Khám phá lực lượng đặc nhiệm hải quân Anh

Khám phá lực lượng đặc nhiệm hải quân Anh
Mặc dù có quy mô nhỏ và được ít người biết đến, SBS-đặc nhiệm hải quân Anh trên thực tế là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới hiện nay.

Khám phá lực lượng đặc nhiệm hải quân Anh

Mặc dù có quy mô nhỏ và được ít người biết đến, SBS-đặc nhiệm hải quân Anh trên thực tế là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới hiện nay.

Khám phá lực lượng đặc nhiệm hải quân Anh ảnh 1
 

Được đánh giá cao hơn cả SAS

SBS có nguồn gốc gần giống với SAS (Đặc nhiệm đường không), bắt nguồn từ lực lượng biệt kích Anh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Khi đó, nó là một phần của SAS, chuyên trách tác chiến đường thuỷ. Sau Chiến tranh thế giới, SBS trở thành một đơn vị độc lập sau khi sáp nhập thêm một số đơn vị đặc nhiệm đường thuỷ khác.

SBS có nhiệm vụ gần giống với SAS, nhưng thiên về sử dụng phương tiện đường biển. Các loại nhiệm vụ của nó rất đa dạng, bao gồm chống khủng bố, trinh sát và tình báo, phá hoại ngầm, bắt giữ hoặc tiêu diệt các mục tiêu cá nhân, bảo vệ yếu nhân…

Mặc dù có quy mô nhỏ và được ít người biết đến, SBS trên thực tế là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới hiện nay, thậm chí được đánh giá cao hơn cả SAS.

SBS là đơn vị trực thuộc quân chủng Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia Anh. Bản thân Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia cũng là một lực lượng tinh nhuệ, có thể xem tương đương với lính biệt động Mỹ. Tuy nhiên về mặt tác chiến, SBS nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp từ Bộ tư lệnh đặc nhiệm Anh, cùng với các đơn vị khác như SAS.

Quy mô của SBS rất nhỏ, chỉ khoảng hơn 200 người, và được chia thành 4 hải đội. Mỗi hải đội gồm 3 tiểu đội 16 người. 16 người này có thể chia thành 4 tổ chiến đấu 4 người, hoặc 8 tổ chèo thuyền kayak 2 người. SBS được trang bị để tự thực hiện việc chuyển quân bằng thuyền, tàu lặn mini, hoặc được sự hỗ trợ phương tiện từ các binh chủng khác.

Tuyển chọn

Một trong những lí do chính khiến SBS được đánh giá cao hơn cả SAS nằm ở khâu tuyển chọn. Mọi quân nhân Anh đều có thể tham gia việc tuyển chọn của SAS, trong khi đó SBS chỉ tuyển chọn línhThuỷ quân lục chiến Hoàng gia với ít nhất 2 năm trong quân ngũ. Bản thân Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia đã được xem là một lực lượng biệt kích. Trong mọi khoá huấn luyện bộ binh cơ bản trên thế giới, khoá của Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia là dài nhất, kéo dài đến 8 tháng.

Gần đây SBS đã mở cửa cho các ứng viên từ các binh chủng khác, nhưng đa số vẫn từ thuỷ quân lục chiến. SBS tuyển quân 2 lần một năm, quá trình tuyển chọn kéo dài 2 tuần. Tuần đầu tiên kiểm tra thể lực của ứng viên, chủ yếu gồm các bài tập dưới nước như bơi và chèo thuyền. Tuần thứ 2 kiểm tra mức độ dạn nước của ứng viên, chủ yếu gồm các bài tập lặn.

SBS huấn luyện trên một xuồng hơi thân cứng
SBS huấn luyện trên một xuồng hơi thân cứng.
 

Huấn luyện

Sau khi qua được quá trình tuyển chọn, tân binh sẽ tham gia khoá huấn luyện chung SAS/SBS. 3 tuần đầu tiên là về định hướng và hành quân dã ngoại, bao gồm việc di chuyển 23km trong 4 giờ với đầy đủ quân trang. Tiếp theo là khoá huấn luyện tác chiến trong rừng rậm 8 tuần tại Brunei, Belize hoặc Malaysia. Trong 2 tuần kế tiếp là huấn luyện về thông tin liên lạc và sử dụng vũ khí, đặc biệt là vũ khí của các nước khác.

Tiếp theo đó là các khoá huấn luyện về sinh tồn (2 tuần), sử dụng chất nổ (2 tuần), trinh sát (1 tuần), cận chiến (2 tuần), và 8 tuần cuối là dành cho chương trình huấn luyện chuyên biệt cho từng vị trí riêng như cứu thương, thông tin, chỉ huy…

Sau khi kết thúc chương trình huấn luyện chung SAS/SBS, các tân binh SBS sẽ tiếp tục chương trình huấn luyện riêng kéo dài 8 tuần về tác chiến dưới nước. Hoàn thành chương trình này, họ sẽ chính thức được phiên chế về các đơn vị, và sẽ tiếp tục tham gia huấn luyện tại đơn vị của mình.

Nhiệm vụ

Có quy mô nhỏ và được ít người biết đến là một thế mạnh của SBS, nó giúp đơn vị này linh hoạt và có thể thực hiện những chiến dịch tuyệt mật. Nhiều người tin rằng những chiến dịch quan trọng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy của nước Anh thường được thực hiện bởi SBS, thay vì SAS.

Trong thời kì ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2, SBS thường xuyên tham gia trong các cuộc xung đột tại những nước từng là thuộc địa cũ của Anh như Indonesia (1962), Yemen (1962-1967), Oman (1970-1976).

Năm 1972, một nhóm liên hợp SAS-SBS nhảy dù xuống vùng biển lạnh giá Bắc Đại Tây Dương và lên chiếc tàu chở khách Queen Elizabeth 2, sau khi có cảnh báo bom. Tuy cuộc lục soát sau đó không tìm thấy quả bom nào, nhưng nó cũng đánh dấu việc SBS chuyển sang thực hiện nhiều nhiệm vụ chống khủng bố hơn. Họ tuần tiễu các vùng ven biển và cửa sông ở Bắc Ailen để ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí. Từ năm 1975, 1 trong 4 hải đội của SBS được chuyển sang vai trò chuyên trách chống khủng bố.

Hơn 80 lính SBS tham gia cuộc chiến chiếm lại quần đảo Falkland sau khi nó bị Argentina chiếm năm 1982. Họ lên đảo và trinh sát từ 3 tuần trước khi chiến dịch đổ bộ chính thức bắt đầu. Lính SBS dẫn đường cho biệt kích và lính dù đổ bộ lên sau. SBS phối hợp với 1 khẩu đội súng cối của SAS tấn công một trạm gác của Argentina gần địa điểm đổ bộ, tiêu diệt và bắt sống 25 lính Argentina. Sau đó, SBS tiếp tục thực hiện những hoạt động tuần tra sâu bên trong khu vực bị tạm chiếm, cho đến khi Anh chiếm lại toàn bộ Falkland.

Trong đêm mở màn của Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1, SBS và đặc nhiệm Mũ nồi xanh Mỹ được trực thăng thả xuống cách Baghdad 65km để phá hoại hệ thống thông tin liên lạc của Iraq. Trong cuộc chiến tại Afghanistan, SBS hỗ trợ việc chiếm sân bay Bagram. Sau đó SBS tham gia một số chiến dịch tìm diệt các chỉ huy cấp cao của Taliban.

Một lính SBS bên cạnh các đồng minh Liên minh phương Bắc tại Afghanistan
Một lính SBS bên cạnh các đồng minh Liên minh phương Bắc tại Afghanistan.
 

Trang bị

Một trong những phương tiện di chuyển chính của SBS là thuyền kayak đôi. Nó có thể được biến đổi để cho phép SBS sử dụng súng cối loại cỡ nhỏ ngay trên thuyền. Mặc dù không được trang bị động cơ, nó có lợi thế về sự linh hoạt, bí mật. Ngoài ra, nó cũng có thể được tách ra làm 2 phần để 2 người có thể mang trên vai và di chuyển trên cạn.

Kayak đôi, mặc dù khá
Kayak đôi, mặc dù khá "low-tech", nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi vì tính gọn nhẹ và bí mật.
 

Ngoài ra, khi cần sử dụng tốc độ, SBS có thể sử dụng các loại xuồng bơm hơi cao su hoặc xuồng bơm hơi thân cứng. Chúng thường được trang bị 2 động cơ để bảo đảm luôn có ít nhất 1 động cơ hoạt động, và dùng cho hoạt động đổ bộ lên bờ biển.

Khi nhiệm vụ yêu cầu một phương tiện di chuyển tầm xa, hoặc có thể thực hiện việc truy bắt, ngăn chặn mục tiêu tốc độ cao trên biển, SBS sử dụng các loại thuyền cao tốc như chiếc FB-50 do Ý sản xuất, với tổng công suất 3000 mã lực và có thể di chuyển trên 70km/h. Hiện nay SBS được cho là đang thử nghiệm loại thuyền cao tốc mới, ứng dụng các đặc điểm tàng hình.

Loại thuyền cao tốc
Loại thuyền cao tốc "tàng hình" mới mà SBS được cho là đang thử nghiệm.
 

Khi hoạt động dưới nước, người nhái SBS sử dụng thiết bị thở chu trình kín, không tạo ra bong bóng khí như bộ đồ lặn thông thường. Nó có thời gian hoạt động lên đến 6 giờ. Còn khi di chuyển trên bộ, họ thường dùng xe môtô 4 bánh, và xe địa hình Land Rover.

SBS thường sử dụng súng trường tự động C8, gần giống với khẩu M4A1 của quân đội Mỹ, nhưng có nòng dài và nặng hơn. Đối với súng ngắn, loại tiêu chuẩn là khẩu Sig Sauer P226 dùng đạn cỡ 9mm, một loại súng ngắn nhỏ gọn. Mật vụ Mỹ cũng thường sử dụng súng ngắn này. Khi hoạt động dưới nước, người nhái SBS sử dụng loại súng chuyên dụng P11, có thể bắn ra 5 phi tiêu thép, với tầm bắn 15m dưới nước và 30m trên bộ. Đối với súng bắn tỉa, SBS sử dụng loại L96A1 AW do Anh sản xuất. Sử dụng đạn cỡ 7.62 chuẩn NATO, nó có tầm bắn hiệu quả lên đến 1km, và được sử dụng rộng rãi bởi nhiều đơn vị đặc nhiệm khác, như SEAL.

Theo Nhật Huy
Trí Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.