Khám phá ngôi miếu lạ 'thờ' 12 tên cướp ở Lạng Sơn
> Kỳ lạ vùng quê nói “kệ” là… bị đánh
Miếu Xa Vùn được cho là ngôi miếu duy nhất thờ những tên cướp. Quanh miếu có tới 18 cây nghiến cổ thụ có giá trị nhưng không ai dám chặt phá.
18 gốc cây nghiến đại thụ to đến nỗi bốn, năm người ôm không xuể, rợp bóng mát che chở cho miếu Xa Vùn. |
Mỗi khi đặt chân đến thôn Khưa Cả (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), nhiều người khách lại kéo đến thắp hương tại miếu Xa Vùn. Tương truyền, khi những tên cướp chết, người dân nơi đây đã chứng kiến nhiều việc lạ liên tiếp xảy ra. Cho là bị hồn ma của chúng quấy nhiễu, người dân đã tiến hành xây miếu Xa Vùn để thờ tự. Và họ cũng cảnh báo du khách thập phương khi vào miếu thì không được chụp ảnh, nếu không sẽ gặp phải tai họa.
Ông Hoàng Văn Dần, thổ nhang miếu Xa Vùn tâm sự: “Miếu Xa Vùn dịch ra tiếng dân tộc chúng tôi (dân tộc Tày) có nghĩa là Núi Củi. Tất cả bô lão trong làng đều nhớ như in sự ra đời của nó”.
Theo cụ Hoàng Thế Cường (82 tuổi), tương truyền xưa kia, một ngày nọ bỗng có 12 tên cướp từ đâu kéo đến cướp bóc tài sản và đánh đập dân lành. Không chịu được cảnh lũ cướp hại dân, người dân nơi đây đã bí mật tập hợp nhau, bày mưu đuổi chúng đi.
Tuy nhiên, những tên cướp hung hãn biết chuyện liền dùng đao, kiếm định giết dân. Đến nước cuối cùng, người dân thôn Khưa Cả đành ra tay giết chúng để trừ họa. Sau khi hạ được lũ cướp táo tợn, họ bỏ xác chúng vào bao rồi ném xuống suối trả về nơi mà chúng đến. Tuy nhiên, khi 12 cái xác này trôi đến ngã ba Phai Lý (xã Trấn Yên) thì bị mắc lại ở những chông đá lởm chởm. Thấy vậy, người dân nơi đây liền chôn bọn cướp ngay chỗ đó.
Cứ tưởng từ đây cuộc sống người dân sẽ được yên ổn trở lại. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, vật nuôi trong làng liên tục bị chết không rõ nguyên nhân, mùa màng thất bát. Hơn nữa, tại ngôi mộ chôn lũ cướp bỗng nhiên xuất hiện một tổ ong lớn. Nhiều lần, hàng nghìn con ong trong chiếc tổ “khủng” này bỗng nhiên bay ra đốt chết người đi đường.
Theo ông Cường, trong thôn có rất nhiều tổ ong nhưng chưa bao giờ người ta thấy con vật nhỏ bé này lại hung hãn đến như vậy. Nghĩ là có điềm xấu nên dân làng Khưa Cả lập nên một cái miếu thờ 12 tên cướp. Có lẽ, họ lập miếu cũng chỉ để người dân an tâm hơn. Sau khi ngôi miếu được hoàn thành bỗng dưng đúng chỗ đó mọc lên 19 cây nghiến mà theo các cụ cao niên thì độ tuổi tối thiểu của những cây này cũng phải tầm 5 thế kỷ.
Một gốc nghiến cổ thụ nằm bên miếu Xa Vùn. |
Ông Hoàng Văn Dần cho biết, thực ra người dân truyền tai nhau về việc nếu ai đi qua đây mà tỏ thái độ không tôn trọng thì sẽ gặp điều không may mắn. Cuối năm 2011, có một người đàn ông tên Thuận đến miếu bắt rắn. Hôm ấy chẳng biết vận mệnh run rủi thế nào anh lại bắt được một con rắn nặng đến 2,5 kg.
Vui như bắt được vàng, người đàn ông này mang ra chợ huyện bán. Tuy nhiên, một thời gian sau, anh Thuận bỗng nhiên có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Người dân liền nghĩ ngay đến việc anh bị miếu thiêng “hành”. Sau này, khi vỡ lẽ ra là anh đã phạm miếu thiêng, người nhà anh Thuận đã làm lễ đến cúng bái. Sau đó vài ngày, bỗng nhiên bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Theo cụ Hoàng Thế Cường, trước đây rừng nghiến bên miếu Xa Vùn có 19 cây. Nhưng năm 2003, trong một trận đại cuồng phong, một cây nghiến cổ thụ bỗng nhiên bị bật gốc. Tuy nhiên, không ai dám đến chặt gỗ. Họ cứ để thế cho đến cây gỗ này chết khô.
