Nghịch lý các dự án BOT - Bài 3:

Kê khống mức đầu tư để tăng thời gian thu phí (?)

TP - Có nhiều dự án khi lập và sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách, tổng mức đầu tư chỉ 2.000 tỷ đồng, nhưng khi chuyển sang “tay” BOT thì dù quy mô “teo” đi, nhưng tổng mức đầu tư lại tăng thêm hàng nghìn tỷ.
Theo thanh tra Bộ KH&ĐT, nhiều dự án BOT có sai lệch về tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thu phí. Ảnh: Trọng Đẳng

Trong các hợp đồng BOT thì tổng mức đầu tư và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường là yếu tố quyết định thời gian thu phí hoàn vốn dài hay ngắn, mức phí cao hay thấp. Tuy nhiên, trong nhiều dự án BOT, cả hai yếu tố trên đều có sự mập mờ, thiếu minh bạch. Có nhiều dự án khi lập và sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách, tổng mức đầu tư chỉ 2.000 tỷ đồng, nhưng khi chuyển sang “tay” BOT thì dù quy mô “teo” đi, nhưng tổng mức đầu tư lại tăng thêm hàng nghìn tỷ.

Quy mô “teo” lại, vốn “phình” to ra

Thời gian qua, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tiến hành thanh tra chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT trên QL1A. Qua thanh tra đã phát hiện ra khá nhiều yếu kém của các cơ quan quản lý, khiến nhiều dự án BOT bị kê khống, khai khống vốn. Điển hình như tại Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát, có tổng chiều dài 33,93 km. Khi được lập bằng nguồn vốn ngân sách thì tổng mức đầu tư của dự án trên chỉ là 1.937 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang “tay” BOT thì tổng mức đầu tư của dự án trên lập tức đã tăng lên con số 3.627 tỷ đồng, dù quy mô đã được thu hẹp lại. Liên danh được chỉ định thầu thực hiện dự án trên là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - Tổng Công ty 319.

Điều đáng nói, việc tổng mức đầu tư tăng thêm đến 75% nhưng lại không được các cơ quan có trách nhiệm đề cập, phân tích và đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư. Theo Thanh tra Bộ KH&ĐT, việc này có thể gây lãng phí vốn đầu tư, thất thoát ngân sách và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Về quá trình thực hiện dự án, Kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nhiều sai sót làm tăng tổng mức đầu tư. Trong đó chỉ riêng phần tính sai chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã làm tăng tổng mức đầu tư của dự án là hơn 39 tỷ đồng. 

Việc áp dụng sai định mức lương công nhân làm tăng chi phí thêm hơn 20 tỷ đồng. Đặc biệt, việc Ban PPP của Bộ GTVT không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước được giao trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền trước khi phê duyệt dự án, được thanh tra xác định là gây thiệt hại cho ngân sách gần 60 tỷ đồng… 

Ngoài ra, mặc dù hợp đồng tín dụng được ký kết ngày 6/8/2013 quy định lãi vay trong thời gian thực hiện dự án sẽ được nhập gốc 6 tháng/lần. Nhưng hợp đồng chính thức được ký sau 10 tháng lại quy định lãi vay trong thời gian thực hiện dự án được nhập gốc 3 tháng/lần. Theo Thanh tra Bộ KH&ĐT, việc này đã làm tăng giá trị lãi vay gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tương tự, tại dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng phát hiện nhiều sai sót trong việc lập, thẩm định và phê duyệt khiến tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm hơn 819 tỷ đồng. Theo kết luận Thanh tra, với tổng mức đầu tư được kiểm tra giảm trừ 819 tỷ đồng, thời gian kinh doanh khai thác để hoàn vốn theo hợp đồng sẽ phải giảm tương ứng để phù hợp với chi phí thực tế.

