Hữu Loan và những người đàn bà thứ hai

Hữu Loan và những người đàn bà thứ hai
TP - Ít người biết, Hữu Loan có một người con riêng. Trong cuộc đời lận đận nhưng tài hoa của ông, xuất hiện không ít những bóng hồng, nhưng ông vẫn trọng thị và gắn bó suốt đời với vợ - bà Phạm Thị Nhu, người phụ nữ tần tảo vì chồng vì con mà ông đã tặng bà câu thơ “tóc dài vương hoa lúa”.
Hữu Loan và những người đàn bà thứ hai ảnh 1
Hữu Loan và người bạn đời Phạm Thị Nhu

Nhà thơ hai lần đặc sắc

Đêm 18-3, tôi ngồi nghe chương trình độc tấu ghita của nghệ sĩ Văn Dỵ ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Cứ thấy nóng ruột mà không biết chuyện gì. Văn Dỵ vừa biểu diễn xong bài cuối cùng, tôi vừa mở máy ra, thì đúng lúc Đán báo tin, cha anh vừa mất lúc 18giờ45. Anh đang trên đường từ Hà Nội về nhà. Tôi vội báo tin.

Người đầu tiên phải gọi là ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh, vì chính ông sẽ phải chuẩn bị một bài điếu văn và thế nào ông cũng đến với người mất như trước nay ông vẫn làm thế. Người thứ hai là nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, bởi thế nào báo  cũng phải có vài bài về hội viên này...

Anh Hữu Thỉnh kể, chưa bao giờ có một lễ tang cập rập đến thế. Lại đang bận, bận không thể tưởng tượng được. Nhưng cũng như bao đám tang khác, và với đám tang này, thế nào cũng xếp tất cả lại để đi bằng được. Nhận tin trong đêm, sáng ra đã phải lên đường ngay mới kịp. Còn điếu văn ư? Vừa đi đường vừa nghĩ, được ý nào lại nguệch ngoạc lên giấy kê trên đùi.

Đến Hà Trung, anh đề nghị hai người đi cùng là nhà thơ Nguyễn Hoa, Phó trưởng ban Hội viên và nhà văn Đặng Ái, phụ trách trang tin điện tử Hội Nhà văn, nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, mượn cho anh một cái bàn ăn để viết. Gạch, xóa, đọc lại, lại lấy lại cụm từ đã xóa, thêm câu này, thêm đoạn nữa. Xong.

Cũng lúc ấy, ở nhà, Hữu Đán (con trai út của Hữu Loan) cầm trên tay bài điếu văn do xã chuẩn bị. Bằng những câu mộc mạc, xã cũng kể Hữu Loan đã tham gia cách mạng thế nào, lại nói mắc bệnh hiểm nghèo được gia đình và các thầy thuốc tận tình cứu chữa nữa chứ...

Đoàn nhà văn Việt Nam vừa vào, Đán đã mời đại diện chính quyền xã cùng mình ra đón và trao đổi về chuyện điếu văn. Ông đại diện xã còn trẻ cũng thành thật nhận rằng, hiểu biết của mình có hạn, đề nghị nhà thơ Hữu Thỉnh cáng đáng giúp cho.

Cũng như bao nhiêu hội viên khác mà Hữu Thỉnh đã tự tay viết và đọc điếu văn, ông luôn có con mắt thấu thị, thấu suốt con người và sự nghiệp của hội viên mình, nên bao giờ cũng có những lời đánh giá chí lí, chí nghĩa, chí tình.

Với Hữu Loan là: “Ông là nhà thơ hai lần đặc sắc. Đặc sắc ở hồn quê và đặc sắc trong khí phách... Thơ Hữu Loan là sở hữu tinh thần hôm qua, hôm nay và mai sau của chúng ta”.

Lễ tang ông cũng độc đáo, như ông độc đáo trong lễ cưới mình với bà Lê Đỗ Thị Ninh. Ông theo đạo Phật (tuy chẳng đi lễ chùa bao giờ) nên trong đám tang cũng có phường kèn bát âm theo phong tục, sống dầu đèn, chết kèn trống.

