Kẻ phù suy ba không

Kẻ phù suy ba không
TP - Gần 30 năm chạm ngõ và chinh phục ca trù, nghệ sỹ Bạch Vân xếp mình vào hàng “phù suy”. Tiếng hát của kẻ “phù suy” không chồng, không con, không tiền day dứt lòng người.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Lấy chồng, bỏ chồng cũng vì …ca trù

Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở Thanh Chương, Nghệ An. Cha thường làm thơ, ngâm thơ đường, lẩy Kiều… Mẹ hát ví dặm, mắng con bằng tục ngữ ca dao. 14 tuổi, hát hay, học giỏi, hình thức duyên dáng, nàng Bạch Vân lọt vào “mắt xanh” của nhiều chàng trai, suýt nữa phải “lên xe hoa” về nhà người ở cái thời ương ương dại dại. Thế rồi “hồng nhan đa truân” mãi 44 tuổi, ca nương Bạch Vân mới lập gia đình.

Chồng kém chị 13 tuổi, đã từng ở chùa vài năm, sắp xuống tóc, chọn kiếp tu hành. Bạch Vân gặp anh, linh cảm về một tay đàn giỏi. Dạo ấy, tay đàn ở Hà Nội hiếm, nên chị “tán”: “Thôi, trai trẻ thế này, đừng trốn việc làng đi ở chùa, phải lăn xả vào đời, cống hiến cho người trần gian chứ”.

Trước sự nhiệt tình và quyết liệt của chị, anh đã làm theo. Ban đầu, họ vẫn coi nhau như chị em, cùng chung bầu nhiệt huyết với ca trù, rồi tình yêu đến lúc nào không hay và đám cưới là hệ quả tất yếu: “Đám cưới cũng rình rang lắm, 50 mâm ở quê đấy”.

Chị lên xe hoa sau khi CLB Ca trù Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập. Người bạn đời nói với Bạch Vân: “Mình như chiếc xe đạp đi cạnh cuộc đời Vân, khi nào không có ô tô, xe máy, Vân hãy ngồi lên xe đạp”.

Nhưng sự đời trớ trêu, một người từng muốn rời xa thế tục, khi nhập thế lại mê kinh doanh cơm chay. Anh bảo với chị: “Mình không thể yêu ca trù như Vân được, mình phải sống”. Rồi anh bê trễ những chuyến đi diễn, dồn tâm huyết cho “cơm chay”. Anh cũng không quen với chuyện đi diễn không mang tiền về mà “bà xã” vẫn làm suốt bao năm.

Mâu thuẫn phát sinh, Bạch Vân kiên quyết chia tay cuộc hôn nhân ngắn ngủi chưa đầy một năm. Anh chần chừ không muốn, mãi 4 năm sau mới đồng ý ký vào đơn li hôn. Hỏi chị có lăn tăn về cuộc hôn nhân đã qua không, chị lắc đầu: “Không, tôi lấy chồng cũng vì ca trù, mà bỏ chồng cũng chỉ vì ca trù, tôi là kẻ cực đoan”. Cũng từ đó, “kẻ cực đoan” một mình một cõi đi về.

Kẻ phù suy ba không ảnh 2
 

Ca nương không tiền

Nghĩ đến chốn đi về của ca nương, nhiều người mường tượng ra cảnh “Lá đào rơi rắc lối thiên thai”. Nhưng một trong những “ngôi sao” của ca trù hiện nay, nghệ sỹ Bạch Vân, lại đón tuổi xế chiều trong gác xép tồi tàn ở một con phố nhỏ của Hà Nội.

Lên được gác xép nơi Bạch Vân sống quả không dễ dàng. Cầu thang được làm tạm bợ bé xíu khiến ca nương từng nhiều lần suýt ngã. Gác xép bề bộn vừa làm nơi ăn, nơi ngủ, nơi làm việc… Vén tấm vải thay rèm che nơi ngủ, Bạch Vân cười: “Tôi có cần gì đâu, tôi trải chiếc chăn bông xuống nền làm đệm, thay giường, thay chiếu”. Ngoài chiếc tivi SamSung đã mua khi cưới, cách đây hơn chục năm, nhìn quanh gác xép không thấy dấu vết của những món đồ văn minh tiện ích, không điều hoà, không máy giặt, không tủ lạnh…

Chị kể, khi trước cũng có cái máy bơm tự động, nhưng bị cháy, giờ chị cứ chờ khi có nước thì hứng để giặt giũ và sinh hoạt. Có hôm đi diễn về, hứng từng giọt nước, lúi húi giặt đồ diễn suốt đêm, phơi xong quần áo cũng đã gần sáng. Người ngoài nhìn vào xót xa nhưng chị vẫn vui vẻ: “Được thế này là may lắm rồi”.

