“Hồng trần”: Không phạm luật, nhưng…

“Hồng trần”: Không phạm luật, nhưng…
TP - Dư âm của cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (lễ trao giải diễn ra ngày 27/4/2013 tại Hà Nội) chưa nguội thì lình xình đã kéo đằng sau. “Hồng trần” - truyện ngắn của cây viết nữ Chu Thị Minh Huệ, đoạt giải ba, bị nghi ngờ vi phạm qui chế của cuộc thi. Người trong cuộc đã phủ nhận điều này nhưng không vì thế mà những băn khoăn được giải tỏa.

Đúng thể lệ và chẳng… “thuổng” của ai

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là người đã theo “Hồng trần” từ đầu chí cuối (từ khi tác phẩm tranh giải ở cuộc thi địa phương, sau đó, tranh giải cấp quốc gia, cuộc thi báo Văn Nghệ. Ở cả hai cấp, Nguyễn Khắc Trường đều giữ vai trò “cầm cân nảy mực”).

Chúng tôi đã trao đổi ngắn với nhà văn. Anh cho biết, về mặt văn chương của “Hồng trần”, anh hoàn toàn đồng ý với lời bình của nhà văn Trung Trung Đỉnh cho truyện ngắn này. (Chúng tôi cũng chuyện phiếm cùng Trung Trung Đỉnh, anh đánh giá đây là một trong những tác phẩm viết về vùng cao thuộc dạng hay).

Tác giả “Mảnh đất lắm người nhiều ma” khẳng định: Truyện ngắn trên của Chu Thị Minh Huệ không vi phạm thể lệ cuộc thi của báo Văn Nghệ. Lý do: “Truyện ngắn đó chỉ in ở báo địa phương, được giải ở địa phương, thì có vấn đề gì đâu?”.

“Hồng trần” khá gian nan đúng như cái tên của nó. Trước đây, khi truyện mới được trao giải của tỉnh Hà Giang, đã nổi lên một luồng dư luận nói nó giống tinh thần của một tiểu thuyết Trung Quốc, thậm chí cách đặt đại từ nhân xưng với một số nhân vật cũng giống.

Xung quanh một số dư luận kiểu này, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng khẳng định: “Chẳng qua là cách xưng hô có vẻ “Tàu”. Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng rồi. Đọc cả các truyện khác của cô ấy nữa. Cô ấy không “ăn cắp” của ai cả, không lấy của ai cả, tự viết thôi. Cốt truyện là của cô ấy”.

Đưa ra cảm nhận, rằng, đọc “Hồng trần” lại nhớ “Vợ chồng A Phủ”, Nguyễn Khắc Trường công nhận, tuy nhiên ông vẫn bảo vệ quan điểm của mình: “Đọc xong khiến người ta nhớ đến “Vợ chồng A Phủ”, nhưng cô Huệ không thuổng của ai đâu”.

Ông trấn an: “Yên tâm không “đạo” và thể lệ hợp lí”. Đặt câu hỏi cuối cùng với Nguyễn Khắc Trường: “Nếu anh được toàn quyền quyết định, anh sẽ nâng “Hồng trần” lên giải cao hơn chứ?”. Vị giám khảo đáp: “Không, không. Chỉ giải ba thôi. Vì tôi cũng nằm trong hội đồng xét giải của Báo Văn Nghệ. Tôi thấy tác phẩm này không thể bằng tác phẩm đoạt giải nhất, giải nhì của cuộc thi được. “Hồng trần” chỉ xứng đáng nhất khi thi ở Hà Giang. Hôm xét giải ở báo, chính tôi là người đầu tiên nói về trường hợp Chu Thị Minh Huệ. Dù nhất ở Hà Giang nhưng ở đây chỉ đáng giải ba, mọi người nhất trí ngay. Khi bỏ phiếu, thì kết quả cũng là như thế”.

Nghĩ thế nào… là việc của mọi người

Chu Thị Minh Huệ, sinh năm 1981, đang sống tại thành phố Hà Giang. Tác giả kể, sáng tác “Hồng trần” chỉ trong vòng “hai đêm gì đấy thôi”. Hỏi cô ấp ủ tác phẩm lâu không, cô đáp: “Ấp ủ thì không nói được. Chả biết từ bao giờ”. Cũng lại hỏi cô về bóng dáng vợ chồng A Phủ trong “Hồng trần”, cô cười: “Vùng đất của Vợ chồng A Phủ cũng giống vùng đất của bọn tôi, vùng đất của dân tộc Mông”. Cô tiết lộ chi tiết thú vị, bà của cô (không rõ bà nội hay bà ngoại - PV) là người Mông, bà kể cho cô nhiều câu chuyện về dân tộc mình.

