Hợp đồng dịch vụ pháp lý, lưu ý nào cho các bên tham gia?

0:00 / 0:00
0:00
Để tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro trong kinh doanh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có xu hướng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý như: Luật sư riêng; Luật sư nội bộ, Luật sư doanh nghiệp, hoặc từ các chuyên gia pháp lý, các luật gia... Song thực tế cũng cho thấy, nhiều tranh chấp đã nảy sinh từ những hợp đồng này.

Vậy các cá nhân, doanh nghiệp cần phải lưu ý gì trước khi ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý? Những phân tích, tư vấn của TS. Kiều Thị Thùy Linh, Phó chủ nhiệm Khoa Luật, Trưởng bộ môn Pháp luật Dân sự, Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý, lưu ý nào cho các bên tham gia? ảnh 1

Trước tiên xin cảm ơn TS. Kiều Thị Thùy Linh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thực tế hiện nay xảy ra khá nhiều những tranh chấp phát sinh từ những hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vậy để không xảy ra tranh chấp, thì các cá nhân, doanh nghiệp khi lựa chọn đơn vị tư vấn dịch vụ pháp lý cho mình cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa bà Linh?

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời trọn vẹn và sẽ có nhiều yếu tố chi phối để có thể chọn được đúng đơn vị tư vấn cho mình. Do đó, theo quan điểm cá nhân của tôi, khi cá nhân, doanh nghiệp muốn chọn đơn vị tư vấn pháp lý cần lưu ý mấy điểm sau: Thứ nhất, kiểm tra các thông tin liên quan đến năng lực của đơn vị tư vấn pháp lý mình đang quan tâm. Việc kiểm tra hoàn toàn có thể thực hiện trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước như của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các cá nhân, tổ chức chỉ cần gõ tên đơn vị pháp lý là sẽ ra các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động; Thứ hai, ngoài việc xác định đúng lĩnh vực hoạt động, các cá nhân, tổ chức cũng nên kiểm tra thông tin liên quan đến năng lực của đơn vị tư vấn pháp lý.

Việc kiểm tra này cần được thực hiện song song qua nhiều kênh thông tin như qua người quen, người từng có kinh nghiệm trong việc thuê đơn vị pháp lý, báo, đài… để biết đơn vị này từng cung cấp cho khách hàng nào, vụ việc, lĩnh vực tư vấn pháp lý thường xuyên; Thứ ba, đánh giá thông qua cách thức đơn vị tư vấn pháp lý tiếp xúc, đưa ra đề xuất về phương án tư vấn cho khách hàng… thì bản thân cá nhân, tổ chức sẽ có những cảm nhận nhất định về sự chuyên nghiệp, một phần chuyên môn nhất định. Thường đơn vị tư vấn chuyên nghiệp sẽ nói ngắn gọn, trọng tâm, lý giải để khách hàng hiểu về dịch vụ tư vấn mình sẽ cung cấp và theo quy trình rõ ràng nhất định. Tóm lại, lựa chọn một đơn vị tư vấn pháp lý phù hợp, chuẩn xác trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều đơn vị tư vấn với sự đa dạng thông tin thì thực sự đòi hỏi khách hàng dành thời gian để kiểm tra thông tin, đặc biệt kiểm tra chéo thông tin để tìm thông tin chính xác.

Vâng, và để có thể xác minh được đúng đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý đó là hợp pháp, được cấp phép được công nhận thì có cách nào để thực hiện được việc này thưa bà Linh? Bà có thể tư vấn để các cá nhân và doanh nghiệp nắm được?

Các đơn vị tư vấn pháp lý hiện nay thường có trang thông tin điện tử riêng của mình nên các khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra sơ lược thông tin về đơn vị này. Sau đó, các khách hàng vẫn nên kiểm tra trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, đơn cử như trang thông tin đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đơn vị tư vấn đó đóng trụ sở chính. Hiện nay các trang thông tin này dễ dàng truy cập và đảm bảo độ chính xác, tin cậy.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý, lưu ý nào cho các bên tham gia? ảnh 2

Thưa bà Linh, thường kết quả pháp lý sẽ không phụ thuộc vào đơn vị tư vấn mà phụ thuộc vào phần xét xử của tòa án hay trọng tài. Như vậy, đôi khi mục đích ban đầu của bên đi thuê dịch vụ pháp lý sẽ không đạt được và dễ nảy sinh tranh chấp. Vậy để tránh được điều này, theo bà đơn vị kinh doanh dịch vụ pháp lý khi thỏa thuận nội dung hợp đồng cần lưu ý điều gì?

