Hợp đồng ủy quyền chính là căn cứ pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít các tranh chấp xoanh quanh hợp đồng ủy quyền đã xảy ra. Vậy, pháp luật hiện hành quy định thế nào về hợp đồng ủy quyền? Và các bên cần lưu ý điều gì khi ký kết và thực hiện hợp đồng ủy quyền? Những phân tích, chia sẻ của Tiến sĩ Kiều Thị Thùy Linh – Phó Chủ nhiệm khoa, phụ trách Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn TS. Kiều Thị Thùy Linh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Vâng, Bà có thể làm rõ để độc giả cũng như cộng đồng doanh nghiệp nắm được thế nào là một hợp đồng ủy quyền? Và thường những giao dịch như thế nào thì sẽ sử dụng hợp đồng ủy quyền thưa bà?
Trong đời sống kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay, các chủ thể sử dụng hợp đồng uỷ quyền như một công cụ pháp lý để giải quyết cho các trường hợp bản thân mình không thể tự mình thực hiện trực tiếp quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật. Đơn cử, công ty A bị kiện do vi phạm hợp đồng thương mại. Bản thân công ty A không có nhân viên pháp chế đủ vững vàng, cộng với việc theo đuổi thủ tục giải quyết tại Toà án mất nhiều thời gian nên Công ty A quyết định ký hợp đồng dịch vụ và uỷ quyền cho Công ty Luật B để công ty Luật B cử luật sư đại diện cho khách hàng. Từ một ví dụ này cho thấy, hợp đồng uỷ quyền được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện nay.
Ở góc độ khoa học pháp lý và góc độ luật định, hợp đồng uỷ quyền được thừa nhận là sự thoả thuận của các bên mà theo đó, một bên (còn được gọi là bên được uỷ quyền) sẽ nhân danh bên uỷ quyền thực hiện công việc nhất định và bên uỷ quyền phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Muốn xác định những nhóm giao dịch nào sẽ sử dụng hợp đồng uỷ quyền thì phải xác định hợp đồng uỷ quyền sẽ hỗ trợ như thế nào cho các chủ thể. Chủ thể sử dụng hợp đồng uỷ quyền trong trường hợp mà không thể tự mình thực hiện do các lý do khác nhau (do bận, do sức khoẻ...) hoặc có nhiều trường hợp do bản thân mình không đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện như trong lĩnh vực pháp lý, xuất nhập khẩu...
Chính vì lẽ đó, phạm vi các trường hợp sử dụng hợp đồng uỷ quyền rất rộng và đa dạng. Chỉ những nhóm công việc gắn với nhân thân của chủ thể thì cơ bản sẽ không áp dụng hình thức uỷ quyền hoặc các trường hợp pháp luật quy định bắt buộc. Đơn cử, pháp luật hiện hành không cho phép vợ hoặc chồng uỷ quyền cho người khác thực hiện việc nộp đơn yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn hoặc yêu cầu việc ly hoặc hoặc tham gia hoà giải tại Toà án.
Vậy khi áp dụng hợp đồng ủy quyền thì bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền cần phải lưu ý những điểm gì để tránh được những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện thưa bà?
Có hai khía cạnh cần phải chú ý bởi đây thường xuyên là nguyên nhân có thể gây tranh chấp.
Thứ nhất, quan tâm đến năng lực chủ thể của người được uỷ quyền. Trước đây đã có vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng dịch vụ uỷ quyền. Theo đó, tạm gọi ông A đã uỷ quyền cho ông B thay mình làm các thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lý do ông A lựa chọn ông B vì ông B quảng cáo mình là người có nhiều quan hệ và làm cho rất nhiều người thủ tục sang tên giấy tờ này. Sau đó, ông A và ông B ký với nhau một hợp đồng uỷ quyền (thời điểm này chưa yêu cầu phải công chứng hoặc chứng thực) và ông A giao cho ông B một khoản tiền nhất định để ông B thực hiện công việc. Sau một thời gian tương đối dài, ông A không nhận được kết quả hoặc thông tin công việc từ ông B thì đã yêu cầu hoàn trả số tiền mình đã giao. Khi đó, hai bên phát sinh tranh chấp. Chưa luận bàn đến việc đây có phải là hợp đồng dịch vụ hay không nhưng yếu tố đầu tiên có thể thấy, ông A phải chú trọng vào việc tìm hiểu năng lực ông B có phù hợp hay không, có thực sự nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật mà mình muốn uỷ quyền hay không. Từ vụ việc này cho thấy đây là một vấn đề cần chú ý đầu tiên.