Bạch Vân là đào nương lắm bằng cấp. Chị đã học hệ trung cấp ở Trường Nhạc Việt Nam (nay là Nhạc Viện Hà Nội), sau lại học tiếp Đại học Văn hóa. Sự đam mê viết lách lại “xui” chị kiếm thêm văn bằng báo chí và tiếp tục nhận bằng thạc sỹ văn hoá cách đây nhiều năm. Hiện chị đang làm luận án tiến sỹ ở Viện khoa học xã hội Việt Nam. Chị từng bị coi là “kẻ điên” khi thành lập CLB Ca trù Hà Nội, CLB ca trù đầu tiên ở Việt Nam và nhọc nhằn duy trì sự tồn tại của nó.

 

Chị từng ở nhờ suốt bao năm, sau khi thành lập được CLB ca trù đầu tiên ở Việt Nam, khoảng năm 1991-1992, chị mua được căn nhà nhỏ dột nát, thường xuyên bị nước tràn vào nhà . Rồi chị cho người ở nhờ, họ chiếm nhà, cũng nhờ báo chí can thiệp mà chị đòi lại được.

Sống trên gác xép (chị vẫn gọi là “gác 2” cho sang), còn phần dưới cho thuê kinh doanh. Bạch Vân phân bua: “Đáng ra tôi cũng có tiền đấy chứ. Nhưng tiền lương của tôi, tiền cho thuê nhà tôi đều ném vào trả lương cho diễn viên hết”.

Cái chức Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội, Bạch Vân muốn cho mà chẳng ai dám nhận. Hầu như buổi diễn nào cũng bị lỗ. Năm qua chị cho biết lỗ tới 400 triệu đồng vì ca trù. Khổ cực thế nhưng bỏ không đành. Mỗi lần định quay lưng lại với ca trù, chị lại sinh bệnh nhập viện.

Tết người người mua sắm, còn Bạch Vân chạy vạy mãi mới lo nổi tết. Chỉ có cành đào sắp tàn báo hiệu mùa xuân đang qua ở căn gác của Bạch Vân, dù khó đến đâu chị vẫn cố xoay bằng được cành đào Nhật Tân “xịn”, năm nào cũng thế. Làm cơm cúng giao thừa, đồng thời “kiêm” luôn cơm tất niên, một phần vì bận bịu nhưng chắc một phần cũng vì khó khăn.

Cái thứ thiên hạ bây giờ phần nhiều không phải lo lắng là gạo, thì nghệ sỹ ca trù vẫn thiếu nợ. Số tiền gạo chị nợ đã lên ngót ba triệu đồng. Chị vay khắp chợ, khắp nơi, bao nhiêu cũng vay. Vay nhẵn mặt nhưng người ta vẫn không ngừng mở lòng với chị, vì chị được tính nhớ lâu, vay đồng nào, nhớ đồng ấy, chẳng cần ghi sổ sách. Cứ kiếm được khoản tiền lại trả, trả rồi lại vay. Chị cười to: “Ngày nào cũng ra cây rút tiền, mở thẻ chỉ còn 54 ngàn đồng, cố gắng mãi mà không rút được”.

Vừa rồi đi xe máy, lâu không thay dầu, mùi khét lẹt, may có người mừng tuổi tết, chị mới có tiền đổ dầu. Tiền mừng tuổi chị cũng đi vay. Tết chị hạn chế đi chơi để trốn mừng tuổi. Nhưng với các nghệ nhân lớn tuổi chị vẫn không quên chút quà và phong bao lì xì. Lì xì của chị không lớn, người dăm chục, cao là trăm ngàn đồng, nhưng đó cũng là nỗ lực đối với Bạch Vân.

Một hôm đưa nghệ nhân già về nhà sau buổi diễn, chị phát hiện xe hết xăng. Móc trong ví chỉ còn hai tờ mười ngàn mới cứng chị định để mừng tuổi diễn viên, thế mà mua xăng đã hết tám mươi ngàn đồng. Bí quá, chị đành nói với bạn nhân viên trẻ bán xăng: “Cô là Bạch Vân, nghệ sỹ ca trù. Cháu cử thử tin, cứ nhìn mặt cô đi, cô sẽ đi vay tiền và quay trở lại trả cháu. Không phải trên đời ai cũng là kẻ lừa đảo đâu”.