Có điều lạ là, có tới ba dàn kèn đồng với đủ loại kèn, trống con, trống cái, lễ phục trắng toát từ đầu tới chân của mấy xứ đạo Thiên Chúa đến tấu nhiều bài kèn tiễn biệt ông. Có một dàn nhạc với trang phục sang trọng, về Hà Nội, một ông nói với tôi, là dàn nhạc của Hội Cựu chiến binh.

*

*    *

“Tôi đẻ ba đứa ở Hà Nội, cũng gạo Nhà nước đấy, nhưng đói lắm, mà cũng chỉ có rau muống chấm nước mắm thôi. Rồi vợ chồng dắt díu về quê. Đẻ đứa thứ tư, đứa thứ năm. Hơn hai ngày đã phải dậy tráng bánh bán. Đẻ đứa thứ sáu, bốn ngày cũng đã phải dậy tráng bánh bán. Đẻ thằng Đán, ba ngày liền không một hột cơm nào vào bụng, toàn đu đủ xanh luộc chấm muối thôi” - Bà Phạm Thị Nhu nhớ lại.

Tôi chưa được gặp cả mười người con của bà, nhưng Đán thì giống bà đặc biệt. Giống ở gương mặt bầu tròn mà họa sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vẽ tặng bà một bức ký họa lớn vẫn treo trên tường nhà. Giống ở nước da trắng hồng mịn màng như da con gái, mắt nâu, tóc nâu, khác hẳn anh trai đầu giống bố ở gương mặt rắn rỏi, quắc thước. Đán chỉ giống bố ở tính cách, bản lĩnh, nghị lực.

Bà Nhu lại kể, ngày mang bầu Đán, người ta ốm nghén thì thèm bún ốc, hay bún chả hay gì gì khác, mình chỉ nghén cơm. Mà cơm thì... nhà chả còn hột gạo nào.

Đẻ con Chung (con gái thứ sáu) chỉ một ngày sau đã phải đi chợ. Gánh đôi quang thúng không đi chợ. Vậy mà lúc về, một gánh nặng thóc gạo. Tiền đâu mà đong được? Người ta bán chịu cho thôi. Họ ế hàng, ngại gánh về, bán chịu còn hơn.

Mà bán cho bà Tú Loan thì không lo gì cả. Gánh gạo ấy, vợ chồng con cái sẽ xay thành bột, khi thì làm bánh đa, bánh cuốn, khi là bún, bánh đúc đem ra chợ bán, hay đổi gạo. Lấy công làm lãi, được đồng nào trả tiền nợ gạo. Chồng con được ăn bún ế, bánh ế, con lợn được ăn nước vo.

Trông thấy bà gánh nặng, đường về cũng gần hai cây số, một người phụ nữ cùng làng thấy thế kêu lên, vừa mới đẻ chị đã gánh thế này mà không sợ sổ ruột à? Không kiêng cữ gì à? Sao không nhắn anh ra gánh đỡ? “Ông ấy đi thồ đá, tối mịt mới về. Cũng chả còn hơi sức đâu mà gánh nữa”. Người đàn bà giầu lòng thương người ghé vai gánh hộ, lại còn dặn bà đi chậm thôi.

Vợ con đói khổ, Hữu Loan đã gắng hết sức, đã tìm cách... Và ông cũng từng đi buôn hẳn hoi, chứ không phải chỉ ngày đập đá thồ đá, tối đi xúc tép.

Hữu Loan và những người đàn bà thứ hai ảnh 2
Bà Nhu (phải) và tác giả Nguyễn Bắc Sơn

Đi buôn, lỗ tiền nhưng lãi chuyện

Chắc nghĩ buôn bán vặt vãnh quanh quẩn như mình dù sao cũng kiếm được bữa rau bữa cháo, đồng quà tấm bánh, thì buôn to hơn, đi xa hơn chắc hẳn là kiếm được nhiều hơn. Mình chỉ lớp 4, chứ ông ấy là ông Tú thời Tây đâu phải đùa.

