> Xem xét đề án tái cơ cấu kinh tế
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức.
“Có thể phải hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch, có thể thấp hơn so với trước đây. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương; những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét” - Ông Vinh nói.
DNNN phải cạnh tranh bình đẳng
Đề án của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 cần hướng đến mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, đồng thời, chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang thời tăng trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố gia tăng năng suất, gia tăng hiệu quả.
Trong 5 năm tới (2011-2015), ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu DNNN. Chính phủ nhấn mạnh, các DNNN sẽ được sắp xếp lại, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính.
DNNN sẽ phải chịu sự áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc cạnh tranh bình đẳng như các DN khác. Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động, hiệu lực quản trị, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương của quản lý nhà nước, đảm bảo nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương từng bước sẽ theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Cần xây dựng hệ thống thể chế với ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các DN phải cạnh tranh bình đẳng” - Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Chính phủ nhận định, tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
Ngoài ra, có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển.
Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn DN, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều DN yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ.
“Vì vậy, cần phải có các giải pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác” - Ông Vinh cho biết.
Cần có cơ quan chịu trách nhiệm
Báo cáo một số vấn đề về Đề án, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng: “Cần hình thành một tổ chức chịu trách nhiệm giúp QH, Chính phủ thực hiện Đề án này. Nếu cần thiết, QH xem xét, trao cho tổ chức này một số thẩm quyền nhất định để thực hiện nhiệm vụ”.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết. Ủy ban Kinh tế cho rằng, 13 nhóm giải pháp của Chính phủ chưa có sự gắn kết, chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường.
Cần bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế, vùng kinh tế, hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng cần dựa trên việc lựa chọn những vùng có lợi thế phát triển để lan tỏa làm động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển.
Cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể nền kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành động lực phát triển.
Ủy ban Kinh tế đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần theo ngành, lĩnh vực, vùng, xác định rõ thứ tự ưu tiên, chủ thể thực hiện và lộ trình thực hiện tái cơ cấu có bước đi hợp lý tránh gây đột biến lớn với khung thời gian cụ thể là đến năm 2020.
Ý kiến cử tri Luật sư Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phải sửa Luật Đất đai Tôi mong muốn tại kỳ họp lần này các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ bàn nhiều và sâu về những vấn đề bức xúc và hạn chế hiện nay của Luật Đất đai, một trong những nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ khiếu nại tố cáo trong thời gian qua. Luật pháp phải làm sao bảo vệ được quyền lợi của người dân, đặc biệt là những người nông dân có đất bị thu hồi, phải làm sao để việc thu hồi đất không tiếp tục tạo nên những mầm mống cho sự bất ổn định xã hội trong thời gian tới. TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ KH&ĐT Chính sách đang bị nhóm lợi ích chi phối Điều tôi quan tâm tại kỳ họp lần này là việc thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Cá nhân tôi không kỳ vọng nhiều vào đề án vì hiện nay các chính sách của chúng ta đưa ra luôn bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, đặc biệt là khi thực hiện trong thực tế, nhiều khi chính sách đưa ra là đúng, là hợp lý nhưng khi thực hiện lại bị méo mó đi rất nhiều. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chúng ta hiện nay không cao vậy nên để đánh giá hiệu quả thực chất cũng rất khó. Vụ việc liên quan đến Vinalines mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tham nhũng, thất thoát tiền của tại các DN Nhà nước. Đây là một trọng tâm trong tái cấu trúc nền kinh tế nhưng thời gian qua chúng ta làm không được bao nhiêu. Một nhóm lợi ích đang “trục lợi” rất lớn trên sự khốn khó của DN chính là các ngân hàng lớn. Với mức chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay cao, các ngân hàng này vẫn ngày càng kếch xù mặc cho hàng ngàn DN phải phá sản. Nhưng kiểm soát được nhóm lợi ích các ngân hàng này quả là một điều không dễ, cần đến một bàn tay mạnh mẽ của những nhà lãnh đạo quản lý có trách nhiệm với đất nước. Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Thất nghiệp và khó khăn của người dân Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để hạ lãi suất ngân hàng trong thời gian qua nhưng thực tế các DN vẫn rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Điều đáng suy nghĩ là trong khi các DN nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn thì các Tập đoàn Nhà nước dường như vẫn được ưu ái về vốn trong khi hiệu quả sử dụng dường như chúng ta không nắm rõ được như thế nào. Giá cả vẫn đang ngày càng có xu hướng tăng lên làm tăng gánh nặng cho cuộc sống những người nông dân. Tôi mong các ĐBQH sẽ nghe được tiếng kêu cứu của họ để đưa lên bàn nghị sự cấp cao của QH và Chính phủ. |
“Đối với lĩnh vực đất đai, các ý kiến cho rằng sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm việc sử dụng đất mang tính ổn định, dài hạn bằng việc xác định rõ chủ thể sở hữu theo Hiến pháp, phân biệt rõ quyền của người sử dụng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng với quyền quản lý nhà nước của chính quyền các cấp”. - Báo cáo của Ủy ban kinh tế |