Thực ra nếu yêu cầu bên tư vấn pháp lý cam kết về kết quả tư vấn thì đây mới là vấn đề không thể thực hiện. Bởi lẽ, bên tư vấn pháp lý đóng vai trò là người thứ ba có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đánh giá hồ sơ, đưa ra các lời khuyên để khách hàng quyết định phương án xử lý vụ việc của mình. Nếu vụ việc phải giải quyết tại Toà án thì đương nhiên, bên tư vấn pháp lý không thể tác động tới cơ quan tài phán đưa ra phán quyết theo mong muốn của mình. Do đó, chính khách hàng phải hiểu, bên tư vấn pháp lý không thể quyết định đến kết quả cuối cùng khi cơ quan tài phán giải quyết. Tuy nhiên, nói vậy thì cũng không thể phủ nhận vai trò của bên tư vấn pháp lý. Bởi lẽ, bên tư vấn pháp lý có chuyên môn, kinh nghiệm nên hoàn toàn có thể đánh giá sự việc thông qua các bằng chứng khách hàng mình có ở góc nhìn đối sánh với quy định pháp luật.

Từ đó, bên tư vấn pháp lý mới có thể đưa ra các phương án với từng mặt tích cực, hạn chế để khách hàng có quyền lựa chọn phương án giải quyết phù hợp nhất với mong muốn của mình trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật, các bằng chứng mình có. Chính vì thế, các đơn vị tư vấn pháp lý thường cam kết với khách hàng điều khoản về nguyên tắc hoàn toàn vì quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tiến hành tư vấn, đưa ra các phương án giải quyết. Đồng thời, bên tư vấn pháp lý cũng có điều khoản không cam kết về kết quả phán quyết của các cơ quan nhà nước để khách hàng hiểu rằng, phán quyết của cơ quan nhà nước hoàn toàn là khách quan so với ý chí của bên tư vấn pháp lý. Bên tư vấn sẽ không phát sinh trách nhiệm pháp lý nếu phán quyết của cơ quan nhà nước không như mong muốn của khách hàng cũng như mong muốn của chính bên tư vấn pháp lý.

Và ở chiều ngược lại, khi văn phòng luật sư hay các luật gia thực hiện những dịch vụ này họ cũng cần phải chú ý gì khi tiếp nhận thông tin, yêu cầu từ khách hàng để có thể hạn chế được những rủi ro cũng như tranh chấp sau này thưa bà Linh?

Các luật sư hoặc người tư vấn có kinh nghiệm khi tiếp nhận thông tin, yêu cầu từ khách hàng bao giờ cũng phải xác minh tính chính xác hay không chính xác, đánh giá ý nghĩa của từng thông tin, bằng chứng… Sau đó, bên tư vấn pháp lý lên các phương án tư vấn cụ thể với những điểm mạnh và điểm hạn chế để khách hàng thấy được những điểm “được”, “mất” khi lựa chọn phương án giải quyết vụ việc của mình. Khách hàng phải ý thức rằng sẽ rất khó có phương án hoàn hảo để giải quyết vụ việc của mình mà chỉ có phương án tốt nhất, tiệm cận nhất với mong muốn của mình. Đây là nội dung vô cùng quan trọng mà bao giờ các luật sư, các nhà tư vấn sẽ áp dụng nếu muốn cung cấp một dịch vụ pháp lý chất lượng cho khách hàng. Sau khi khách hàng chọn xong phương án tư vấn thì chính luật sư hoặc nhà tư vấn sẽ cụ thể hoá trong nội dung hợp đồng tư vấn để xác định quyền, nghĩa vụ của từng bên, giới hạn trách nhiệm pháp lý một cách phù hợp trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ của các bên.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý, lưu ý nào cho các bên tham gia? ảnh 3

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG