Khát khao đưa tơ lụa Việt Nam xứng tầm thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ lâu, vùng đất Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng đã hội tụ cho mình điều kiện thuận lợi về đất, khí hậu, độ ẩm cũng như con người để trở thành “vùng đất vàng của kén tằm” tại Việt Nam. Sản phẩm tơ kén, sợi của Nam Ban Silk trên đất Lâm Hà luôn được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó là khát vọng và niềm tin yêu của những người mong muốn tơ lụa nước nhà có chỗ đứng xứng tầm trên bản đồ tơ lụa thế giới.

Dâu tằm "bén duyên" vùng đất Lâm Hà

Cây dâu tằm rất thích hợp để trồng ở đất đỏ bazan đặc trưng của vùng Lâm Hà và Tây Nguyên. Đây là loại đất rất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt, thích hợp cho các giống cây công nghiệp và nông nghiệp sạch có giá trị cao.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Ban Silk, ông Nguyễn Khắc Hùng cho biết, kỹ thuật nuôi tằm không quá khó nhưng cần sự tỉ mỉ và chính xác cao. Bên cạnh nguồn thức ăn thì nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm cũng rất quan trọng. Để cho tằm có sức sinh trưởng tốt và nhả tơ hiệu quả thì nhiệt độ trung bình duy trì khoảng từ 25 - 30 độ C, độ ẩm khoảng 80- 85%, do đó khí hậu cũng là một thế mạnh của vùng Lâm Hà.

Ông Hùng cho biết thêm, tằm phát triển qua 5 lần lột xác (gọi là tuổi tằm), mỗi giai đoạn kéo dài 2-3 ngày. Bởi vậy, việc chăm sóc, điều chỉnh nhiệt độ và chuẩn bị thức ăn cho tằm phải tùy thuộc vào độ tuổi. Đặc biệt, giai đoạn trứng tằm, sau khi ấp nở được đưa vào một khu vực nuôi riêng với những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe. Thức ăn cho tằm ở giai đoạn này phải thái thành từng sợi nhỏ và luôn đảm bảo độ tươi. Tằm hết độ tuổi 1, không cần phải thái lá dâu thành sợi mảnh nữa mà sử dụng máy cắt để thái lá to hơn. Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu. Đây gọi là giai đoạn “tằm ăn rỗi” nên phải liên tục bổ sung thức ăn cho tằm. Khi ở độ tuổi 5 (tức sau 5 lần lột xác), lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể đủ, tằm sẽ không ăn nữa. Khi tằm “chín”, sẽ được đưa vào các “né” gỗ để tự làm tổ. Mỗi con tằm sẽ chui vào một ô, nhả tơ bao bọc quanh, tạo thành chiếc kén tằm và được người nông dân gỡ ra chuyển tới Nam Ban Silk để ươm tơ, kéo sợi. Như vậy, mỗi chu kỳ nuôi tằm kéo dài từ 15-16 ngày.

Kén tằm đã trở thành sản phẩm quan trọng

Khát khao đưa tơ lụa Việt Nam xứng tầm thế giới ảnh 1

Khách hàng châu Âu ghé thăm thực tế nhà máy ươm tơ của Nam Ban Silk

Huyện Lâm Hà chú trọng vào phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm trong bối cảnh tơ lụa chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường dệt may toàn cầu (dưới 0,2%), nhưng các cơ sở sản xuất của nó lại trải rộng trên 60 quốc gia trên thế giới, trong đó các nhà sản xuất chính ở châu Á với hơn 90% sản lượng tơ lụa. Các hoạt động trồng dâu nuôi tằm sử dụng nhiều lao động, khoảng 10 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực dâu tằm tơ ở Trung Quốc; cung cấp việc làm cho 7,9 triệu người ở Ấn Độ và 20.000 hộ dệt ở Thái Lan. Quan trọng hơn, tơ lụa là sản phẩm may mặc thời trang có giá trị kinh tế cao. Năm 2021, xuất khẩu tơ tằm của Việt Nam đạt tới 72,7 triệu USD, đứng thứ 4 trên thế giới.

Toàn huyện Lâm Hà có 3.500 hecta cây dâu tằm, dẫn đầu tỉnh Lâm Đồng, sản lượng kén đạt hơn 5.000 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy ươm tơ lớn trên địa bàn tỉnh, tạo ra giá trị kinh tế lớn và là nguồn thu ngoại tệ bên cạnh du lịch tại Lâm Đồng. Đầu tư trồng dâu nuôi tằm, ngoài việc mang lại sản phẩm là kén tằm, người nông dân và các nhà máy ươm tơ còn thu được phụ phẩm nhộng tằm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nhộng sẽ được cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng để chế biến món ăn ngon. Có thể nói cây dâu, con tằm đã trở thành cây, con chủ lực ở đây.

Được thành lập từ năm 2019, chỉ ít ngày trước những khó khăn vất vả và vô cùng gian nan mà đại dịch COVID-19 mang lại, Nam Ban Silk vẫn vững vàng xây dựng lớn mạnh bằng trái tim, khối óc và niềm tin yêu của những người mong muốn tơ lụa Việt Nam có chỗ đứng xứng tầm trên bản đồ tơ lụa thế giới.