Thế là bà Nhu tích cóp được một món, vay thêm vài món nữa, đi chợ xa ven biển, mua bòn cá khô của bà con mang về. Tất cả là 17 cân, với mấy chục chiếc chiếu Nga Sơn nổi tiếng quê mình. Lại thêm mấy bánh thuốc lào nữa cho đa dạng hàng hóa.

Chọn một ngày lành, đẹp trời, ông Tú Loan đẩy xe thồ lên đường, nhằm hướng huyện miền núi Cẩm Thủy thẳng tiến, mang theo bao hy vọng, chờ trông của cả nhà. Đôi chân thồ đá, chỉ quanh quẩn quanh núi Vân Hoàn, quẩn quanh trong xã, giờ viễn du một chuyến thế này nhẹ nhàng hơn nhiều.

Vì gặp nhà nào cũng sà vào, bán được hàng, lại được trò chuyện, chả khoái à? Hôm ấy bước chân lang thang thế nào lại gặp một người cũng lang thang như ông. Nhưng không buôn bán gì, mà làm nghề đóng cối.

Cối tre, cối đất đóng được tất. Chỉ hơn hai ngày là xong một chiếc cối, chủ nhà bỏ thóc vào xay thử, gạo, trấu rơi xuống rào rào. Sàng thử, không một hạt thóc sót mới tài. Nhưng tài đóng cối của người thợ ấy không bằng tài kể chuyện.

Có lần đến vùng biển đóng cối, ông ta thăm một ngôi đền thờ Trạng Trình. Ngôi đền này đã có lần bị Nguyễn Công Trứ cho dỡ đi để phục vụ cho việc làm thủy lợi gì đó.

Công việc phá dỡ đang tiến hành thì lộ ra một hàng chữ Minh Mệnh thập tứ, thằng Trứ phá đền (Năm thứ 14 đời Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ phá đền).

Nguyễn Công Trứ sợ quá liền cho dừng việc phá dỡ, lại còn tu bổ thêm cho khang trang chắc chắn hơn. Chả biết thực hư thế nào, nhưng Hữu Loan thì khoái lắm.

Đúng là năm Minh Mệnh thứ 9 (1828 – Mậu Tí) Nguyễn Công Trứ có được phong chức Doanh điền sứ trông coi việc chiêu mộ dân (kể cả những người bị án tù, cũng được huy động, coi như để lấy công chuộc tội) để quai đê lấn biển khai khẩn đất hoang, làm nên những vùng đất trù phú là Hải Hậu (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình) bây giờ.

Ngoài ra, ông còn cho đào những con sông vừa để dẫn thủy nhập điền vừa làm đường giao thông thuận tiện, nay vẫn còn. Vì thế chuyện ấy cũng có thể xảy ra lắm.

Nhưng bảo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đấy trên dưới hai trăm năm đã tiên tri như thế thì cũng khó tin lắm. Nhưng cần gì. Đã là giai thoại thì tính xác thực không phải là vấn đề lớn, miễn là nó mang lại khoái cảm trí tuệ là được.

Sau chuyến đi nhiều ngày về, Hữu Loan hào hứng kể chuyện với vợ con. Không phải chuyện lời lãi bao nhiêu, mà toàn những chuyện người nọ thế này, người kia thế nọ, nhiều nhất vẫn là chuyện ông phó cối tự xưng là hậu duệ Trạng Trình.

Lại còn thật thà kể rằng, đã biếu ông phó cối cả bánh thuốc lào có chết người ta không chứ. Vợ hỏi đến tiền bán hàng, ông chồng bỏ ra một mớ nhàu nát quăn queo. Cả nhà xúm lại vuốt từng đồng, xếp từng loại, đếm từng tờ. Đếm đi đếm lại vẫn chỉ có thế.

