Khắc khoải chờ những giọt máu hồi sinh

Những bệnh nhi đang được truyền máu cầm chừng tại BV Nhi T.Ư. ảnh: t.hà
Những bệnh nhi đang được truyền máu cầm chừng tại BV Nhi T.Ư. ảnh: t.hà
TP - Phòng bệnh Khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Nhi T.Ư) có 10 đứa trẻ nằm ngồi. Những tấm thân gầy guộc, những gương mặt xanh mét vì thiếu máu thực sự ám ảnh. Những phòng bên cạnh cũng thế…

Truyền máu cầm chừng

Cậu bé Gia Huy (6 tuổi) ở Nam Định lên đây đã 2 ngày. Căn bệnh suy tủy khiến cậu bé có dáng hình nhỏ thó hơn hẳn bạn cùng trang lứa. Trên tay cắm kim truyền, những giọt máu chậm rãi chảy vào cơ thể. Bịch máu hôm nay Huy được truyền ít hơn hẳn những lần vào viện trước, chỉ 250ml thay vì 350ml. Cơ thể Huy chỉ còn 60 gam huyết sắc tố/l nên rất cần thiết phải tiếp máu để cậu bé có sức khỏe chống chọi với bệnh. Nhưng ngân hàng máu của bệnh viện khan hiếm máu, những đơn vị máu dự trữ phải dành để san sẻ cho nhiều bệnh nhân nặng khác. Bởi lẽ những ngày này tất cả các bệnh viện trên cả nước đều có chung tình trạng thiếu máu điều trị.

Nằm phía góc trong của phòng bệnh, cô bé 6 tuổi đến từ Thái Nguyên bị bệnh tan máu bẩm sinh cũng chỉ được truyền 150ml thay vì 250ml máu như mọi lần. Người mẹ không giấu được sự mệt mỏi và nỗi buồn trong đôi mắt, chị khẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi chân của con gái, rồi thì thầm như tự nói với bản thân: “Ở đây đứa trẻ nào cũng đáng thương, biết con mình cần nhiều máu nhưng còn biết bao bé khác cũng như con mình, thôi thì mỗi đứa truyền một ít để tất cả cùng được sống, thế là nhiều nhà cùng được an ủi”.

Nhìn Nguyễn Anh Tuấn chỉ ngỡ lên 2, nhưng thực tế cậu đã 4 tuổi. Căn bệnh tan máu bẩm sinh khiến Tuấn không lớn  nổi, bụng thì cứ to dần như cái trống vì lá lách bị dư sắt mỗi ngày một phình lên. Tuấn mới được bà nội và bố đưa từ Sơn La xuống bệnh viện Nhi T.Ư điều trị bệnh. Phát hiện bệnh từ khi 8 tháng tuổi, mỗi tháng 1 lần Tuấn phải truyền máu để giữ sự sống. Nhưng thời gian gần đây, bệnh viện tỉnh thiếu máu nên chuyển cậu bé xuống Hà Nội điều trị. Cả ngày nay, cậu bé cứ ngồi bần thần ở góc giường bệnh, thi thoảng mắt lại nhìn xa xăm, còn quá nhỏ để biết về bệnh của mình nhưng sự mệt mỏi thì Tuấn cảm nhận rõ lắm. Ngồi chờ để truyền máu. Lâu rồi từ khi đến đây điều trị, dễ đến cả năm, hôm nay cậu bé mới phải chờ máu lâu đến thế. Hoàng Mạnh Thắng đến từ Thái Nguyên nằm chơi điện tử trong lúc đợi có máu để truyền. Bố cậu bảo: “Nó mới được truyền 1 đợt hôm 25 nhưng giờ lại phải truyền tiếp, nhưng từ sáng đến giờ chưa có máu”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thư bảo: “Con đang đợi máu để truyền, sắp có rồi, trong ngày hôm nay sẽ cố gắng có máu để truyền cho các bé bệnh nặng, có thể không đủ số máu cần thiết nhưng cũng giúp các con ổn định sức khỏe”. Câu nói của cô điều dưỡng khiến gương mặt bố mẹ bệnh nhi trong phòng tươi tỉnh hơn. Chỉ có máu thì con họ mới có sức khỏe, mới sớm được trở về nhà. Mới hôm trước thôi, khoa Huyết học lâm sàng đã phải chuyển gấp bệnh nhân Nguyễn Duy Tuấn (10 tuổi) sang Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để truyền nhóm máu hiếm vì ngân hàng máu của bệnh viện không còn một đơn vị máu hiếm nào. Nếu không kịp truyền máu bệnh nhân này sẽ bị suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh nhân may  mắn

Trong số rất nhiều bệnh nhân chờ máu điều trị bệnh có chàng trai Hoàng Văn Tuyển (sinh năm 1993, dân tộc Tày, trú tại Lục Yên - Yên Bái). Điều đặc biệt với bệnh nhân này là anh sẽ kết hôn hôm nay. Tuy nhiên, Tuyển phải nhập viện để điều trị định kỳ bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh) trước ngày kết hôn. Tuyền cho biết, mỗi tháng cậu phải vượt hơn 300km để xuống Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư điều trị 1 - 2 đợt. Nhưng lần điều trị này khác nhiều so với những lần trước, Tuyển nhập viện trong tâm trạng háo hức vì sắp làm chú rể. Nhưng đây cũng là thời điểm khan hiếm máu, đặc biệt là nhóm máu O, nhóm máu Tuyển đang mang trong mình, nên việc để có một đơn vị máu truyền cho bệnh nhân như Tuyển cũng rất khó khăn.

Tuyển cho biết cậu vào Viện điều trị định kỳ sát ngày cưới với hy vọng có  sức khỏe tốt nhất trong ngày vui của mình, nhưng khi vào Viện, Tuyển bị sốt cao nên không thể thực hiện truyền máu ngay được. Hai ngày sau Tuyển mới có thể truyền máu điều trị bệnh. Bệnh nhân này cần truyền tối thiểu 3 đơn vị máu để có sức khoẻ tốt nhất. Nhưng do Viện đang thiếu trầm trọng máu điều trị nên các bác sĩ đã tạo điều kiện để Tuyển được truyền 2 đơn vị máu nhóm O. Tuyển không giấu nổi niềm vui khi sức khỏe tốt hơn: “Em đã nghĩ đến ngày cưới mà vẫn ốm thì buồn lắm, lúc ốm chẳng dám nghĩ gì cả. Nhưng may, giờ thấy khỏe mạnh thế này để về ngày cưới em vui lắm”.

Bênh nhân mệt mỏi, bác sĩ lo lắng
TS Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận điều trị rất nhiều bệnh nhân mãn tính, phần lớn phải truyền máu thường xuyên và suốt đời. Những dịp thiếu máu trầm trọng như hiện nay không chỉ khiến bệnh nhân và gia đình sốt ruột mà chính các bác sĩ, điều dưỡng cũng lo lắng khôn nguôi vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe của những đứa trẻ. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.