Huyền Chíp chia sẻ về đào tạo khoa học máy tính

Huyền Chíp chia sẻ về đào tạo khoa học máy tính
TPO - Tại sự kiện Ngày thứ Tư Công nghệ, diễn giả Huyền Chíp (Nguyễn Thị Khánh Huyền, ĐH Stanford, Hoa Kỳ) đã chia sẻ câu chuyện về Đào tạo Khoa học Máy tính - Những bài học từ Thung lũng Silicon.

Từ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình học tập, giảng dạy ngành này tại ĐH Stanford cũng như qua quá trình làm việc tại Silicon Valley, Huyền Chip khẳng định bất cứ ai cũng nên tìm hiểu về CS. "Những hiểu biết về CS sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho dù chuyên ngành chính của bạn là gì", Huyền Chip nhấn mạnh.

“Mọi người thường nghĩ CS khó, nhưng thực chất, nó chỉ là một dạng ngôn ngữ, thế nên người ta mới gọi là ngôn ngữ lập trình. Ban đầu, khi sang Standford, tôi thích viết lách nên muốn học về văn. Nhưng khi tiếp xúc với CS, thấy những thú vị của ngành này nên rẽ ngang” – Huyền Chíp nói.

Theo Huyền Chip nếu như ở Việt Nam tin học vẫn được coi là một "môn phụ" thì tại Hoa Kỳ CS được coi là một trong những môn học quan trọng hàng đầu. Tại ĐH Stanford có đến trên 90% sinh viên theo học một môn CS nào đó trong khi ở VN, học sinh và các bậc phụ huynh dường ít quan tâm đến tin học vì nó không nằm trong chương trình tuyển sinh Đại học.

Khảo sát nhanh của Cốc Cốc cho thấy có 34.27% sinh viên cho rằng CS "không quan trọng gì mấy" trong khi chỉ có 16.3% cho rằng CS vô cùng quan trọng. Huyền Chip khẳng định  đây là một quan niệm cần được thay đổi vì thực tế ngày nay bất cứ chuyên ngành nào từ vật lý đến văn chương đều cần đến những kiến thức về CS.

Huyền Chip cho hay, tại Hoa Kỳ 84% các bậc cha mẹ cho rằng CS ít nhất cũng là một môn học quan trọng cần có cũng như toán học, khoa học, lịch sử; 60% giáo viên và nhà quản trị cho rằng CS cần phải được trang bị nếu có điều kiện. Trong thế kỉ 21 mỗi đứa trẻ cần phải có cơ hội được học về thuật toán, cách làm các ứng dụng trên thiết di động (app) hay học về cách thức vận hành của internet. Những kiến thức này cũng cần thiết như việc các em học về quang hợp, hệ tiêu hóa, hay điện...

Đã đến lúc không thể “tảng lờ” môn tin học

Theo diễn giả của ĐH Stanford, đã đến lúc không thể "tảng lờ" môn tin học được nữa…Theo Huyền Chip, những bước tiến trong ngành CNTT đã và đang tác động to lớn đến tất cả các khía cạnh cho cuộc sống. Sự phát triển về công nghệ làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển.

"Tại Silicon Valley rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. Bạn có thể thấy chúng trên đường hàng ngày. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi việc các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái. Tương tự nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi mà các máy dịch tự động ngày càng thông minh hơn. Nếu không nắm bắt được xu hướng, rất có thể chúng ta sẽ tụt hậu rất sâu về phía sau hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp", Huyền Chip nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân mà các sinh viên không thích môn Tin học là do cách dạy còn chưa hấp dẫn. Một khảo sát của Cốc Cốc trên hơn 600 học sinh, sinh viên từ 10-35 tuổi cho thấy ba lý do chính khiến người học không thích học môn Tin là: quá khó hiểu (42%), không thích giáo viên (24.1%), môn học nhàm chán (19.6%). Từ những thực tế trên Huyền Chip cho hay cô có ý định mở một khóa học online tương tự như chương trình mà cô đang tham gia trợ giảng dạy tại ĐH Stanford về tư duy lập trình.

"Đây không phải là những kiến thức cao siêu gì mà là những kiến thức hết sức cơ bản để mọi người quen với khoa học máy tính. Khoá học này được mô phỏng tương tự chương trình đào tạo về CS của ĐH Stanford, giúp mọi người hiểu được rằng nếu có đam mê và sự quyết tâm thì bất cứ ai cũng có thể học tập, sử dụng những công cụ mà ngành khoa học máy tính mang lại". Huyền Chip cho hay khóa học “Lập trình đi” do cô thực hiện dự kiến sẽ được bắt đầu vào 6/2018 và hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.