Huyền bí Thánh địa Cát Tiên

Huyền bí Thánh địa Cát Tiên
TP - Thánh địa Cát Tiên đang hiện diện tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong một cuộc trưng bày kéo dài tới tận tháng 4 năm sau.
Huyền bí Thánh địa Cát Tiên ảnh 1
Gạch xây tháp TK 7-9, Cát Tiên

Những phát hiện và các cuộc khai quật khảo cổ học ở Lâm Đồng từ năm 1983 đến nay đưa đến kết quả bất ngờ, gây chấn động lớn trong giới khoa học, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ về vùng đất Nam Tây Nguyên này, đặc biệt là sự xuất lộ của khu Thánh địa Cát Tiên và di chỉ tiền sử Phù Mỹ.

Cả 2 di tích đều phân bố dọc theo tả ngạn sông Đạ Đờng (sông Cái) - một trong hai nguồn của sông Đồng Nai.

Theo TS Nguyễn Tiến Đông, đây là quần thể di tích xây gạch ảnh hưởng Bà la môn giáo, trông giống tháp Chăm, nhưng không sừng sững trên nặt đất mà chìm lấp đâu đó dưới lòng đất và bụi rậm.

Đúng ra, phải gọi là phế tích. Giới khoa học thu được 1.140 hiện vật từ 8 đợt khai quật khá độc đáo, gồm vàng, bạc, đá quý, gốm sứ, đồng, sắt, gạch ngói và đá.

Nhà khảo cổ đánh giá linga và yoni (sinh thực khí của nam và nữ) tìm thấy ở đây lớn nhất Đông Nam Á, có một số mẫu cao tới 210 cm, và bằng nhiều chất liệu: sa thạch, thạch anh, bạc bọc đồng, đồng lõi đá...

Sự phổ biến của linga-yoni cùng hình bò Nadin, rắn thần, tượng Ganesa chứng tỏ Thánh địa mang đậm tính Bà la môn giáo, chính xác hơn là Hindu giáo.

Các nhà khoa học Pháp đã không phát hiện ra di tích khảo cổ học Nam Cát Tiên dù Nam Tây Nguyên không phải là địa bàn xa lạ với họ. Công này thuộc về giới khảo cổ Việt Nam và được coi là “phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam thế kỷ 20”.

TS Đông nói: “Thánh địa tồn tại vào khoảng thế kỷ 8- 10, chủ nhân của nó là ai xin để chúng tôi bàn cãi và tranh luận. Nhưng theo tôi đây là nơi cư trú của một cộng đồng rộng lớn, tôi chưa dám nói là của người Mạ, Stiêng hay không”.

Tuy nhiên, theo báo cáo khai quật lần thứ 6 của TS Đào Linh Côn và TS Bùi Chí Hoàng, “Quần thể di tích Cát Tiên có quy mô lớn, mang đặc điểm của một quốc gia cổ, có sự phát triển khá sớm, có quan hệ rộng rãi với nhiều nền văn hóa khác ở vùng Nam Đông Dương và thế giới bên ngoài. Niên đại của di tích được đoán định vào thế kỷ 4-9 sau Công nguyên”.

Giới khảo cổ còn chùng chình khi phát ngôn về Thánh địa. Trả lời Tiền phong, TS Nguyễn Tiến Đông không khẳng định liệu còn tiến hành cuộc khai quật mở rộng nào nữa ở khu vực lân cận Thánh địa hay không.

TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng tư liệu hóa một cách cao nhất những gì thu được.

Nếu tiếp tục khai quật và với tình trạng bảo quản như hiện nay, sẽ rất khó khăn. Hội đồng di sản quốc gia cũng đồng ý là không khai quật nữa.

Thánh địa Cát Tiên được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1997, gần đây được Hội Di sản văn hóa Việt Nam xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

MỚI - NÓNG