KBNN triển khai thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện,tiền nước

KBNN đã ký Thỏa thuận với VietinBank, VNPT – Vinaphone ngày 19/9/2022 và thực hiện triển khai thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN Hà Nội, KBNN Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10/10/2022.
KBNN triển khai thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện,tiền nước ảnh 1

Sau thời gian triển khai thí điểm, KBNN đã tổng kết đánh giá hoàn thiện chương trình và báo cáo Bộ về kết quả triển khai thí điểm và trình Bộ kế hoạch phối hợp với VNPT Vinaphone và Vietinbank hoàn thiện sửa đổi thỏa thuận song phương; hoàn thiện chương trình ứng dụng để triển khai diện rộng đối với VNPT Vinaphone và Vietinbank; báo cáo Bộ về kế hoạch công bố chuẩn kết nối sau để sẵn sàng mở rộng cho các nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng và các trung gian thanh toán khác có thể kết nối với KBNN, để thực hiện thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện, tiền nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 87/2021/TT-BTC ngày 8/10/2021 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN.

Đồng thời, KBNN đã ký thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một số điều Thỏa thuận đã ký giữa KBNN và VietinBank, VNPT – Vinaphone ngày 19/9/2022, nâng cấp chương trình và kiểm thử hệ thống cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và ban hành Quy trình thanh toán tự động các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong nội bộ KBNN để phục vụ triển khai diện rộng để đảm bảo cơ cở pháp lý chặt chẽ hơn nữa và phù hợp với tình hình thực tế sau khi các đơn vị triển khai thí điểm.

Cơ sở pháp lý để triển thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện, tiền nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước:

- Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân sự quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

- Khoản 10 Điều 7 Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN quy định: “Thành phần hồ sơ đối với các khoản chi mà đơn vị sử dụng NSNN ủy quyền cho KBNN thanh toán tự động theo định kỳ cho một số nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ (như điện, nước, viễn thông): Văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng NSNN cho KBNN về việc tự trích tài khoản của đơn vị chi trả cho nhà cung cấp theo giá trị hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị đã sử dụng; đơn vị gửi 01 lần khi có phát sinh, điều chỉnh, bổ sung”.

- Căn cứ khoản 9 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước: Đối với các khoản chi mà đơn vị sử dụng NSNN ủy quyền cho KBNN thanh toán tự động theo định kỳ cho một số nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ (như điện, nước, viễn thông): KBNN căn cứ vào văn bản ủy quyền thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách cho KBNN để thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ (điện/nước/viễn thông) theo đúng số tiền đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán từ các nhà cung cấp dịch vụ gửi KBNN”.

- Căn cứ điểm d Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước: Được ủy quyền cho KBNN tự trích tài khoản thanh toán các khoản chi theo chế độ quy định.

Kết quả triển khai thí điểm tính đến ngày 07/06/2023:

- Số lượng ĐVSDNS đã thực hiện ủy quyền: 14.012 đơn vị;

- Thống kê chi tiết theo dịch vụ (Dịch vụ Điện, nước không áp dụng mã thanh toán):

+ Nước: 5.778 mã khách hàng.

+ Điện: 23.675 mã khách hàng.

+ Internet: 13.018 mã khách hàng tương ứng với 16.359 mã thanh toán.

+ Điện thoại: 13.134 mã khách hàng tương ứng với 18.302 mã thanh toán.

- Về số tiền thanh toán thành công:

+ Internet, Điện thoại: 20.777.918.835 đồng.

+ Điện, Nước: 149.082.656.565 đồng.

Quy trình thực hiện:

- Đơn vị sử dụng ngân sách ký ủy quyền với KBNN: Kế toán viên lập Văn bản ủy quyền thanh toán tự động các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông của ĐVSDNS cho KBNN trình Kế toán trưởng ĐVSDNS phê duyệt. Kế toán trưởng/phụ trách kế toán ĐVSDNS phê duyệt. Trường hợp thông tin không chính xác, Kế toán trưởng/ phụ trách kế toán ĐVSDNS ghi rõ lý do trả lại kế toán viên. Thủ trưởng ĐVSDNS ký số Văn bản ủy quyền thanh toán tiền cước sử dụng dịch vụ viễn thông gửi KBNN.Trường hợp thông tin không chính xác, Thủ trưởng ĐVSDNS ghi rõ lý do trả lại, chuyển Kế toán trưởng/phụ trách kế toán ĐVSDNS kiểm tra, trả lại kế toán viên để xử lý.

Quy trình thực hiện tại KBNN

+ Quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản ủy quyền của ĐVSDNS: Sau khi hệ thống Cổng trao đổi dữ liệu của KBNN tiếp nhận Văn bản ủy quyền thanh toán tiền cước sử dụng dịch vụ viễn thông, hệ thống tự động kiểm tra thông tin về hiệu lực của tài khoản ĐVSDNS, Giao dịch viên (GDV) tại đơn vị KBNN kiểm tra thông tin về văn bản ủy quyền và tiếp nhận (Đối với ĐVSDNS thực hiện khoán cước điện thoại bàn theo tháng, GDV tại đơn vị KBNN căn cứ Danh sách khoán do ĐVSDNS gửi để kiểm soát đảm bảo mức khoán phù hợp với quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị) trình KTT phê duyệt, lãnh đạo đơn vị KBNN ký số văn bản ủy quyền của ĐVSDNS.Cổng trao đổi dữ liệu của KBNN tự động tổng hợp Danh sách ĐVSDNS đã ủy quyền cho KBNN thanh toán tiền cước dịch vụ viễn thông, điện, nước gửi Vietinbank/VNPT.

+ Quy trình thanh toán tự động tiền điện, nước: Sau khi Vietinbank gửi KBNN Bảng kê sử dụng dịch vụ trong tháng và trích Nợ tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại trụ sở chính Vietinbank, KBNN (phòng thanh toán – Cục KTNN) xử lý và hạch toán điện báo nợ theo Quy trình thanh toán song phương, hệ thống tự động kiểm tra và tách thành các Bảng kê gửi từng Đơn vị KBNN. Hệ thống tự động kiểm tra số dư tài khoản của ĐVSDNS và thực hiện hạch toán trên TABMIS, đồng thời tự động tạo giấy báo nợ gửi ĐVSDNS, bảng kê thanh toán thành công và bảng kê thanh toán không thành công gửi Vietinbank.

+ Quy trình thanh toán tự động dịch vụ viễn thông: Sau khi VNPT Vinaphone gửi KBNN Bảng kê sử dụng dịch vụ trong tháng, KBNN (phòng thanh toán – Cục KTNN), hệ thống tự động kiểm tra và tách các Bảng kê gửi từng Đơn vị KBNN. Hệ thống tự động kiểm tra số dư tài khoản của ĐVSDNS và thực hiện hạch toán trên TABMIS, đồng thời tự động tạo giấy báo nợ gửi ĐVSDNS, bảng kê thanh toán thành công và bảng kê thanh toán không thành công gửi VNPT Vinaphone.

Qua gần một năm triển khai thí điểm và hơn 1 tháng triển khai trên diện rộng, chương trình thanh toán tự động hóa đơn dịch vụ điện thoại, điện, nước, viễn thông đã đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hóa đơn điện, nước viễn thông của ĐVSDNS được thanh toán tự động, không phải phê duyệt nhiều lần tại các chương trình ứng dụng như trước đây, góp phần giảm thiểu khối lượng công việc thủ công cho giao dịch viên thực hiện nhiệm vụ. Quy trình điện tử đã khắc phục được các vấn đề còn tồn tại của quy trình thủ công như: Toàn bộ quy trình được thực hiện trên hệ thống điện tử kết nối từ hệ thống của VNPT-VINAPHONE và Vietinbank với Cổng trao đổi dữ liệu của KBNN. Đồng thời trong hệ thống của KBNN cũng được thực hiện trên các hệ thống hoàn toàn tự động; VNPT-VINAPHONE và Viettinbank không phải lập bảng kê sử dụng dịch vụ trong tháng ... (bản giấy) và người sử dụng không phải sử dụng công cụ ADI để đẩy dữ liệu (file excel) vào hệ thống TABMIS như phương thức triển khai thủ công trước đây.

Lợi ích của quy trình:

- Đối với đơn vị sử dụng ngân sách: Hàng tháng các ĐVSDNS không phải gửi yêu cầu thanh toán đối với các khoản chi điện, nước và viễn thông, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVSDNS.

- Đối với KBNN: Hệ thống TABMIS tự động kiểm tra số dư trên tài khoản của đơn vị. GDV/ Lãnh đạo phòng/Lãnh đạo đơn vị KBNN không phải ký phê duyệt trên hệ thống DVCTT và hệ thống TABMIS. Sau khi trích tài khoản của ĐVSDNS mở tại KBNN thành công, hệ thống sẽ tự động ký chữ ký số Kế toán trưởng/Ủy quyền kế toán trưởng toàn ngành hệ thống KBNN để báo nợ cho ĐVSDNS. Quy trình thanh toán tự động đã giảm thiểu thời gian xử lý, khối lượng công việc cho công chức Kho bạc. Qua đó, tập trung kiểm soát các khoản chi có độ rủi ro cao nâng cao hiệu quả quản lý của KBNN. Đẩy mạnh việc thực hiện số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo định hướng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Về phí thanh toán: Quy trình thanh toán tự động đã góp phần giảm được phí thanh toán mà NSNN phải chi trả cho các Ngân hàng.

- Đối với nhà cung cấp: Quy trình này tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu tiền cho nhà cung cấp.

Để triển khai diện rộng thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện,tiền nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng kế hoạch, thì công tác chuẩn bị triển khai DVC diện rộng là một nhiệm vụ rất quan trọng, là điều kiện cần thiết để quyết định thành công của dự án; theo đó, các công việc chuẩn bị để triển khai diện rộng toàn quốc bao gồm:

Thứ nhất, Các KBNN thực hiện tuyên truyền và gửi tài liệu hướng dẫn sử dụng chương trình cho người sử dụng đến các ĐVSDNS mở tài khoản tại KBNN về lợi ích của việc ủy quyền thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông cho KBNN và khuyến khích các ĐVSDNS tham gia.

Thứ hai, Tổ chức nghiên cứu quy trình, hướng dẫn sử dụng chương trình và một số câu hỏi thường gặp của ĐVSDNS để hỗ trợ các ĐVSDNS trong quá trình triển khai.

Thứ ba, Khai báo danh mục người đại diện KBNN ký hồ sơ ủy quyền với các ĐVSDNS (Lãnh đạo đơn vị Kho bạc được phân công) và thiết lập các thông tin thanh toán.

Thứ bốn, Vụ Kiểm soát chi và Cục Kế toán Nhà nước: hỗ trợ và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị KBNN trong quá trình triển khai.

Thứ năm, Cục Công nghệ thông tin: nâng cấp chương trình DVCTT, đảm bảo hoạt động của chương trình DVCTT và hỗ trợ hướng dẫn người sử dụng thao tác trên chương trình.

Giao dịch điện tử và thanh toán tự động là xu thế tất yếu, vừa là yêu cầu tiên quyết đối với KBNN nhằm hướng đến mục tiêu cải cách và hiện đại hóa cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN ... cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đến năm 2030 cơ bản hình thành kho bạc số” theo Nghị Quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 và Quyết định số 455/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030./.

MỚI - NÓNG