Joe Ruelle người điểm huyệt thói tật Việt Nam

Joe Ruelle người điểm huyệt thói tật Việt Nam
TPO - Với “Ngược chiều vun vút”, thêm một lần Joe Ruelle tức blogger Dâu Tây cho thấy anh sống chung với tiếng Việt khác nào cá trong nước. Thú vị nữa là khi người Canada này đề cập thói hư tật xấu quanh mình bằng bút pháp trào lộng và do vậy, thật khôn ngoan.

Dương Phương Vinh (DPV): Đọc "Ngược chiều vun vút" và các bài in báo rải rác của Joe Ruelle, thấy chưa bao giờ thói tật Việt Nam bị người ngoài điểm trúng huyệt kiểu lém lỉnh như thế.

Chẳng hạn về căn bệnh lừa được là lừa, bệnh đơn giản như cục gạch, bệnh vô duyên chưa nói đã cười, gì cũng nhận xét. (Joe đi siêu thị cùng cô người mẫu rất cao, bữa ấy anh và cô thu về ít nhất 30 tiếng “cao”). Rồi bệnh sính ngoại, khoe mẽ, thích chèn tiếng Anh cắc cớ “Em làm bên finance”. Đồng thời lại thất thố, gọi “thằng Tây” đầy miệt thị. Vân vân.

Có lần tôi ăn phở cạnh ông Tây. Bà con tưởng thực khách này không biết tiếng Việt nên cứ thản nhiên phán từ cách ăn, ước lượng “chiều kích”, khả năng tình dục… Xơi xong bát phở, gác đôi đũa ngay ngắn ông ta mới nhìn đám chủ tớ nhà hàng mà thủng thẳng bằng tiếng Việt: “Trông thì như bò đội nón mà còn nói người ta!”.

Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD): Có phải chị chọn tôi cho cuộc đối thoại hôm nay bởi giờ đây tôi “mắt nhắm mắt mở”, chân trong chân ngoài nửa Thanh Hóa nửa Cali? Hay vì tôi thường nhìn đời bằng con mắt tối om? Dù sao cũng cảm ơn đã cho cơ hội nói về Joe, người tôi cho là phù thủy tiếng Việt.

Giả sử Joe viết sách về thói tật của Tây, ta đọc và ta khoái chí. Nhưng anh chàng tóc vàng từ đâu đến lại bóc mẽ chúng ta- những người bấy lâu nay nghĩ mình anh dũng nhất thế giới, thông minh cần cù nhất quả đất, nhân ái nhất hành tinh, Tây Tàu chỉ còn biết ngả mũ!

Joe không phải “thằng” Tây du lịch người máy: “Ồ Việt Nam đẹp, con người thân thiện, thức ăn ngon”. Joe đến, học tiếng Việt, sống trong lòng Việt, viết những thứ anh ta thấy, anh ta cảm nhận một cách thật nhất. Chúng ta không thể chối cãi.

"Joe cũng có cái mâu thuẫn giữa cung cách lịch sự Tây và kiểu hụych toẹt Ta. Có lẽ anh chàng cũng như tôi, mắt nhắm mắt mở, chân trong chân ngoài. Hoặc anh chàng cực kỳ khôn ngoan, nhập gia tùy tục, biết tiến biết lùi hợp lý. Nói cách khác, Tây đang hội nhập với Ta ".

                                                                                    ĐỖ HOÀNG DIỆU 

Ai đó sẽ cho rằng Joe áp đặt cái nhìn của Tây lên Ta làm sai lệch bản chất vấn đề. Không, anh ta đang bảo vệ, đang kêu gào người Việt giữ lấy văn hóa Việt Nam!

Tôi cũng băn khoăn không biết do Ta đánh thắng nhiều giặc to cường quốc nên tự cho mình mạnh nhất thế giới hay sao mà thấy bất cứ ngoại quốc nào, già trẻ, tốt xấu… đều là thằng, thứ thằng đầy khinh miệt. Rồi bắt chẹt đủ thứ. Ngay nhà nước cũng có luật giá dành cho người Việt và nước ngoài khác nhau nữa.

DPV: “Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến mấy tai nạn văn hóa nhẹ, dấu vết hội nhập ngộ nghĩnh”- Joe viết. Ví dụ nhiều người cứ gặp Tây là: “Thấy con gái Việt xinh không? Lấy vợ chưa? Phải lấy vợ đi chứ!”. Theo Joe “Đó là điểm xuất phát của một con đường đi mãi từ bờ ao nhà mình. Hạnh phúc là có vợ. Có vợ là có con. Có con là có người thắp hương…”. Tôi mong có ai cãi giả quá.