Lục lọi, moi móc hết cả túi này, bị kia cũng chỉ có thế. Một trận đại khẩu chiến xảy ra. Lý do: Lần đi buôn chuyến này do chính bà thiết kế, ông thi công thế là lỗ chỏng gọng. Mà tiền vốn mua hàng của bà chỉ bằng móng tay, tiền đi vay người ta bằng cả vốc tay. Cạch đến già!

Bà sinh cho ông những mười người con, thật là một kỳ tích. Kỳ tích ở chỗ bà Nhu không hề biết tất cả những chuyện kiêng khem như kiêng gió, kiêng nước, kiêng làm, kiêng vận động mạnh và ăn kiêng. Hai vợ chồng cứ quần quật đầu tắt mặt tối suốt ngày, chung lưng đấu cật, làm cật lực, chật vật lắm mới kiếm đủ ngày hai bữa cho đàn con.

*

*     *

Bà Thiến (chính xác là dấu sắc - TG) ơi vào tôi bảo...! (vì sao ông gọi bà như vậy, xin sẽ kể đoạn sau). Từ lúc ông gọi đến lúc bà vào đến chỗ ông cũng phải mất năm, bảy phút. Dò lần từng bước như trẻ con mới tập đi như thế mới không phải dùng nạng, vì cú ngã gãy chân mấy năm trước - Bà ngồi xuống đây... Bà lại lựa thế, xoay người ra phía ngoài, từ từ ngồi xuống...

-... Bà biểu chúng nó may cho tôi một chiếc áo dài trắng.

- Để làm gì, ông thiếu gì quần áo. Hay ông chuẩn bị...

Bà không dám nói hết câu. Nhưng rồi cũng phải nói ra điều linh cảm:

- Ông không thương tôi hay sao mà định bỏ tôi đi?

- Bà nói gì lạ thế, tôi không thương bà thì thương ai...

Thoắt chạnh lòng, bà tấm tức:

- Thương mà còn…

*

*     *

Cũng đã trên dưới ba mươi năm, kể từ năm 1958, Hữu Loan mới rời Nga Sơn, ra Hà Nội, rồi đi thành phố Hồ Chí Minh. Bạn bè gọi đấy là ông tái xuất giang hồ.

Cũng tại bạn bè và cả nhiều người chưa quen biết quá hâm mộ, cứ mời mọc, chèo kéo. Được gặp ông đã vui rồi, mời được về nhà lưu lại vài ngày thì còn vui hơn. Đoàn Thị Lam Luyến là một người có được niềm vui ấy.

Từ thời đi học, cũng như các sinh viên khác, chị mê Màu tím hoa sim. Là một tâm hồn đa sầu đa cảm, dễ xúc động, ẩn chứa một số phận đa đoan, nhà thơ càng ngưỡng mộ Ông già vườn Lỗi. Sau những ngày lưu lại ở nhà chị, trên báo xuất hiện bài thơ Chiều Lam huyền thoại. Từ lam vừa là một sắc màu - xanh lam, vừa là tên bạn thơ, cùng với tấm ảnh chụp hai người.

Có ai đó mang tờ báo về cho bà Nhu. Không ai biết bà đã ba máu sáu cơn thế nào, không ai biết gương mặt đẹp của người phụ nữ bên chồng mình bị bà “xử lí” thế nào. Chỉ biết sau đó, khi con cháu cầm tờ báo lên thì thấy chỗ ấy là một lỗ thủng hình chữ nhật, chỉ còn mình Hữu Loan của bà đang nhìn bà như trách móc!

Trước khi có vợ (bà Lê Đỗ Thị Ninh), Hữu Loan đã yêu nhiều, và với người yêu nào, ông cũng có thơ tặng. Người ta yêu mình, mình yêu lại thì có sao đâu. Nhưng chỉ lấy một người thôi.

