Hơn 5.000 hộ dân hiến đất làm đường
Trong giai đoạn 2021-2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện An Dương đã tích cực vào cuộc, chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, đặc biệt biệt là vai trò của cấp ủy chi bộ và các hộ gia đình tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Giai đoạn này, 158 công trình (giao thông, điện chiếu sáng ngõ xóm, trường học, nhà văn hóa) được đầu tư bằng nguồn vốn trực tiếp NTM của thành phố và huyện với tổng kinh phí hơn 1.880 tỷ đồng. Trong đó, 89% nguồn vốn ngân sách từ thành phố, số vốn đầu tư còn lại là từ ngân sách huyện.
Huyện An Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 |
Đại diện lãnh đạo UBND huyện An Dương cho biết, giai đoạn 2021-2022, huyện đã triển khai 67 công trình tại 7 xã (Quốc Tuấn, An Hòa, Đặng Cương, An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong) với tổng nguồn lực hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, 53 công trình đường giao thông và điện chiếu sáng, tương ứng 105km; 14 công trình về giáo dục, văn hóa. Đến nay, 100% công trình đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng.
Năm 2023, địa phương đã triển khai 4 dự án, với 91 công trình NTM kiểu mẫu tại 4 xã (An Hưng, Đại Bản, Tân Tiến, Bắc Sơn). Trong đó, tập trung làm đường giao thông, điện chiếu sáng ngõ xóm, trường học, nhà văn hóa xã và thôn.
Nửa cuối nhiệm kỳ, huyện An Dương tập trung xây dựng 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu |
Theo lãnh đạo huyện An Dương, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực xây dựng NTM thì còn có sự đóng góp rất lớn của người dân tại các xã trên địa bàn trong việc hiến tặng đất, giải tỏa vật kiến trúc trên đất.
Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có hơn 5.000 hộ dân hiến tặng hơn 84.800m2 đất, trong đó 61,3% diện tích là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp; ước tổng số tiền quy đổi của các hộ dân hiến tặng đất khoảng 550 tỷ đồng.
Điển hình tại xã Hồng Thái có 448 hộ, là xã có số hộ dân hiến đất nhiều nhất, xã Quốc Tuấn có số diện tích đất hiến tặng lớn nhất (hơn 19.500m2). Phần lớn đất người dân hiến được chính quyền sở tại làm đường giao thông rộng 9m hoặc 7m để làm hạ tầng phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM kiểu mẫu
Theo đại diện lãnh đạo huyện An Dương, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện đạt 15/15 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Do đó, giai đoạn nửa cuối nhiệm kỳ (2023-2025), địa phương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tập trung ưu tiên hoàn thành NTM kiểu mẫu cho 11 xã: An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong, An Hưng, Đại Bản, Bắc Sơn, Lê Lợi, An Đồng, Nam Sơn.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Giai đoạn 2021-2023, huyện An Dương có 158 công trình giao thông, điện chiếu sáng, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư bằng vốn trực tiếp nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 1.880 tỷ đồng |
Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; nâng cao đời sống văn hóa nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn “sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”...
Đồng thời, huyện An Dương cũng xác định một số giải pháp chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đó là, thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu theo quy hoạch đã được phê duyệt, chương trình phát triển đô thị huyện và Đề án nâng loại đô thị huyện lên cấp quận vào năm 2025 theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố.
Tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu, ưu tiên bố trí đủ nguồn ngân sách. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối nông thôn với thành thị; hoàn thiện hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cảnh quan, môi trường...
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Trọng tâm: xây dựng bản đồ số nông nghiệp; xây dựng chính quyền số gắn với Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn...
Tính đến hết tháng 6/2023, huyện An Dương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện An Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2023, huyện có 8/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đến năm 2025 100% các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.