ĐHD: Tây cực sợ câu “Thấy con gái Việt xinh không?” mà gần như người Việt nào cũng hỏi họ, từ bạn bè thân thiết tới kẻ gặp qua đường. Có thể nhiều người cho rằng chuyện này thể hiện sự tự tin- phụ nữ Việt Nam đẹp nhất Đông Nam Á cơ mà. Tây không nghĩ thế! Họ cho là thiếu tự tin nên mới liên tục hỏi vậy. Nó thể hiện tinh thần nông nghiệp lúa nước pha xăng nhớt thị thành nghèo.

“Xây dựng bộ sưu tập bài viết dựa chủ yếu trên đại từ nhân xưng “tôi” là một việc rủi ro. Tác giả phải cởi hết quần áo, đứng giữa quán cà phê. Nếu thích, khách sẽ mời tác giả ngồi cạnh, chia sẻ niềm vui rồi gửi chút ít tiền cảm ơn. Còn nếu không, khách sẽ hắt cà phê vào người ông đó, để lại một số vết bỏng lâu lâu mới lành”

JOE RUELLE

 

Nhân tiện kể chị nghe. Khi bố tôi nằm hấp hối trong phòng hồi sức cấp cứu, tất nhiên ông con rể tới thăm nom. Cả phòng ồn lên khi thấy đồng chí Tây. Rồi giữa âm thanh máy đo tim đo não, máy thở máy truyền bíp bíp, giữa tiếng rên rỉ đớn đau phận người sắp kết trong căn phòng ngột ngạt, người ta nhao nhao: “Ở bên Tây có vợ chưa? Lấy vợ Việt Nam là vợ thứ mấy? Lương bao nhiêu một tháng? Nhà to không?”…

Có nhiều chuyện Joe nêu hiện tượng nhưng chưa đi sâu giải thích nguyên do. Tại sao Tây hay bị hỏi như thế? Tôi nghĩ gốc của nó là giáo dục. Nhà trường lẫn gia đình. Mà câu chuyện ngành giáo dục thì dài lắm…

Joe Ruelle người điểm huyệt thói tật Việt Nam ảnh 1

DPV: Nguyễn Khải viết: “Ngôn ngữ đôi khi không để giao tiếp mà đơn giản nói chỉ để mà nói, có mồm chẳng nhẽ không nói”. Xem thoại phim nội thì biết.

Riêng Joe, dù điểm (huyệt) đâu trúng đó, cũng hơn một lần phải dọn giọng, rào đón. Chắc vẫn sợ bị coi là “thằng Tây vô ơn”. Có nghĩa, người ngoài hiểu, không phải ai cũng vui vẻ đón nhận cuốn sách kiểu “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương?

ĐHD: Cái gì cũng có hai mặt. Được hay không được đôi khi chẳng còn ranh giới. Đa số Tây lịch sự, không làm tổn thương người khác. Thành ra đôi khi dối trá, đãi bôi. Đồ ăn dở vẫn ồ ngon lắm, ngon lắm. Tăng cân quá mức vẫn bị nịnh bợ ồ trông bạn tuyệt vời. Nên nhiều lúc tôi muốn nghe “dạo này béo quá đấy”, “món này hơi dở” hơn ba kiểu good, very good.

Joe rất cáo già. Anh ta đi guốc trong bụng chúng ta. Còn chuyện Ta không sẵn sàng bị điểm huyệt thì Tàu cũng thế, đôi khi Tây cũng vậy. Do môi trường xã hội, đôi khi mở miệng nói thật, lắm chuyện. Thành ra nói dối, là Ta cái gì cũng hay. Trẻ con lớn lên tiếp quản di sản ấy. Thì thôi lại đổ tội ngành giáo dục cho nó… lành.

Song có chuyện này tôi nghĩ Joe nên nói, nói vỗ mặt, nói riết róng. Ấy là chuyện ở bàn xuất nhập cảnh sân bay Nội Bài. Tại sao những người cán bộ ấy khó khăn nở nụ cười, nói một câu đủ chủ vị với cái thằng cái con mang tiền về (hoặc đến) cho mình? Dẹp chuyện hội nhập hay văn hóa cái gì đó đi, Ta thích tiền nên phải bàn đến tiền đầu tiên! Phải chăng cán bộ ấy nghĩ nước mình là miền đất Thánh, mình đang ban ơn cho thằng này con này được vào Việt Nam?

DPV: Trình tiếng Việt của Joe không chỉ biểu hiện ở cách anh ta dùng từ. Anh ta trích dẫn Nam Cao tả người đàn ông túng đói ôm mộng văn chương: “Nhưng cái mộng ấy cũng hơi…khỉ khỉ”. Joe bảo rất thích câu ấy.

Trong một entry vui về ẩm thực, phát hiện ra: “Tiếng Việt cho phép mô tả nhiều khía cạnh tình yêu, tình dục, bạo lực, bệnh tật mà chỉ dùng mỗi từ ẩm thực: Anh vẫn là thằng ăn ốc, hiểu chưa? Tôi chỉ đổ vỏ cho gọn. Mà anh vừa đi bóc bánh trả tiền phải không?Mất vệ sinh quá anh ơi. Để tôi tìm cho anh mấy chỗ toàn rau sạch, dinh dưỡng hơn nhiều. Anh chắc không muốn bị dính chôm chôm”.