Công ty có hệ thống nhà kho cùng máy móc hiện đại, đội ngũ công nhân, người thợ lành nghề được đào tạo bài bản. Sản phẩm tơ kén, sợi của Nam Ban Silk luôn được đối tác quốc tế như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, châu Âu… đánh giá cao.

Từ tơ kén vốn quý cổ truyền, những tấm lụa đa sắc màu đang là những sản phẩm kết tinh của trời đất, thắm đượm công sức, tài hoa con người, tất cả cùng hòa quyện tạo nên những sắc thái văn hóa truyền thống thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của mỗi con người Việt Nam.

Khát khao đưa tơ lụa Việt Nam xứng tầm thế giới ảnh 2

Dâu tằm "bén duyên" vùng đất Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Bắt đầu từ những trăn trở khi nhận ra thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Lâm Hà nơi đây rất thuận lợi để trồng dâu, nuôi tằm và có thể sản xuất quanh năm trong khi còn nhiều diện tích đất vẫn chưa được bà con khai thác hiệu quả. Những người đặt nền móng cho Nam Ban Silk đã dùng kinh nghiệm của mình dựng xây nên sự tin tưởng và đánh giá cao của bạn hàng quốc tế trong việc cung cấp các sản phẩm tơ, kén chất lượng nhất Việt Nam.

Khi nói đến cơ sở ươm tơ tằm với kỹ thuật và quy mô vượt trội, người dân Lâm Hà không thể không nhắc đến Công ty TNHH Nam Ban Silk. Với Nam Ban Silk, câu chuyện khởi nghiệp là một đề tài đầy thú vị, trong đó có những nốt thăng trầm, mà khi nhắc tới đó là sự tự hào, sự thán phục về một con người đang ngày đêm ấp ủ đưa tơ lụa của nước nhà ra biển lớn.

Khát khao đưa tơ lụa Việt Nam xứng tầm thế giới ảnh 3

Công nhân sản xuất tại nhà máy Nam Ban Silk

Giám đốc công ty TNHH Nam Ban Silk, ông Nguyễn Khắc Hùng gắn bó với lĩnh vực sản xuất tơ lụa từ khi còn là một chàng trai trẻ tuổi. Bằng sức lao động và sự cống hiến không ngừng nghỉ, ông đã tích luỹ cho mình những kiến thức và kinh nghiệm quý giá để gây dựng lên Nam Ban Silk ngày nay. Ông Hùng từng chia sẻ: “Tôi làm trong nghề này từ rất lâu, lá dâu, con tằm, sợi tơ gần gũi lắm, ăn sâu vào máu thịt rồi. Trước đây nhiều năm đi làm công cho chủ, thấy thương bà con nông dân nuôi con tằm rất vất vả chờ ngày lấy kén mà năng suất lại không cao, sản lượng cung cấp cho các cơ sở ươm tơ ngày đó bấp bênh, giá cũng thấp hơn bây giờ nhiều. Đối với tôi con tằm, sợi tơ là cái gì đó rất huyền bí và kỳ diệu”.

Từ những con tằm nhỏ bé có thể tạo ra được chất liệu tơ kỳ lạ, vừa đẹp, vừa bền, người sử dụng tơ tằm làm trang phục cảm thấy người nhẹ nhàng, thanh thoát, mang lại cảm giác thanh tao, trang nhã hơn các vật liệu khác rất nhiều. Từ xa xưa tơ lụa đã được xem như là hàng cực phẩm dâng lên vua chúa, được sử dụng làm công cụ trao đổi mua bán, giá trị liên thành. “Ông cha mình có truyền thống làm tơ lụa lâu đời, cần những thế hệ kế cận có thể tiếp tục nghề và đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam đi xa hơn nữa. Vì thế, tôi quyết tâm khởi nghiệp để thỏa được hoài bão của bản thân và giúp bà con trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế”, CEO Nam Ban Silk chia sẻ.

“Ông cha mình có truyền thống làm tơ lụa lâu đời, cần những thế hệ kế cận có thể tiếp tục nghề và đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam đi xa hơn nữa. Vì thế, tôi quyết tâm khởi nghiệp để thỏa được hoài bão của bản thân và giúp bà con trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, CEO Nam Ban Silk

Đầu quý II/2023, Nam Ban Silk đã khai trương nhà máy thứ 3 tại huyện Lâm Hà. Các nhà máy của Nam Ban Silk có hệ thống dây chuyền hiện đại, nhập mới 100%. Quy trình sản xuất đồng bộ, cho năng suất cao, chất lượng thượng hạng. Thiết bị lò hơi công suất lớn bảo đảm luôn đủ nhiệt, đáp ứng công suất của nhà máy. Bên cạnh đó, Nam Ban Silk có đội ngũ lao động lành nghề, được đào tạo chuyên nghiệp và chuyên tâm công việc.

Nam Ban Silk, với kỳ vọng muốn đưa ngành dâu tằm tơ Việt Nam tiến xa hơn nữa, không ngừng nắm bắt xu thế, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng, bảo đảm chất lượng. Kết quả đạt được về kim ngạch xuất khẩu của Công ty trong nửa đầu năm 2023 là vô cùng ấn tượng, dẫn đầu trong ngành tại Việt Nam và Đông Nam Á.

MỚI - NÓNG