Cũng với các “chiêu” trên, dự án cải tạo, nâng cấp QL 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai, cũng đã kê khống hàng trăm tỷ đồng so với giá trị thực tế. Theo  kết luận thanh tra của Bộ KH&ĐT, dự án trên có tổng mức đầu tư là trên 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó đã bị “vống” lên do áp dụng chưa chính xác đơn giá vật liệu nhựa đường, làm tăng chi phí xây lắp thêm trên 19 tỷ đồng; áp dụng hệ số phụ cấp không ổn định sản xuất làm tăng chi phí xây lắp trên 12 tỷ đồng…; tính lưu lượng xe chưa chính xác; nghiệm thu thanh toán vượt giá trị… Tổng giá trị đầu tư cho dự án đến thời điểm thanh tra chỉ là 1.600 tỷ đồng.

Kê khống thì phải giảm phí

Việc các dự án BOT tăng vốn “khủng” so với thực tế, cũng có nghĩa là thời gian thu phí của nhà đầu tư sẽ được kéo dài. Còn người dân, doanh nghiệp thì tiếp tục phải “còng lưng” cõng phí vì những khoản kê khống của nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, những kết luận mà Thanh tra Bộ KH&ĐT công bố vừa qua cho thấy, tình trạng kê khống, kê sai để tăng tổng mức đầu tư trái quy định ở các dự án BOT diễn ra khá phổ biến. Điều này cho thấy những hoài nghi của dư luận trước đây về “siêu lợi nhuận” khi làm BOT là hoàn toàn có cơ sở. 

“Trong khi nhà đầu tư ung dung hưởng lợi từ việc kê khống, khai “vống” thì người dân và doanh nghiệp lại “còng lưng” cõng phí rất oan ức. Đây là thực trạng không thể chấp nhận được. Do đó, trên cơ sở các kết luận thanh tra, Chính phủ phải yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp với nhau để xem xét lại toàn bộ các hợp đồng BOT đã ký kết và thực hiện trong thời gian qua. Đối với những dự án có việc kê khống, khai khống làm tăng tổng mức đầu tư thì phải kiên quyết giảm thời gian thu phí, mức thu phí tương ứng với số tiền kê khống”, ông Hùng đề nghị.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu đúng có việc dự án BOT tăng vốn không đúng quy định của pháp luật thì các cơ quan quản lý phải điều chỉnh lại mức phí và thời gian thu phí cho hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp và người dân. 

“Dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng nhưng anh kê khống không đúng quy định của pháp luật lên thành 1.500 tỷ là sai. Cơ quan quản lý khi đó phải điều chỉnh lại thời gian thu phí hoàn vốn và mức phí cho nhà đầu tư theo tổng mức đầu tư 1.000 tỷ, chứ không được theo mức 1.500 tỷ”, ông Thụ nói.

Đề cập sự thiếu công khai, minh bạch trong việc tính toán lưu lượng phương tiện và số tiền thu được tại các trạm thu phí BOT, ông Hùng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm vào cuộc, làm rõ là lưu lượng phương tiện và số tiền thu được từ các trạm thu phí BOT. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thời gian thu hồi vốn của các dự án BOT dài hay ngắn, mức phí cao hay thấp.

“Đây là vấn đề đang gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận và doanh nghiệp vận tải. Ngay cả Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà mới đây khi trả lời báo chí cũng nói rằng, có nhà đầu tư nói một ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng dư luận phản ánh là thu được đến 3- 4 tỷ đồng. Như thế là mức chênh lệch rất khủng khiếp, các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, làm rõ, chứ cứ đề mờ mờ, ảo ảo như hiện nay thì chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn người dân và doanh nghiệp rất thiệt thòi”, ông Hùng nói.

Để bảo đảm sự minh bạch, bình đẳng, tránh tình trạng cơ quan quản lý “thông đồng” với nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án BOT, theo ông Thụ, bắt buộc các dự án phải qua đấu thầu. Chỉ có qua đấu thầu cạnh tranh mới đảm bảo sự minh bạch trong việc thực hiện các dự án BOT. 

“Vừa qua chúng ta thực hiện BOT có phần nóng vội dẫn đến nhiều hạn chế, yếu kém và tạo “gánh nặng” cho người dân và các doanh nghiệp vận tải. Do đó, thời gian tới cần phải tổng kết lại việc thực hiện hình thức BOT, từ đó kiến nghị sửa đổi lại các quy định của pháp luật cho phù hợp”, ông Thụ nói.