Rồi chị ra quán gần đó, vay người quen được một trăm ngàn đồng, trở lại nơi bán xăng, chàng thanh niên tròn mắt nhìn chị.

Ngay chuyện tiền vé ở CLB ca trù chị cũng giao cho người khác quản. Hôm nào bán được vé, chị bảo người quản lý cho vào phong bì dán kín ngay và dặn: “Cô hỏi kiểu gì mày cũng đừng đưa”. Thiếu tiền chị vay tứ tung, từ quán phở, tới quán điện thoại… nhất định không đụng vào tiền bán vé, để dành trả cho diễn viên và làm nhiều việc khác liên quan đến ca trù.

Cưỡi xe máy… đi hát

Ca nương lớn tuổi còn khoe tài lái xe của mình. Chị có thể phóng xe máy vào tận Hà Tĩnh, rồi hôm sau quay ra. Đi biểu diễn nhiều nơi toàn bằng xe gắn máy. Ngay ở Hà Nội, khi đi diễn chị thường đèo thêm hai cụ nghệ nhân tuổi 90, một cụ ở Cổ Nhuế, một cụ ở Mỹ Đình. Chị đón đưa các cụ mãi cũng thành quen, cảnh sát cơ động cũng quen mặt chị, ai nỡ xử phạt những nghệ sỹ ca trù hết lòng vì nghệ thuật như thế.

Nói về ca trù, Bạch Vân say sưa nhưng thấm buồm. Khó nhọc bao nhiêu chị mới tìm được những nghệ nhân ca trù tài năng, thế nhưng thuyết phục họ trở lại với nghệ thuật còn gian nan hơn nữa. Như cụ Nguyễn Phú Đẹ, một tay đàn cự phách, chị từng đưa về nhà chăm sóc suốt hai năm, gọi là bố, xưng con, cơm bưng nước rót, ngày ba bữa. Thỉnh thoảng, chị lại chở cụ về Hải Dương cho cụ nguôi nỗi nhớ nhà.

Các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Sinh cũng do chị tìm được. Trong liên hoan ca trù toàn quốc vừa qua, cụ Sinh tham gia nhưng giọng ca của đào nương lão luyện chỉ giành giải khuyến khích cho người hát ca trù cao tuổi nhất, khiến cụ sinh bệnh, giờ ngưng hát hò. “Đáng ra phải trao giải người hát ca trù hay nhất thì lại cho cụ giải khuyến khích vì tuổi cao vẫn hát ca trù. Chỉ vì sự “khuyến khích” không đúng mức ấy đã giết chết một tài năng”, Bạch Vân ngậm ngùi.

Chị phải thú nhận, khán giả chủ yếu của ca trù vẫn chỉ là khách nước ngoài và một số ít người hoài cổ. Một cô sinh viên từng nghe Bạch Vân hát ca trù, cô gái rất thích nhưng buồn vì không có tiền mua vé để xem. Bạch Vân mở lòng: “Cháu cứ đến xem bất cứ khi nào cháu muốn, cô miễn phí cho cháu”. Gần 30 năm chạm ngõ và chinh phục ca trù, chị đã quá quen với chuyện miễn phí.

 

Khao khát… yêu

Ảnh: Hồng Diệu
Ảnh: Hồng Diệu.
 

Ở tuổi này, Bạch Vân cũng khao khát một tình yêu như bất cứ người đàn bà nào. Tiêu chí cho người đàn ông của chị: không cần giàu có, không cần chức tước, chỉ cần có tình yêu với ca trù. Chị cũng mong có một đứa con, biết đâu y học hiện đại sẽ giúp được chị. Nhưng chị đành tạm gác kế hoạch này bởi trước mắt chị phải dồn tâm sức cho việc bảo vệ luận án tiến sỹ. Ca trù được tôn vinh, song nó vẫn chỉ giữ vị thế chơi vơi nhạt nhoà trong lòng công chúng.

Bạch Vân xếp mình vào hàng “phù suy”: “Ở đời người ta phù thịnh chứ mấy ai phù suy. Nên cuộc phù suy nào cũng nhuốm nước mắt”. Tiếng hát của kẻ “phù suy” không chồng, không con, không tiền day dứt lòng người: “Hồng hồng tuyết tuyết / Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi /Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”.

huyendieucb2003@yahoo.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG