Khát khao học hỏi để cứu người

Khát khao học hỏi để cứu người
TP - Đại tá, bác sĩ, tiến sĩ Y khoa Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện 110 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) là tấm gương sáng về y đức. Câu chuyện về anh, có lẽ làm ấm lòng và phần nào lấy lại niềm tin của người dân, sau hàng loạt những lùm xùm, bê bối bị phát giác trong thời gian gần đây trong ngành Y.

> 'Thần y' ở Bắc Giang chữa sỏi thận bằng lá cây

Ba không, ba cùng

Tâm niệm lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”, bác sĩ Diêm Đăng Thanh hiểu rằng, y đức là cội rễ của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của mỗi cá nhân và đơn vị. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất bệnh viện, anh có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hoàn thiện y đức cán bộ nhân viên.

Bác sĩ Thanh luôn đặt mình vào vị trí bệnh nhân để lắng nghe, thấu hiểu. Trên cơ sở đó, những chủ trương anh đề xuất với Đảng ủy đều xuất phát từ lợi ích người bệnh. Khát khao tạo nên môi trường khám chữa bệnh thân thiện và chuyên nghiệp, Đại tá Thanh tiến hành cải cách thủ tục hành chính.

Cải cách được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện. Khi bệnh nhân đến khám và điều trị, bệnh viện cử điều dưỡng viên trực tiếp hướng dẫn từ khâu đăng kí đến khâu làm các thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác. Việc chuyển giao ban từ buổi sáng sang buổi chiều làm tăng thời lượng phục vụ, giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, quyết định xây dựng và di chuyển khoa khám bệnh vào vị trí mới gần các trung tâm xét nghiệm tạo thành một khu vực liên hoàn thuận lợi cho cả y bác sĩ và người bệnh trong khám và điều trị.

Trước đây, người bệnh phải mất 14 giờ để có kết quả khám bệnh thì nay chỉ khoảng 2 tiếng. Những cải cách này cho thấy, vì lợi ích bệnh nhân và sự phát triển của bệnh viện, tập thể y bác sĩ đã mạnh bạo từ bỏ thói quen và tư duy cũ trong làm việc. Trong lần đến thăm bệnh viện đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã biểu dương những đổi mới này.

Dưới sự lãnh đạo của Đại tá Thanh, y đức thầy thuốc không phải là khái niệm chung chung, được nhắc đến, hô hào trong các khẩu hiệu, thực hiện thế nào cũng được. Y đức được cụ thể hóa thành các văn bản quy định, thành các phong trào thi đua.

Hai năm trước, anh đã kí quyết định ban hành 58 điều xử phạt vi phạm hành chính ở Bệnh viện 110. 58 điều này được hình thành trên đề xuất của anh, các cơ quan tham mưu và soạn thảo, được đưa xuống các khoa để mọi người thảo luận, nhất trí.

Vì thế, quyết định này trở thành khung chuẩn mực để đội ngũ y bác sĩ tự soi xét, nhìn nhận trong quá trình làm việc. Tháng 6/2013, bệnh viện phát động phong trào thi đua: “Nâng cao y đức, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, phục vụ và điều trị bệnh nhân tốt nhất”. Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Chính trị bệnh viện cho biết, phong trào được phát động với nội dung “3 không, 3 cùng”.

Ba không: Không gây phiền hà, sách nhiễu bệnh nhân; Không chỉ dẫn, gợi ý bệnh nhân ra các cơ sở y tế ngoài điều trị; Không đổi, bớt thuốc hay kê đơn thuốc không hợp lí gây tốn kém cho bệnh nhân. Ba cùng: Cùng chia sẻ xoa dịu nỗi đau với người bệnh; Cùng chung tay xây dựng bệnh viện, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Cùng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

a
Bác sĩ Diêm Đăng Thanh.

