Khai bút

Khai bút
TP - Không biết từ đời nào người ta đã có ý nghĩ về cái gì mới nhất như thế. Bước vào một năm mới, bất cứ thế nào, quang cảnh ra sao, của ta, của người, của xung quanh từ một sinh vật ra đến ngoài trời đất, cái gì ta làm hay việc xảy đến, hay ta trông thấy, ta gặp đầu tiên, kể từ lúc giao thừa sang canh, đều tưởng như có hình hài với rủi may của con người trong suốt một năm trời.
Minh họa của Doãn Hoàng Kiên
Minh họa của Doãn Hoàng Kiên.
 

Trong tâm tưởng và mong ước của người thì một năm tốt lành y nguyên đang chờ đợi, năm mới đã đến cho con người phủi đi, quên đi cái năm cùng tháng tận, vừa trắc trở, lận đận lại chẳng đâu vào đâu. Câu “tống cựu nghênh tân” hầu như đã thành tục ngữ.

Người làm việc quan, dẫu chỉ chức tước ở làng bằng con mắt muỗi, có cái triện đồng triện gỗ, đồng triện mộc triện giắt hầu bao thì các ông lý trưởng quán xuyến mọi bề, ông hộ lại cai quản sinh, tử, giá thú, ông trưởng bạ trông coi sổ sách về đất cát, điền địa đều làm mâm lễ sắp ấn ngày hai mươi tháng chạp rồi sang giêng được ngày lành lại làm cỗ khai ấm.

Mùng sáu tháng giêng ngày chẵn được các nhà động thổ khung cửi. Anh thợ vào khung cửi ngồi xuống đòn ngồi, lạch cạch đạp chân đòn, đưa mấy nhát thoi qua mặt cửi. Rồi ra nhà ngoài với các cô thợ hồ, thợ tơ được gia chủ mở hàng đồng hào ván xong đánh chén. Hôm ấy chỉ cốt lấy ngày, lấy may phải đến phiên tơ này mọi công việc tơ cửi mới bắt đầu.

Đồng áng nhà nông thì mùng bảy khi hạ cây nêu rồi bác tôi nhấc cái vai bò trên nóc chuồng trâu giắt con bò ra ruộng cày vài đường, lễ hạ điền. Ngày xưa, hôm ấy, nhà vua đi cày, làm gương cho bách tính. Các làng dân tộc Tày trên Thái Nguyên, hôm hạ điền là ngày Tết, cà vùng trong xống áo mới đi chơi nhỏi hội “xuống đồng” (lồng tủng).

Xuất hành phía nào, hái lộc cây gì, khai ân, khai bút, động thổ, xuống đồng… những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới.

Từ điển tiếng Việt – Viện ngôn ngữ 1994, cắt nghĩa “khai bút: cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa. Đầu năm khai bút. Câu thơ khai bút”.

Không nhớ tôi có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ thói quen hay hay ấy. Và tôi vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút mấy chữ vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ… Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì tôi khai bút bằng cái viết một truyện ngắn.

Trong nghề, viết có những việc nực cười, chẳng ra làm sao. Bạn đọc cần báo Tết. Người ta mua báo Tết cũng như mua hoa, cành đào ở Hà Nội hay quả dưa ở Sài Gòn và thói quen mua báo Tết đáng yêu đến độ nhất định phải sắm nó về bày trên án sách, bàn nước, chưa chắc đã đọc ngay, mà rỗi mới đọc. Thế là nhiều người phải lăn lưng vào viết bài. Ấy là cái sự viết bài báo Tết.

Các bài in trên báo Tết âm lịch đều được viết từ khoảng tháng mười dương lịch. Như đêm nay đầu tháng 11, tôi đương ngồi viết bài này. Mà tôi tự đùa là “tôi làm hàng tết”. Quanh tôi chưa thấy Tết đâu, cơn áp thấp nhiệt đới vào Đà Nẵng, ngoài này đương giao mùa, còn tiếng sấm rớt nhưng đã chớm lạnh, đường phố lầy lội sùi sụt suốt đêm mưa dầm. Tiếng rao “Khúc ơ! Bánh khúc ơ!”, tiếng được tiếng mất thảng thốt trong khuya.

Còn hai tháng nữa mới đến Nguyên Đán. Các báo Tết đều phải làm trước Tết. Tất cả các báo từ Sài Gòn ra Hà Nội đã mời cộng tác viên viết bài Tết, quảng cáo báo Tết, trong khi cảnh trời và cảnh người chưa mảy may vẻ Tết. Thế mà trong đầu đã phải vận dụng cho rộn rực những Tết là Tết để viết bài. Thời điện tử, tin học đương tới, nếu viết báo, in báo, đọc báo Tết dồn lại một lúc thì không biết cái đầm ấm thời sự sẽ thế nào, hay là lúc ấy cái sự cầm bút viết bài Tết đã lạc hậu với thời gian, không phải viết bài Tết nữa. Chưa biết sẽ ra sao.

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài.
 

Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cùng và cái nửa đêm mới nhất của một năm. Cũng chẳng phải một mình tôi tò mò. Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa tới nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân ngư xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cái xuân đương sang.

Nếu thấy mưa dầm sập sùi, đêm hôm ảm đạm, thế là mùa màng thất bát đến nơi. Trời hanh hao nhưng chưa dứt nồm, sang canh ba mưa dây mưa rợ thoang thoáng mát mặt nhưng không thấm vai, đằng chân trời ùng ục tiếng sấm mới. Sấm no, thế là rồi ra năm nay mưa thuận gió hòa… Trông về phía thành phố, trời hửng hơn các phía khác. Cứ ngỡ thế, mong thế, bất chợt những niềm vui nho nhỏ đến với người đợi giao thừa.