Thứ hai, quan tâm đến phạm vi uỷ quyền. Để hợp đồng uỷ quyền thực sự có tác dụng và tránh tranh chấp xảy ra thì bản thân bên uỷ quyền phải xác định rất rõ mình có quyền, nghĩa vụ đến đâu, phạm vi mình uỷ quyền cho bên được uỷ quyền ở mức độ nào. Nguyên tắc quan trọng nhất là phạm vi uỷ quyền chỉ được phép nằm trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của bên uỷ quyền. Trường hợp phạm vi uỷ quyền vượt quá so với phạm quyền, nghĩa vụ thì đương nhiên phần vượt quá sẽ không có giá trị nhưng rất dễ dẫn đến tranh chấp không chỉ giữa hai bên uỷ quyền và được uỷ quyền mà còn với những bên thứ ba có liên quan.
Và để tăng tính pháp lý cho hợp đồng ủy quyền thì loại hợp đồng này có cần phải mang đi công chứng không thưa bà?
Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, hợp đồng chỉ cần đáp ứng các điều kiện có hiệu lực thì đương nhiên được Nhà nước thừa nhận tính pháp lý và bảo đảm cho hợp đồng này thực hiện. Thế nên, không thể dựa vào việc công chứng hay không để các chủ thể có niềm tin tăng thêm tính pháp lý. Tất nhiên, nhờ có công chứng thì các bên sẽ có thêm “người thứ 3” đưa ra các ý kiến đảm bảo thoả thuận này không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy vậy, các chủ thể cần phải ý thức rất rõ, ngoại trừ những trường hợp hợp đồng uỷ quyền pháp luật bắt buộc phải công chứng thì các trường hợp khác, chỉ cần các bên thoả thuận và giao kết đáp ứng các yêu cầu về điều kiện có hiệu lực thì đều được công nhận. Do đó, chính các chủ thể phải đảm bảo chắc chắn về mặt nội dung. Các nội dung trong hợp đồng phải được các bên thoả thuận rõ ràng, minh thị và không gây hiểu lầm. Chính vì thế, việc các chủ thể được tư vấn bởi người có hiểu biết pháp lý có lẽ còn quan trọng hơn rất nhiều trong trường hợp các chủ thể chưa nắm bắt, hiểu hết các quy định pháp luật. Do đó, vấn đề này đòi hỏi các chủ thể hiểu đúng và chuẩn vai trò của công chứng để lựa chọn thực hiện cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Và xin hỏi một nội dung cuối đó là người nhận ủy quyền thì có được phép ủy quyền tiếp cho bên thứ ba nữa hay không? Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Nội dung này buộc chủ thể phải nắm được quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành. Theo đó, bên được uỷ quyền chỉ được phép uỷ quyền lại cho người khác trong hai trường hợp: Một, được bên uỷ quyền đồng ý; Hai, trong trường hợp bất khả kháng nếu không áp dụng uỷ quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người uỷ quyền không thể thực hiện được. Đây là trường hợp mà nhà làm luật thể hiện rõ nét mục tiêu thực sự của hợp đồng uỷ quyền: đảm bảo quyền, lợi ích cho bên uỷ quyền trong mọi trường hợp. Tất nhiên, khi uỷ quyền lại cho người thứ ba thì các bên phải chú ý đến phạm vi uỷ quyền ban đầu và hình thức uỷ quyền lại. Phạm vi uỷ quyền lại không được phép vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu và hình thức cũng phải phù hợp với hợp đồng uỷ quyền ban đầu.
Xin cảm ơn Bà!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!