> “Đừng nói ít tiền thì không làm được phim tử tế”
Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1931 tại Hà Nội. Bà trở thành một trong những phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam. |
Lịch sử ngành phát thanh Việt Nam có dấu ấn của một nhân vật đặc biệt: nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ. Người con gái sinh ra từ phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, chỉ với giọng đọc tiếng Anh “chết người” của mình, đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt. Cũng bởi sức hút hơn người và bí ẩn ấy, bao bọc xung quanh người con gái Hà Nội này là vô số những câu chuyện thi vị không dễ mấy người biết tới.
Mang trên mình cái tên chân chất, đầy dân dã, nhưng trên thực tế, Trịnh Thị Ngọ là “tiểu thư nhà giàu” đúng nghĩa. Bởi bà là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức.
Con nhà giàu, lớn lên ở phố cổ nên Trịnh Thị Ngọ được “trang bị” đầy đủ công dung ngôn hạnh từ tấm bé. Con nhà tư sản, tư tưởng nặng về “Âu hóa” nên chẳng lạ khi cô con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm tiếng Anh bên ngoài của bà Lucine Hà Văn Vượng. Giá của việc học tiếng Anh hồi đó không hề rẻ, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học thứ ngoại ngữ đặc phương Tây như Trịnh Thị Ngọ đích thị là của “độc, hiếm” thời đó.
Sau đó ít lâu, chuyện không ngờ đã xảy đến với gia đình bà khi cha bà, ông Trịnh Đình Kính bị bắt giam ở Hỏa Lò vì đã ủng hộ cách mạng. Mọi tài sản đều bị mất hết. Lúc này, mọi trách nhiệm được đặt lên vai của cô gái Trịnh Thị Ngọ.
Trong thời gian cách mạng tháng 8 diễn ra tại Hà Nội, bà Ngọ cũng như rất nhiều người dân yêu nước lúc bấy giờ, tham gia một cách nhiệt tình vào các hoạt động cứu chữa thương bệnh binh, tiếp tế nuôi quân cách mạng.
Nói về việc học tiếng Anh từ sớm của mình, bà Trịnh Thị Ngọ không ngại thổ lộ rằng thực ra lúc đầu bà học tiếng Anh chỉ là do “cha bà muốn vậy”. Nhưng rồi, không lâu sau đó, thứ ngôn ngữ còn xa lạ với đa phần người dân Việt thời bấy giờ đã trở thành niềm đam mê. Sự chuyển hướng đột ngột ấy bắt đầu từ niềm say mê vô tận của bà đối với những bộ phim Mỹ, trong đó đặc biệt là tác phẩm điện ảnh kinh điển “Cuốn theo chiều gió”.
Bà từng xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Mê phim đến độ, Trịnh Thị Ngọ muốn mình có thể tự nghe, tự hiểu những gì mà các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch. Thế nên, cô thiếu nữ cá tính quyết định học tiếng Anh và học giỏi thứ ngôn ngữ này, cũng vì lẽ đó.
Hình ảnh bà Ngọ trên báo Mỹ năm 1966. |
Năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.
Bà được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận, tức là chương trình dành cho các binh sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Thời điểm này, chiến trường miền Nam đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Mỹ chuyển sang loại hình chiến tranh mới, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình này, lúc đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”.
Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ được giao nhiệm vụ trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Cũng từ đó, tên tuổi của Trịnh Thị Ngọ gắn liền với chương trình phát thanh cho các binh sĩ Mỹ với cái tên Thu Hương.
Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...” Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5-6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà có 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe.
Giọng đọc của bà Ngọ trong chương trình "Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ"
Trong các phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy, có lẽ không ai sở hữu cho mình nhiều tên gọi, biệt danh như Trịnh Thị Ngọ. Về danh xưng Thu Hương, bà Ngọ tiết lộ: "Cái tên Trịnh Thị Ngọ có hai dấu nặng nên rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Tôi đã chọn tên Thu Hương vì Thu Hương là tên một cô bạn gái rất thân. Sau này, tôi chọn tên cô ấy cho cả con gái của mình".
Nhưng nổi tiếng hơn cả, thậm chí đã trở thành huyền thoại là nickname "Hannah Hanoi". Về cái tên này, bà Ngọ lý giải: "Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Tôi cũng đoán sự chơi chữ của lính Mỹ, VC là Việt Cộng, họ cũng gọi là Victor Charlie, Jane Fonda sang Việt Nam cũng được gọi là Hà Nội Jane. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội, nên gọi là Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp, cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội".
Số biệt danh của bà Ngọ chưa phảai đã hết. Bị giọng đọc của bà mê hoặc, lính Mỹ gọi bà là “phù thủy”, là "nàng tiên cá". Thậm chí, có những binh lính Mỹ đã thốt lên rằng: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là mụ phù thủy, hay là quỷ sứ?”.
Trong cảm nghĩ của đa phần của những lính Mỹ là thính giả của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” thời ấy, Trịnh Thị Ngọ là người đàn bà có giọng nói phù thủy. Người đàn bà sở hữu một giọng nói mà họ “vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe”. Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội để trở về quê hương.
Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đã nói: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sĩ ở Hạm đội 7, binh sĩ ở Thái Lan cũng như ở miền Nam Việt Nam không được nghe chương trình của "Hannah Hanoi". Chiến tranh kết thúc, chương trình cũng kết thúc, nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu những buổi phát thanh của bà.
Hiện bà Ngọ đang sống trong TP HCM. |
Sức hút đó đến từ nội dung của mỗi câu chuyện bà kể. Từ chuyện gia đình của những người lính Mỹ tại quê nhà đến chuyện những người phụ nữ Việt Nam mất chồng con do bom đạn, hoặc suy nghĩ của những người lính Việt Nam sau một trận đánh. Đó còn là cả những điều lo sợ của lính Mỹ sau mỗi trận càn quét, đánh nhau.
Nhưng sức hút lớn nhất vẫn là từ giọng đọc của bà Trịnh Thị Ngọ. Bà Trịnh Thị Ngọ tiết lộ: "Nguyên tắc đọc tin của tôi là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn. Chọn từ ngữ cần dùng cho phù hợp. Với những cuộc trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tôi không gọi là kẻ thù (enemy) mà gọi là đối phương (adversary). Các anh ở bên quân đội viết tin bằng tiếng Việt, tôi là một trong số những người chuyển ngữ sang tiếng Anh. Khi đề cập thời sự cuộc chiến, tôi thường dẫn thêm lời báo chí Mỹ để thông tin có phần khách quan. Thông điệp mà tôi cố gắng truyền đạt đến từng lính Mỹ là: Các anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!".
Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói TP HCM.
Hiện bà hơn 80 tuổi nhưng câu chuyện về bà, về "Hannah Hanoi", người phụ nữ có giọng nói ma quỷ, giọng nói huyền thoại hay “nàng tiên cá của binh sĩ Mỹ” vẫn được nhiều người nhắc đến.
Trích Gặp lại Hannah Hà Nội của Lê Thị Thái Hòa