Ông đã nói thế và sống như thế. Vợ đầu mất, mấy năm sau ông lấy bà Nhu. Người phụ nữ nào đến với ông, đều để lại dấu ấn trong thơ ông. Những người phụ nữ sau bà Nhu đến với ông cũng vậy.

Nhưng đó không phải là chuyện một người đàn bà đến với một người đàn ông, mà là những tâm hồn phụ nữ đa sầu đa cảm ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu một tài năng, vì tài năng ấy đã khóc vợ làm cho tất cả những người vợ, cả những người sẽ làm vợ, những người có vợ, và những người sẽ có vợ muốn khóc theo.

Giá trị nhân bản của Màu tím hoa sim là ở chỗ ấy. Không phải chỉ một chị Lam Luyến được ông tặng thơ. Còn hai chị Hoài Tố Hạnh và Nguyệt Cầm ở miền Nam cũng được ông tặng thơ.

Dù thế, bà Nhu cũng không chịu được. Không chấp nhận được. Cao tay thì quản chồng bằng những ràng buộc vô hình. Bà Nhu, đơn giản quản chồng bằng tài chính và thời gian. Tiền bạc thì ông nào có biết, có cần. Người ta rước ông đi, đãi đằng ông như vua, như thần tượng.

Lại còn tặng ông tiền bạc tiêu pha. Có lần, sau buổi nói chuyện, lúc ra cửa, một kẻ chém mạnh vào tay làm rơi túi bản thảo và tiền của ông. Về khách sạn, chả biết làm thế nào nữa. Khóc dở mếu dở, ông khấn thầm bà Ninh phù hộ. Vừa mở cửa phòng, vô tình kéo ngăn kéo bàn ra, thấy có một cục tiền.

Hỏi xung quanh, không ai nhận, thế mới dám tiêu. Không lẽ có ma? Loại ma này mới ghê gớm đây. Rút lại chỉ còn có cách kiểm soát thời gian. Ở nhà, thì công việc giam chân ông. Ban ngày đánh đá, thồ đá, ban đêm kéo vó tôm, chẳng lo gì.

Nhưng đi xa, một bước lên xe, hai bước xuống ngựa. Thiếu gì gái sán đến õng ẹo anh anh, em em,… biết ma ăn cỗ thế nào. Bà Nhu âm thầm thư từ, hỏi han đường đi lối lại, địa chỉ của những người quen. Rồi bí mật vay tiền giắt lưng. Các con giờ cũng đã khôn lớn.

Chúng thấy bà có những biểu hiện rất đáng ngờ... Có người vô tình hỏi các con bà, mẹ cháu vay tiền làm gì thế? Đoán được “âm mưu” của mẹ, chúng bàn nhau lấy trộm tiền bà giấu đi. Bà chửi toáng lên, nhưng vẫn không nguôi ý chí hành động.

Rồi một ngày, tỉnh dậy đã thấy bà khăn gói quả mướp, gió đưa lên đường, dông thẳng vào “Sè Goòng”. Cuối cùng bà cũng lần ra nơi ông tá túc.

Sửng sốt thấy vợ lù lù hiện ra như trên giời rơi xuống - Bà vào đây làm gì, đường sá xa xôi thế - Ông hỏi lạ! Tôi lo cho ông, tôi, tôi… nhớ ông, nhỡ khi trái nắng giở giời… - Có làm sao đã có anh em bè bạn, lo gì! - ... Còn mấy con mẹ mướp nữa phải không? Lại còn tặng thơ, chụp ảnh trưng lên báo nữa chứ….

 Ông chồng cười rung chòm râu bạc: - Có gì đâu, thơ tặng chơi ấy mà… Với lại, à, bà có biết anh Vũ Bão không? - Tôi chẳng biết bão với gió nào cả. - Anh Vũ Bão có hai câu nổi tiếng, một là vãi linh hồn, hai là… là… bút bi hết mực. Tôi vào loại bút bi hết mực rồi! Chuyện ấy thì có thể bà tin, ông bảy ba tuổi. Lao động nặng nhọc đã vắt kiệt sức lực ông. Lâu lắm rồi ông bà không gần nhau. Nhưng còn cái chuyện thơ thẩn: - Sao ông không làm thơ tặng tôi?...

