Hy Lạp thời khốn khó

Tranh mua từng bao khoai tây
Tranh mua từng bao khoai tây
TP - Đất nước huy hoàng thời cổ đại, nổi tiếng với nền văn minh và văn hóa Hy-La rực rỡ, đang trong cảnh chạy ăn từng bữa. Người dân phải lo kiếm từng kilôgam khoai tây cho gia đình sống qua ngày.

> Hy Lạp nhận gói cứu trợ mới 130 tỷ Euro

Đã xuất hiện cái gọi là "phong trào khoai tây": hàng ngàn tấn khoai tây và sản phẩm nông nghiệp được nông dân mang bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bỏ qua mọi kênh phân phối thông thường. Hiện tượng này đang phổ biến khắp nơi trên đất nước của thần Zeus.

Phong trào khoai tây

Hy Lạp thời khốn khó ảnh 1
 

Phong trào khoai tây là một trong những cách người Hy Lạp nghĩ ra để tự cứu nhau, khi đất nước bước vào năm suy thoái thứ 5 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21% và hơn một nửa số thanh niên vô công rồi nghề.

"Việc đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người", giáo sư kinh tế Kamenides, người cũng đang chen chúc trước chiếc xe tải 25 tấn chở đầy khoai tây, hành. Bên cạnh là những xe tải nhỏ hơn chở gạo và dầu ôliu.

"Người tiêu dùng mua được hàng với giá chỉ bằng 1/3 mua ở chợ truyền thống và người bán cũng nhận được tiền ngay", ông nói.

Việc mua bán trực tiếp là sáng kiến của Kamenides và các cộng sự, nhưng đòi hỏi sự can dự của chính quyền. Đầu tiên, người dân đăng ký với chính quyền thị trấn muốn mua loại hàng gì (thường là thực phẩm).

Chính quyền sẽ thông báo với nhóm của vị giáo sư kinh tế về số lượng thực phẩm theo nhu cầu. Nhóm của Kamenides sẽ tập hợp nông dân để xem họ có thể đáp ứng những gì và cung cấp đến mức nào.

Chỉ trong 4 ngày, dân ở một thị trấn như Katerini (thuộc thành phố Thessaloniki, lớn thứ hai ở Hy Lạp) đã mua hết bay 24 tấn khoai tây. Để được mua, 534 hộ gia đình đã đăng ký từ trước.

"Phong trào khoai tây" là một trong những cách người Hy Lạp nghĩ ra để tự cứu nhau, khi đất nước bước vào năm suy thoái thứ năm liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21% và hơn một nửa số thanh niên vô công rồi nghề.

Bác sĩ và y tá đụng độ cảnh sát khi biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách
Bác sĩ và y tá đụng độ cảnh sát khi biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách.

Lương tối thiểu cũng bị cắt từ 750 euro còn 500 euro/tháng. Lương của một nữ giáo sư vật lý, dạy cùng trường với Kamenides trước đây là 33.000 euro/năm.

Năm ngoái tụt xuống 22.000 euro, trong khi phải đóng thuế nhiều hơn. "Bây giờ chỉ cần tiết kiệm được 10 euro khi mua một bao khoai tây tôi cũng mừng lắm rồi", bà nói.

Trong những thời khắc khốn khó, tinh thần lá lành đùm lá rách của người dân lắm khi được bộc lộ ở những nơi không ngờ. Bây giờ, những ai còn đủ điều kiện kinh tế và ít nhiều còn thảnh thơi đến rạp hát, sẽ trả cho nhà hát thực phẩm thay cho tiền vé.

Sau đó, số thực phẩm thu được sẽ được chuyển tới các cơ sở từ thiện trong thành phố. "Mọi người đều biết là Hy Lạp đang trong tình cảnh rất, rất khốn khó, giám đốc nhà hát lớn thành phố Thessaloniki nói. Chúng tôi muốn mọi người cùng dang tay giúp đỡ người khác, những người đang đói khát”.

Tuy nhiên, ông cũng nói, hệ thống nhà hát ở Hy Lạp đang lâm nguy: "Trên khắp đất nước, rạp hát, rạp chiếu phim đóng cửa hàng loạt. Bây giờ chúng tôi còn cầm cự được nhưng ngày mai thì chưa biết ra sao. Rồi sẽ chẳng ai có tiền đến rạp nữa. Chúng tôi có ghế ở mức cực rẻ, 10 euro, nhưng nó cũng là quá nhiều đối với một số người. Vẫn mong là ngày mai người ta còn đến rạp, mang theo vài hộp súp, một gói bánh pasta".

Rao bán điện Parthenon (công trình tôn giáo nổi tiếng của Hy Lạp, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên)
Rao bán điện Parthenon (công trình tôn giáo nổi tiếng của Hy Lạp, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên).

Nhưng những đóng góp của các nghệ sỹ kia không đủ làm dịu cơn đói khát của dân chúng. Những ngày này, giáo viên thể dục nhiều vùng ở Hy Lạp đã không bắt buộc học sinh phải thực hiện các bài thể dục giữa giờ nữa, đơn giản là nhiều em quá đói và chóng mặt.

Một số giáo viên đã phải bí mật đưa tiền cho căng-tin nhà trường, bố trí khéo léo cho các em mỗi đứa một gói “bim-bim” chống đói, bởi chúng rất dễ tủi thân và xấu hổ.

Hội phụ huynh cũng nhảy vào, huy động tiền bạc từ những nhà còn dư dả nhằm lo cho những em nhà nghèo một cách bí mật.

Đói thì đầu gối phải bò: ngoài việc mua tận gốc, nhiều người dân Hy Lạp hè nhau “mặc cả hội đồng” ở các siêu thị, cùng hè nhau trốn đóng lệ phí giao thông. Các chợ trời mọc ra khắp nơi, đặc biệt một phương thức mua bán thời xã xưa được tái hiện: hàng đổi hàng, không dùng tiền. Việc này giúp họ trốn thuế VAT.

Marie Le Du, một người dân ở ngoại ô phía bắc thủ đô Athens mô tả: Những ngày này, người dân của thị trấn Kifissia, từng được coi là giàu có, cũng quay cuồng với sự khốn khó.

Dù cũng có nhiều người cố tỏ ra “không có vấn đề gì”. Ai cũng tìm cách ngụy trang sự túng quẫn dù bụng đang đói, các loại hóa đơn đang nợ và khí gas sưởi ấm cũng đã bị cắt.

HIV và sốt rét

Không chỉ bị cái đói hành hạ, người dân Hy Lạp nay phải đối mặt tình trạng gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS và sốt rét, do kinh phí cho y tế bị cắt giảm lớn. Số người dùng ma túy nhiễm HIV tăng tới... 1.250% chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011 so với năm trước đó, trong khi sốt rét trở thành dịch ở các tỉnh thành phía nam, lần đầu tiên tính từ thời giới quân sự còn cầm quyền (kết thúc trong những năm 1970).

Với 40% cắt giảm kinh phí y tế, rất nhiều y bác sỹ thất nghiệp và hệ thống y tế Hy Lạp bị tê liệt, nếu không nói là đã sụp đổ.

Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh ở bệnh viện công tăng 24% trong năm ngoái, đơn giản vì ít người còn tiền đi khám chữa bệnh ở phòng khám, bệnh viện tư.

Sự lan tràn HIV ở Hy Lạp được cho là bắt nguồn từ việc hủy bỏ chương trình phát kim tiêm miễn phí. "Cũng là lần đầu tiên ở Hy Lạp chúng tôi thấy sự phổ biến của hiện tượng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều lẽ ra chỉ thấy ở tiểu vùng Sahara-châu Phi, chứ không phải châu Âu", một quan chức y tế nói.

Không chỉ HIV hay sốt rét, số bệnh nhân lao cũng tăng lên nhanh chóng ở những nhóm di dân. Theo các chuyên gia, đây là biểu hiện của sự sụp đổ các hệ thống y tế dự phòng bởi sốt rét hay lao đều chữa được. Chúng chỉ phổ biến khi hệ thống chăm sóc sức khỏe có vấn đề.

Lương của tôi trước đây là 33.000 euro/năm. Năm ngoái tụt xuống 22.000 euro, trong khi phải đóng thuế nhiều hơn. Bây giờ chỉ cần tiết kiệm được 10 euro khi mua một bao khoai tây tôi cũng mừng lắm rồi" - Một nữ giáo sư vật lý

Xuân Thủy
Tổng hợp từ Guardian

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.