 “Trong tôi luôn khát khao được học tập, nghiên cứu và sáng tạo để ngày càng phục vụ tốt hơn người bệnh” 

Bác sĩ Diêm Đăng Thanh

Thực hiện hàng loạt cải cách ấy, Đại tá Thanh và Đảng ủy chủ trương phấn đấu từ nay đến năm 2020, xây dựng Bệnh viện Quân y 110 thành bệnh viện khuôn viên, bệnh viện khách sạn. Mô hình bệnh viện này được định hình phát triển theo hướng tinh gọn- trung tâm- liên hoàn- đồng bộ- khép kín, bảo đảm hiện đại- chính quy- tiện nghi- khoa học. Bên cạnh đó là sự hình thành khu tham quan, nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng với cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, không gian cây xanh thoáng mát. Tất cả nhằm mang đến cho bệnh nhân một môi trường khám chữa bệnh lí tưởng nhất.

Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày một tăng. Năm 2012, bệnh viện khám cho trên 85 nghìn người thì 6 tháng đầu năm 2013 đã khám cho gần 60 nghìn lượt người.

Sáng tạo trong cứu người

Đại tá, bác sĩ Thanh được đồng nghiệp quý trọng, nể phục không chỉ bởi anh là người lãnh đạo có tâm, có tầm mà còn là bác sĩ tài năng.

Tốt nghiệp Học viện Quân y, anh về công tác tại Bệnh viện 110. Thực tiễn công tác khiến anh nhận ra rằng, một bác sĩ dù tận tâm với bệnh nhân nhưng năng lực chuyên môn chưa hoàn thiện và các trang thiết bị chưa tân tiến thì việc cứu giúp bệnh nhân sẽ hạn chế. Anh tâm niệm, học từ sách vở, từ kinh nghiệm thực tế là hành trình bền bỉ trong suốt quãng đời làm nghề.

Năm 1995, anh là cán bộ duy nhất được Cục Quân y lựa chọn đi thực tập sinh tại Pháp. Tiếp xúc với tiến bộ khoa học kĩ thuật nước bạn vào thời điểm ấy, anh thương người bệnh quê mình còn chịu nhiều thiệt thòi. Đó cũng chính là động lực thôi thúc anh nghiên cứu và sáng tạo không ngừng nghỉ. Anh hoàn thành luận án tiến sĩ Y khoa vào năm 2008.

Bác sĩ Thanh đã đạt nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng phương pháp nội soi trong khám, chữa bệnh. Anh ghi dấu ấn khi ứng dụng thành công kĩ thuật cắt niêm mạc điều trị ung thư dạ dày qua nội soi cho bệnh nhân Ngô Thị Liễu ở Việt Yên (Bắc Giang).

Bệnh nhân Ngô Thị Liễu là người đầu tiên ở miền Bắc được điều trị bằng phương pháp này. Năm 2011, cũng bằng phương pháp nội soi, anh lấy thành công hai nửa dao lam trong dạ dày bệnh nhân Nguyễn Đoan Hùng, binh nhì thuộc Trung đoàn 141, đoàn Sao Vàng. Khi hội chẩn, phần lớn đồng nghiệp đều chỉ định mổ phẫu thuật.

Suy xét tình hình, bác sĩ Thanh cho rằng đây là ca khó và phức tạp, nếu phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng sau đó, trong khi phương pháp nội soi lại đỡ tốn kém và không gây đau đớn. Ca nội soi do anh làm kíp trưởng đã lấy thành công hai nửa lưỡi dao lam qua đường nội soi ống mềm.

Bà Liễu, anh Hùng là hai trong số nhiều bệnh nhân được bác sĩ Thanh “tái sinh”.

Thiếu tá Trịnh Đình Hiệp, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện 110 cho biết, bác sĩ Thanh làm chủ và đồng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả trong thu dung, cấp cứu, khám, điều trị tại bệnh viện, tiêu biểu như: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở nguồn gen và nguồn chủng các mầm bệnh phục vụ kiểm soát các tác nhân sinh học”, “Nghiên cứu hình ảnh nội soi- mô bệnh học và chủng loại nấm ở bệnh nhân viêm thực quản do nấm”, “Bước đầu nghiên cứu giá trị của nội soi nhuộm màu trong chẩn đoán ung thư dạ dày”, “Hiệu quả của phương pháp tiêm Adrenalin 1/10.000 trong điều trị chảy máu do loét dạ dày- tá tràng”…

Người bác sĩ ấy đã được tặng thưởng danh hiệu: “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trong hai năm liên tiếp 2011, 2012; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen. Vào tháng 2/2012, khi tuổi đời mới ngoài 40, anh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Thầy thuốc ưu tú”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.