Ý bà là, sao bây giờ không làm thơ tặng bà mà lại có thơ tặng mấy con mẹ phải gió ấy. Bà không biết người ta thường chỉ làm thơ tặng vợ lúc bồng bềnh trên chín tầng mây thôi, chứ khi đã chạm đất là đã diễn nôm thơ ra văn xuôi rồi còn gì.

Mấy ai làm được, trừ khi bạn đời đi trước mình. Hữu Loan lại cười rung râu xí xóa: - Thì tôi đã chả tặng bà Hoa lúa để đời còn gì, ngừng một tí ông tiếp: -… Tôi đã tặng bà cả cuộc đời tôi rồi còn gì. Nghe ông nói thế, bà im lặng, có vẻ thỏa mãn. Nhưng ông thì không.

Ông lại cười, vì điều sắp nói ra: - Tôi biết bà vào đây làm gì rồi. Từ nay tôi gọi bà là… THIẾN THƯ nhé. Bà giật mình, không hiểu cái từ kỳ quặc ấy có nghĩa là gì. Ông cười phá lên vì trò đùa tếu vợ: - Trung Quốc có Hoạn Thư thì Việt Nam có Thiến Thư. Hai bà ghen ngang ngửa nhau.

Một lần tác giả Màu tím hoa sim nhận giải

Vốn từ ngày thành lập (1974), trụ sở Hội ở cạnh chợ Vườn Hoa là một dãy nhà cấp bốn ở nhờ một cơ quan ngành văn hoá. Chuyển đến đây từ mấy năm nay cũng là một dãy nhà cấp bốn là trụ sở do một hội đoàn thể nhượng lại (và tồn tại cho đến ngày nay). Đang loay hoay mượn chìa khoá mở cửa, tôi quay lại:

- Ối Bác Loan! Bác lên từ bao giờ thế?

Ông già cười đằm thắm, vai khoác chiếc túi du lịch đã sờn, đôi chân còn bết những giọt bùn cứ ôm lấy từng người mà "rung". Mái tóc trắng từ bờ vai ông phủ vào mặt vào vai tôi. Vừa ngồi xuống ghế ông đã kêu lên:

- Mình buồn quá!

Trong chốc lát chúng tôi hiểu là ông đang nói tới điều gì. Chả là mấy hôm nay anh em đang bàn tán xung quanh lễ trao giải Văn nghệ của địa phương. Có phải đùa đâu! "Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm 1986-1990" do tỉnh xét trao giải. Nhà văn H.V phàn nàn là cho đến giờ khai mạc vẫn chưa tìm ra địa điểm họp. Nhà văn T.H là phóng viên một tờ báo tỉnh được mời đến dự đã tường thuật lại với bạn bè rằng: "Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút. Sau một hai ý kiến rồi phát giải, rồi bế mạc, mình bước ra cửa và được dúi một phong bì... mỏng, rồi về!".

Nghe nói phần lớn những người đến dự và lĩnh giải là những thành viên Hội đồng giám khảo. Vì mỗi ngành văn học nghệ thuật có ba vị giám khảo thì các vị đã nhường nhịn chia nhau trọn ba giải - là số lượng giải quy định cho mỗi thể loại, quyết không để lọt ra ngoài!

Riêng bộ môn thơ thì không theo nguyên tắc đó. Giải ba được trao cho tác giả một phần thơ nhặt ra từ tập thơ in chung của hai người. Giải nhì là tập thơ của một bạn viết trẻ. Giải nhất thuộc về lão tướng Hữu Loan - tác giả "Màu tím hoa sim" - tập thơ do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản tháng 7/1990.

Tuy tránh được nguyên tắc trên, nhưng kết quả đưa ra của Hội đồng thơ lại bị phản ứng quyết liệt ngay từ đầu. Chỉ có vài tập thơ của các tác giả địa phương xuất hiện trong thời gian từ 1986 đến 1990, dày mỏng đậm nhạt ra sao mọi người đều biết, nên chất vấn của dư luận Ban Giám khảo không trả lời được. "Tiến thoái lưỡng nan!" bởi ngày trao giải đã định. Cuối cùng "đoàn tàu vẫn phải ra đi" mới để lại phần thưởng hai bộ môn thơ và kịch để Ban Giám khảo tiếp tục "nghiên cứu".

Có điều "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan thì mọi người đều công nhận. Đây là tập thơ đầu của ông được in khi ông đã ở tuổi bảy lăm. Tập thơ gồm mười bài đều loại "thơ dài" viết rải rác trong và sau cuộc kháng chiến chống Pháp, kèm theo một vài giai thoại và hồi ký của đồng nghiệp về ông. Cuộc đời ông, tài năng ông như một định mệnh đã bị chững lại ở thời khắc ông sung sức nhất. Ông "từ quan" và lui về một làng quê  xứ Thanh bươn chải đủ nghề: làm ruộng, làm vườn, kiếm cá, thồ đá xây dựng... Nhưng những câu thơ của ông thì vang mãi, vượt thời gian, vượt biên giới trở thành tài sản chung.

Một bạn thơ cùng quê, tuổi ở hàng con cháu đã về báo cho ông hay tin là ông được tỉnh trao giải nhất 1 triệu đồng tập thơ "Màu tím hoa sim" là giải thơ độc nhất trao "đặc cách" đợt này. Lễ trao thì đã tổ chức ngày 25 tết.

Ông nói thoạt đầu khi nghe tin ông không định đi, nhưng rồi nghĩ sao ông lại xách xe đạp ngược lên đây, và bây giờ đang ngồi trước mặt chúng tôi. Chiếc mũ vải vừa kéo xuống che kín hai tai vì gió rét. Thấy ông cứ áy náy điều gì, một anh bạn đột ngột đưa ra đề nghị:

- Theo cháu, bác cứ gửi lại tiền thưởng 1 triệu này đề nghị tỉnh giúp hoàn thành ngôi nhà cho bác, để bạn bè trong Nam ngoài Bắc có đến thăm bác cũng thuận tiện.

Chúng tôi coi đấy là "sáng kiến" vì hình như trên một tờ báo một bạn viết nhiệt tình và rất yêu mến bác đã nhanh nhảu báo tin: "Tác giả “Màu tím hoa sim” sắp có nhà mới". Nhưng đến giờ bác vẫn ra vào ngôi nhà mái bổi, tường đá lô xô, mỗi lần mưa to bố con lại phải loay hoay che chắn.

Nhà thơ Hữu Loan cười, ông vỗ vỗ vào chiếc túi căng phồng:

- "Mình lĩnh đây rồi!"

Tất cả cùng cười, bởi làm sao khác được! Giữa lúc cuộc sống khó khăn, ông không có nguồn thu nhập nào đảm bảo sinh hoạt trong khi còn phải nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn... Một triệu đồng này ông dự tính đã phải trả nợ đến hơn một nửa. Số còn lại kịp "cấp cứu" cho cái tết của cả nhà.

Ngoài trời mưa đã nhẹ. Chúng tôi giục ông ra về. Nhà thơ Hữu Loan dắt chiếc xe đạp ngược về phía bắc. Trước mắt ông là gần mấy chục cây số đường lầy lội. Ngày mai đã là ba mươi tết, ông và con cháu ông chắc sẽ vui khi có một khoản tiền.   

Có lẽ đấy là những đồng tiền thưởng đầu tiên cho cả đời thơ mà ông đã chắt ra từ mấy chục năm trước.

Kỳ II: Khắc khoải bóng hình người con riêng
(Xem tiếp TPCT số 17)

MỚI - NÓNG