Đêm giao thừa tôi khai bút một bài. Ngày ấy còn khỏe, cứ từ đêm qua sang canh là tôi lao xong một truyện ngắn. Cái để viết thì đã sẵn những mắt thấy tai nghe những ngày áp Tết với những cảm nghĩ quanh mình mấy hôm nay.

Truyện ngắn Khách nợ, đấy là những ngày cuối năm trong cái xóm túng đói từ sớm đến tối cứ ỉ eo cãi nhau. Chốc chốc, những người nặc nô sục sạo đi đòi nợ thuê, các con nợ xanh mặt lủi đi đâu, đến chặp tối mới dám lần về đến nhà sờ lên bàn thờ, cái bát hương cũng bị khuân mất.

Truyện ngắn Vợ chồng trẻ con viết được là nhờ mấy ngày áp Tết đi chợ Đồng Xuân. Vùng Gầm Cầu, phố Hàng Khoai sang đầu Ô Quan Chưởng tấp nập, hối hả người và hàng Tết. Các thứ dưới Phòng lên, bên Bắc đổ về, hai nơi đều cách sông Cái, nhưng thuận cầu thuận đường tàu hỏa, ô tô, xe ba gác náo nhiệt, bề bộn khác hẳn các đầu ô phía Nam lên, trên Sơn xuống. Nhà hỏa xa mới xây cái ga xép ở đầu cầu Long Biên cho khách và hàng xuống chợ Đồng Xuân, vùng đầu ô sầm uất, khỏi vào tận ga Hàng Cỏ rồi lộn ra.

Viết bài Tết, được tiền chơi xuân. Năm mới mọi sự may mắn, vui vẻ cả. Để Tết sang năm đăng thì cũng vẫn là viết trong Tết, giữa Tết, in để đọc Tết, chứ sao!

 

Trên toa tàu bước xuống hai đứa trẻ thật lạ mắt. Chúng trạc mười tuổi. Đứa trai đầu trọc tếu, chít khăn xếp, áo dài the thâm, quần vải ta gộc, chân đất, cắp nách cái ô trắng lơ. Hai lỗ mũi còn thò lò xanh mà vẻ mặt cau có bộ trịnh trọng cụ lý trong quê ra. Bậc toa tàu cao, thằng bé loạng quạng bước hụt. Con bé nắm đằng sau cái đuôi ô. Thằng bé ngã bổ chửng dưới mặt đất. Nó nhổm dậy, cứ thế thượng cẳng tay, nện, chửi: Sư mày! Về ông bảo cho! Sư mày! Con bé để im cho thằng kia đấm, chỉ lặng lẽ phủi vạt váy lấm.

Thằng bé vẫn đấm thùm thụp, con bé đứng cúi mặt, nước mắt chảy ròng ròng. Người qua lại thấy hay, đứng lại xem, chẳng ai vào can trò trẻ con cãi nhau, đấm nhau. Tôi đoán: nếu chúng nó là anh em, chắc con bé kia đánh lại hay là đã chạy đi. Thế này là thế nào rồi tôi tìm được lời giải.

Lân la một lát, đã biết chúng nó là hai vợ chồng nhà ở phủ Từ sang chợ Tết Đồng Xuân. U đi từ gà gáy quảy gánh củ cải sang chuyến tàu sớm. Hẹn xuống đợi ở cửa. Hai đứa đã thuộc đường ga Đầu Cầu bấy giờ đương đi ra cửa chợ.

Đêm giao thừa, tôi viết truyện ngắn Vợ chồng trẻ con, y hệt hình thù đôi vợ chồng lau nhau này.

Khai bút giao thừa vào mấy ngày xuân, chuyện Tết viết giữa Tết nhất, đấy mới trong không khí Tết. Rồi làm thế nào đăng được vào báo Tết. Báo Tết mới đã có bán cả tuần nay rồi. Thưa rằng vẫn in được vào báo Tết như thường. Nhưng mà là báo Tết sang năm.

Tòa báo tôi cộng tác ngày ấy có một kiểu làm việc mà bây giờ không ai làm thế. Không nhiều thì cũng ít ra thưở ấy có một ông chủ báo làm như thế. Mùng hai Tết, tôi đến Hàng Bông mừng tuổi năm mới ông Tân Dân chủ báo đem theo bản thảo truyện ngắn Vợ chồng trẻ con. Tôi đưa ông Tân Dân cái truyện ngắn như mọi khi đến hẹn nộp bài.

Ông chủ báo hỏi vui: “Ông cho tôi bài Tết à?” – Thưa vâng. “Cái này để sang năm in. Ông viết sốt dẻo quá!” – Thưa vâng. Rồi ông chủ báo đưa tiền nhuận bút như lệ mỗi lần ông nhận bài của tôi. Nhưng số tiền hậu hĩnh gấp đôi mọi khi. Ông xoa tay nói: “Năm mới, mở hàng ông năm nay làm ăn phát tài”.

Viết bài Tết, được tiền chơi xuân. Năm mới mọi sự may mắn, vui vẻ cả. Để Tết sang năm đăng thì cũng vẫn là viết trong Tết, giữa Tết, in để đọc Tết, chứ sao!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG