Theo báo cáo, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có chất lượng giáo dục thấp nhất cả nước. Có rất nhiều học sinh do năng lực học yếu, lẽ ra phải lưu ban, học lại nhưng vì nhiều lý do vẫn được lên lớp hàng năm. Các phương tiện thông tin đại chúng đã sử dụng cụm từ “ngồi nhầm lớp” để gọi tên thực trạng đáng buồn này.
Có bao nhiêu học sinh đang “ngồi nhầm lớp”?
Bà Đào Thị Xiếm là người Bắc vào lập nghiệp ở miền Nam. Bà đã có gần 30 năm gắn bó với ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Kiên Giang; chia vui, sẻ buồn với bao nhiêu thế hệ học trò ở vùng sông nước thuộc bán đảo Cà Mau. Vì thế ngay cả trong ý nghĩ, bà cũng không thể nghĩ là mình (với tư cách Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Đông Hưng B, huyện An Minh) lại có thể “khóc một cách ngon lành” như thế, khi chứng kiến 2 học sinh lớp 7 và lớp 8 của trường không đọc thông, viết thạo.
Bà cũng cho biết, kể từ khi một cán bộ Đoàn của huyện An Minh phát hiện 2 em này, báo cho nhà trường, trường đã cho kiểm tra, khảo sát lại toàn bộ số học sinh trong trường, tìm ra những học sinh yếu để từ đó có hướng khắc phục. Kết quả đã phát hiện cả trường có hơn 10 học sinh yếu, đọc chậm, viết chậm, phải học lại chương trình của bậc tiểu học. Nhà trường đã phân công giáo viên bồi dưỡng, rèn luyện cho các em. Riêng đối với Nguyễn Dương B và Nguyễn Tuấn T, 2 học sinh lớp 7 và lớp 8 chưa đọc thông, viết thạo được giáo viên toàn trường (cả Hiệu trưởng và Hiệu phó) phân công nhau trực tiếp giảng dạy. Bất kể gặp 2 em ở đâu, hiệu trưởng và hiệu phó cũng gọi lại kiểm tra xem trình độ của các em tiến triển đến thế nào. Kết quả sau một tháng vào cuộc một cách quyết liệt như thế, 2 em đã học xong chương trình lớp 1 và đang dần học tiếp lên cao hơn. Cả hai đã bắt đầu biết làm những bài toán ở trình độ đang theo học.
Cháu Nguyễn Dương B, học lớp 7/1 nay cũng đã tự tin hơn trước: “Hồi còn nhỏ thì con mê chơi, bỏ học, không cố gắng học tập. Nhờ các thầy cô giảng dạy, phụ đạo thêm cho con, bây giờ con cũng khá hơn, đọc, viết rành hơn trước… Con đang cố gắng theo kịp mấy bạn trong lớp. Ba con nói: “Mày ráng học hết chữ đi, ráng học lên lớp 12 thì tao cho mày nghỉ”.
Dám “nhìn thẳng vào sự thật” để tìm cách khắc phục
Sau những giọt nước mắt là nụ cười trở lại trên gương mặt cô hiệu trưởng Đào Thị Xiếm. Thế nhưng nỗi buồn thì chưa thể nguôi ngoai. Bà Xiếm nói, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho mỗi giáo viên trong nhà trường, phải đi sâu, đi sát từng học sinh, quan tâm đến học lực của từng em để từ đó có cách dạy phù hợp.
Lâu nay, giáo viên chỉ quen với cách dạy truyền đạt kiến thức cho đồng loạt học sinh trong lớp mà không chú ý đến từng đối tượng học sinh giỏi – khá – trung bình - yếu. Do đó, những học sinh yếu không theo kịp chương trình, cứ đuối dần, đuối dần và kết quả ngày càng nghiêm trọng hơn, dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm lớp”.
Rõ ràng cách dạy này (có lẽ không chỉ có ở trường trung học cơ sở Đông Hưng B) là vô trách nhiệm với mỗi số phận học sinh. Cũng may, cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo địa phương không quá nặng nề, sai thì phải sửa và cách dạy lại của các thầy giáo, cô giáo cũng kịp thời và có hợp tình hợp lý, vừa dạy, vừa động viên các em nên bước đầu số học sinh yếu đã hoà nhập được với các bạn cùng trang lứa.
Từ bài học ở trường Trung học cơ sở Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, bước đầu lời giải cho bài toán chất lượng của ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đã có “lối ra”.
Vấn đề là các nhà quản lý giáo dục có dám “nhìn thẳng vào sự thật” hay không, để từ đó có biện pháp khắc phục. Khi làm việc với các ngành ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những người viết bài này gặp rất nhiều khó khăn do lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo một số tỉnh chỉ trả lời một cách chung chung là ở địa phương có hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, nhưng không nắm được con số, hoặc từng trường hợp cụ thể như thế nào.
Cũng có trường hợp né tránh thông tin về vấn đề “nhạy cảm” này. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, tất cả 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” và phần lớn trong số hơn 2 triệu học sinh ngồi nhầm lớp mà Bộ Giáo dục – Đào tạo ước tính là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong rất nhiều lý do dẫn tới hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, nguyên nhân chủ yếu vẫn là bệnh chạy theo thành tích. Đây là căn bệnh nguy hiểm, liên quan đến việc xây dựng và phát triển con người, mà cả ngành giáo dục vào đào tạo đang phải đối mặt.
Theo VOV