Nói chung, nhà ngôn ngữ kiêm ma xó này khiến ta vừa buồn cười vừa phải xem lại mình, đã tinh thông tiếng mẹ đẻ đến đâu, và không chỉ có thế?

ĐHD: Nói thật lúc Joe mới xuất hiện tôi không để ý lắm. Bởi người Tây nói và viết tiếng Việt chẳng xa lạ gì với tôi. Đến khi đọc Ngược chiều vun vút, tôi giật mình. Joe giỏi quá!

Cách anh ta nhảy múa với ngôn từ, thật đặc biệt. Nói không ngoa thì hiếm nhà văn nội nào làm được thế. Joe viết trong Taxi lừa: “Tôi ít bị taxi lừa, ít bán đường cho các anh thèm của ngọt”, rồi “Tôi mở cửa là anh taxi chạy mất bánh”. Kiểu chơi chữ độc đáo, hài hước. Và vô cùng tự nhiên.

Cứ như thể tiếng Việt là những con cá nhỏ nhiều màu sắc chạy tách tách trong người Joe, khi nào cần, anh chàng huýt một cái là muôn màu rào rào túa ra. Kiểu viết mà chỉ những gã láu cá mới nghĩ ra. Tôi không biết văn tiếng Anh của Joe thế nào, đồ rằng anh chàng viết tiếng Việt giỏi hơn. Cái lém lỉnh cộng với sự cảm nhận tinh nhạy của Joe hợp sóng với ngôn ngữ Việt đa dạng, để anh chàng thỏa sức luyến láy những suy nghĩ “khỉ khỉ” của mình.

Joe viết: 30 chú xe ôm kêu chíp chíp… Biết đâu sắp tới anh chàng sẽ viết: 30 chị phê bình kêu chịp chịp quanh tác phẩm một thằng Tây (!)

DPV: Ngoài hài hước, tự nhiên như chị nói, ông Tây bún đậu này còn đầy biến hóa trong thủ pháp. Lúc tỉnh rụi lúc ngoa ngôn ngụy ngữ. Ngoa, ví dụ nghe bình luận bóng đá trên VTV, chỉ muốn nhai lá ngón! Tả hung thần lái xe đánh võng như sinh viên Bách khoa chơi Playstation 3, coi tính mạng mấy chục người giá trị ngang đĩa game. Phụ nữ Việt ế chồng bởi cứ ngồi căng khẩu hiệu “Chờ người đàn ông hoàn hảo” trong khi đàn ông Việt chỉ dám “Chờ người phụ nữ bình thường”, cuối cùng không ai hạnh phúc cả. Mắng các tay còi tay phải- những kẻ nạt nộ ai không chịu rẽ ngay: “Các phương tiện được phép rẽ phải không có nghĩa là phải rẽ phải. Tôi được phép lấy vợ Việt Nam không có nghĩa là lấy vợ Tây thì tôi sẽ bị công an văn hóa hành hung”…

Bìa cuốn “Ngược chiều vun vút”, Joe chọn Lê Hoàng đề từ cho mình: “Một chàng Tây viết hay hơn ta”- chẳng phải lập ngôn, nhả ngọc phun châu gì. Thế mới biết ai cũng có điểm yếu.

Được cái, đọc Joe, nghiệm ra không đề tài nào tầm thường. Joe viết về cái khăn tắm, về taxi lừa, về việc nên Hello hay Xin chào, về hội chứng Tây sợ Tết… Thế thôi nhưng đọc vui, và có ích. Thật là gương tốt cho ai hay than bí đề tài, “giá như không có ruồi” (Azit Nexin) sẽ có tác phẩm vĩ đại?

ĐHD: Trong cái nhỏ có cái to và trong cái to có cái nhỏ. Ta cho rằng đề tài Joe viết là nhỏ, kỳ thực chẳng bé tẹo nào. Hello hay Xin chào là cả bộ mặt đất nước, taxi lừa góp phần làm nên sự lụn bại của ngành dịch vụ, lụn bại niềm tin… Vấn đề Joe đề cập không hề tầm thường.

Tầm thường chăng là mấy bài báo chộp chuyện lộ hàng ca sĩ này diễn viên nọ mà báo chí đang nhai nhải hàng ngày. Những điều Joe viết có ích gâp vạn tiểu thuyết dăm bảy trăm trang bàn chuyện vĩ mô mà nhạt toẹt. Tôi nghĩ khoa Báo chí ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nên mời Joe thỉnh giảng. Lợi lộc sẽ nghiêng về phía sinh viên. Mà có lẽ là khó…

MỚI - NÓNG