Đến năm 2005, ông Hoàng Văn Lùng tiếc của liền về nhà sắm một mâm lễ gồm lợn quay, gà luộc... lên miếu Xa Vùn để cúng xin gỗ. Làm lễ xong, người đàn ông này vác cưa máy đi đốn cây gỗ nghiến. Thế nhưng thật kỳ lạ, cả hai lần đang cưa dở thì lưỡi cưa đều gãy làm đôi. Biết chuyện, nhiều người đã khuyên ông không nên tiếp tục đốn gỗ vì gãy cưa là một điềm báo không tốt.
Gạt phắt những lời khuyên can, ông cố chiếm bằng được số gỗ nghiến này. Sau khi chặt thành khúc, ông Lùng mang gỗ đi bán. Những chỉ đúng hai ngày sau, người này có biểu hiện lạ. Hằng ngày ông thường nói chuyện lảm nhảm một mình. Thậm chí, có lúc ông còn vác dao đuổi chém người khiến ai nấy đều hoảng loạn. Đến năm 2009, ông Lùng chết vì trong lúc lên cơn điên ông đã tự dùng dao đâm chính mình.
Một câu chuyện kỳ bí nữa về ngôi miếu này xảy ra vào ngày 15 tháng giêng năm ngoái, khi xã đang tổ chức lễ hội hóa trang ở cánh đồng dưới chân rừng nghiến thì có một người thanh niên nhờ ông Dần dẫn lên đỉnh đồi chụp ảnh toàn cảnh lễ hội. Sau đó, người này đã trèo lên một trong số 18 cây nghiến cổ thụ đó để chụp ảnh.
Nhưng khi người thanh niên cùng ông xem lại ảnh thì thấy trong ảnh toàn những hình thù kỳ quái, mờ ảo. Mặc dù đó chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên, nhưng vì nó xảy ra đều ở miếu Xa Vùn nên nhiều người mê tín đã dựa vào đó và thổi lên những câu chuyện hoang đường, thiếu cơ sở khoa học.
Đến Khưa Cả, nhiều người bị cuốn hút bởi lễ hội hóa trang của người dân tộc Tày. Để nhớ về những ngày tháng bị 12 tên cướp cướp phá và xua đuổi ma quái, người dân nơi đây đã tổ chức lễ hội hóa trang. Hóa trang ở đây được hiểu là họ dùng nhọ nồi bôi lên mặt, biến khuôn mặt người thành quỷ dữ.
Ông Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên, cho biết: "Lễ hội trên ra đời từ tích 12 tên cướp chết tại mảnh đất này. Theo các cụ cao niên kể lại, người dân tin rằng khi chúng chết đi thì linh hồn đã biến thành ma quái. Chính vì thế, để đối phó lại, họ đã tổ chức lễ cúng mang tên Ná Nhèm. Trong lễ hội, các thanh niên trai tráng được thỏa sức bôi nhọ nồi lên mặt làm sao cho càng kỳ quái càng tốt. Người dân Khưa Cả tin rằng, việc họ hóa trang như vậy hồn ma của những tên cướp sẽ không dám quay lại làm hại họ nữa. Đây chỉ là một tục lệ dân gian của người dân chứ không liên quan đến mê tín dị đoan".
Cũng theo ông Chẩn, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa về vùng này để tìm hiểu phong tục lạ. Họ chủ yếu đi sâu vào đào xới về tính biểu tượng, ý nghĩa của lễ hội chứ không ai công nhận hay chứng minh được có ma tà quỷ quái ở đây. Những câu chuyện về người dân bị điên khi mạo phạm miếu đều chỉ là tin đồn hoặc sự trùng hợp.
Trường hợp của ông Lùng kể trên là do người này uống quá nhiều rượu nên không kiểm soát được hành vi. Hay câu chuyện của anh Thuần bắt rắn bị thần kinh. Sau khi người dân tìm hiểu mới biết, con rắn mà anh ta bắt được chỉ bằng đầu ngón tay cái chứ không phải 2,5 kg như tin đồn. Hơn nữa, anh này không có biểu hiện tâm lý thần kinh như mọi người đồn thổi.
Theo ông Cường, sở dĩ người dân lưu truyền những câu chuyện kiểu này là để bảo vệ di tích miếu Xa Vùn và 18 cây nghiến cổ thụ. Hiện tại, gỗ nghiến rất quý, luôn là món mồi béo bở mà bọn lâm tặc nhòm ngó. Tuy nhiên, khi những lời đồn này chưa được giải mã thì bọn chúng vẫn chưa dám động đến những cây gỗ quý ở miếu thiêng. Điều mà người dân trong xã mong muốn là thế hệ con cháu phải học được tính bảo vệ những gì lịch sử và cha ông để lại.
Theo Nông Thôn Ngày Nay