Video: Khám phá bảo tàng nhiếp ảnh đầu tiên tại Hà Nội do dân làng góp tiền xây dựng. |
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá là nơi ra đời bộ môn nhiếp ảnh sớm nhất của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Được biết, vào dịp kỷ niệm 125 năm làng nghề (1892 – 2017), bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập. |
Với diện tích 300 m2, bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá hiện là nơi trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Những người chịu trách nhiệm nội dung và trưng bày có PGS,TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và bà Veronique Dollfus - chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp. |
Câu chuyện làng nghề trong bảo tàng được kể từ khi ông tổ nghề Nguyễn Đình Khánh mang nghề nhiếp ảnh về làng và truyền dạy cho các học trò, là người trong làng Lai Xá. Từ đó những người này đã cùng nhau gây dựng nên cả một làng nghề làm nhiếp ảnh. |
Không gian trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện trên tầng 2 với nhiều chủ đề riêng. Không gian đầu tiên là tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. |
Đây là chiếc máy ảnh được sử dụng từ thời cụ Nguyễn Đình Khánh và tại các hiệu ảnh ngày xưa. Máy ảnh gỗ đứng có tuổi đời hàng trăm năm của hiệu ảnh Mỹ Lai. Ông Nguyễn Văn Thắng – Đại diện của làng nghề chia sẻ trước đây, khi chưa có bảo tàng chúng tôi có liên hệ muốn được giữ lại máy ảnh này nhưng người ta không đồng ý vì sợ sẽ không bảo tồn được. Sau khi bảo tàng thành lập, chủ hiệu ảnh Mỹ Lai về tham quan và đồng ý quyên góp máy ảnh cho bảo tàng. |
Các hiện vật liên quan đến lịch sử nghề nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam cho đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đều được trưng bày tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. |
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá là địa chỉ thu hút những người đam mê nhiếp ảnh tới tham quan và học tập. |
Bảo tàng cũng kể lại câu chuyện những người dân Lai Xá đã gây dựng các hiệu ảnh trên khắp cả nước như thế nào, xây dựng thương hiệu ảnh của mình ra sao?. |
Trong ảnh là phòng tái hiện không gian in phóng ảnh thời xưa, căn phòng hẹp dùng ánh sáng đỏ của buồng tối tráng phim, rửa ảnh. |
Các loại thuốc rửa, lên màu, lên phim... được những người thợ nhiếp ảnh xưa sử dụng in phóng ảnh trưng bày trong bảo tàng. |
Bảo tàng cũng trưng bày những chiếc máy ảnh từ những năm 1930-1960 của Đức, Nhật Bản. |
Tầng 1 được treo những bức ảnh do nghệ nhân trong làng đạt giải cao tại các cuộc thi nhiếp ảnh. Bên cạnh là khu trưng bày không gian một hiệu chụp ảnh xưa. Suốt nửa đầu thế kỷ 20, những người thợ ảnh Lai Xá sử dụng máy ảnh hộp gỗ, 3 chân, chụp bằng phim kính, sau được thay bằng phim nhựa. Các hiệu ảnh xưa kia thường có các loại phông vẽ phong cảnh hay sắp đặt một góc nội thất để khách hàng lựa chọn chụp. |
Trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc (1946), nhiều thợ ảnh làng Lai Xá vốn quen chụp ảnh cửa hiệu đã nhanh chóng chuyển sang chụp ảnh lưu động hoặc làm cho các đơn vị quân đội, cơ quan thông tấn báo chí. Đây là một sự thay đổi quan trọng và có ý nghĩa của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. |
Ngoài ra, bảo tàng có một khu trưng bày với những phong cách ảnh đa dạng mang nét đặc trưng của người Lai Xá. Đây cũng là nơi đặt ảnh chân dung các ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ được chụp bởi những người thợ ảnh tại làng Lai Xá. |
Ảnh thờ cũng là một trong những nội dung mang ý nghĩa lịch sử tại làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. |
Link gốc: https://danviet.vn/kham-pha-bao-tang-nhiep-anh-dau-tien-tai-ha-noi-do-dan-lang-gop-tien-xay-dung-20221028132330394.htm