải làm sách giáo khoa lịch sử hay phim tài liệu. Ở đây có độ lệch pha giữa mục đích của người làm phim và sự mong chờ của khán giả”. Thuỷ Nguyễn từng tạo ra xu hướng thời trang trong giới trẻ khi làm phục trang cho phim “Cô Ba Sài Gòn”. Về điều này, chị giải thích: “Phim Cô Ba Sài Gòn áo dài trở thành trung tâm, nên tôi được sáng tạo”.
Trước khen, chê của khán giả, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn giữ thái độ bình tĩnh. Chị nói: “Đó là quyền tự do và quan điểm của mỗi người. Tôi không phán xét. Có thể người ta nói cũng đúng, do mình nghĩ chưa tới, chưa hết, nên cần lắng nghe, học hỏi. Nhưng cũng có những khi mình bị hiểu lầm. Thí dụ, quay vài trăm phút cắt còn 90 phút, không đủ thời gian để nhà thiết kế được diễn tả hết. Đó cũng là cái khó khi làm phục trang cho phim”.
Bộ phim được xem là phim cung đấu ở ta cũng gây tranh cãi, chính là “Phượng khấu”. “Phượng khấu” lấy bối cảnh thời Nguyễn, kể về cuộc đời của Từ Dụ Hoàng Thái Hậu. Phần phục trang của “Phượng khấu” do nhóm thiết kế Ỷ Vân Hiên lo liệu.
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Ỷ Vân Hiên, cho biết: Chi phí phục trang trong “Phượng Khấu” ngót 3 tỷ đồng. Theo Nguyễn Đức Lộc, nói về dòng phim dã sử, cổ trang ở ta, không thể không kể đến “Đêm hội Long Trì”: “Đó là một dấu mốc nhưng thời kỳ ấy mọi thứ còn thiếu thốn nên phục trang cũng còn hạn chế. Nhưng những năm trở lại đây, phục trang trong phim được quan tâm và phát triển hơn. Do khán giả, nhất là khán giả trẻ bây giờ nhận thức cao nên đòi hỏi cũng cao hơn”.
Theo nhà thiết kế 9x, những tiếng chê về phục trang trong phim lại có lợi đối với người làm nghề, bởi: “Sự phản biện của khán giả làm cho chất lượng phim ảnh, từ phim truyền hình tới điện ảnh tốt hơn rất nhiều”.
Đóng phim cổ trang vất vả
Tài tử Lý Hùng chia sẻ: “Khi vào vai Tướng Phạm Công hay Vua Quang Trung tôi phải mặc bộ giáp nặng gần 10 ký, còn phải đánh võ, đánh kiếm cả ngày trời. Mà trang phục nhiều lớp, ở trong mặc bộ đồ trắng, rồi bó lưng, bó từng mảng, từng mảng vào người. Bộ đồ tướng phải cần 15 phút mới mặc xong, bởi phải sửa, phải chỉnh trang. Làm phim cổ trang đã cực lại tốn kém. Chẳng hạn, để có những cảnh quay đua ngựa chúng tôi phải chở ngựa từ Sài Gòn đến những vùng thảo nguyên. Đi theo đoàn phim còn có cả người chăm sóc ngựa, kinh phí đội lên. Nhưng tôi không trách khi khán giả chê. Vì họ yêu mến mà góp ý”.