Trước dư luận cho rằng “Hồng trần” có màu sắc Trung Quốc, Chu Thị Minh Huệ trả lời: “Thực ra lúc viết tôi chẳng nghĩ đến điều đó. Còn mọi người nghĩ thế nào là quyền của mọi người. Chức tước (“quân trưởng”) chẳng qua là từ phúng dụ, tôi lựa chọn dùng để tránh “động chạm” mà thôi”. Về thông điệp của truyện ngắn, cây viết người Hà Giang không định truyền tải điều gì mới mẻ, chỉ nhắc lại câu của người xưa: “Hồng nhan đa truân”: “Truyện ngắn của tôi có sự chuyển đổi của không gian. Không gian đầu tiên là toà biệt thự đẹp, đấy là không gian hiện đại, rồi tôi đẩy lùi lại một chút, để tạo dựng không khí. Từ bối cảnh cổ điển đến bối cảnh hiện đại, nhằm truyền thông điệp, thời nào cũng vậy, hồng nhan bạc phận (bây giờ gọi là chân dài qua tay đại gia). Ai bảo càng hiện đại thì con người càng sướng? Đó là sợi dây xuyên suốt”.

Cô giải đáp về “nghi án” vi phạm qui chế cuộc thi Báo Văn Nghệ: “Thể lệ cuộc thi không khắt khe điều đó mà. Từ vòng sơ khảo đến chung khảo, người ta đều gọi điện cho tôi để xác minh tác phẩm. Tác phẩm của tôi dự cuộc thi truyện ngắn, bút kí Hà Giang (do Hội VH-NT tỉnh tổ chức, năm 2010-2011 - PV), được giải nhất và được đăng đầu tiên ở tờ Văn nghệ Hà Giang (Chu Thị Minh Huệ cũng làm việc ở tạp chí này - PV), tức là chỉ trong phạm vi tỉnh, không phạm luật. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo tôi gửi truyện ngắn dự thi ở báo Văn Nghệ, chứ tôi chẳng biết cuộc thi này. Nhà văn còn bảo: Không nghĩ ở địa phương lại có người viết hay thế, sao cô còn ẩn ở đây làm gì? Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng nằm trong ban chung khảo quốc gia nên chú ấy có thể làm bằng chứng”.

Chu Thị Minh Huệ vui vẻ “bật mí”: Sẽ không xuống Thủ đô, sau khi đã đoạt giải ba ở cuộc thi truyện ngắn danh giá. “Em chẳng đánh đu, đánh đáo với các bác ở dưới, em cứ ở với đồng bào cho… lành”.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, lên tiếng: “Về chuyện “Hồng trần” chúng tôi đã bàn, đã xét kỹ, không vi phạm chúng tôi mới quyết định trao giải”. Đánh giá về tác phẩm của Chu Thị Minh Huệ, theo ông, giải ba là chính xác: “Tôi thấy nhiều nhà văn khen truyện ngắn này. Thậm chí trong hội đồng chấm giải có anh đề nghị cho giải hai cơ song cuối cùng giải ba là hợp lí. Vì cũng không thật xuất sắc so với truyện khác”.

Nhiều tranh cãi về thể lệ cuộc thi

Thể lệ cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của Tuần báo Văn Nghệ (nguồn từ trang web của Hội Nhà văn Việt Nam: vanvn.net/news/1/1627-thong-bao--cuoc-thi-truyen-ngan-2011-2013-cua-tuan-bao-van-nghe---hoi-nha-van-vn.html) quy định:

“Tác phẩm hợp lệ trước tiên phải là truyện ngắn với số lượng không quá 5.000 từ. Truyện chưa in trong sách hoặc trên các báo và tạp chí Trung ương (pv nhấn mạnh). Bản thảo vi tính trên một mặt giấy, sạch và rõ. Trong thời gian cuộc thi, tác phẩm dự thi không được gửi in sách, báo hay tạp chí nào khác".

Căn cứ theo thể lệ này thì không có dòng nào nêu về vấn đề các tác phẩm đã đoạt giải tại các cuộc thi khác có được dự thi hay không. Đây chính là điều giúp Ban tổ chức cuộc thi vững tin vào cái lý của mình. Nhưng nhiều ý kiến của người viết trong giới lại cho quy định như vậy là chưa đầy đủ, còn bất cập.

Có người thẳng thừng: Một cuộc thi của Trung ương không nên trao giải cho một tác phẩm đã được trao giải tại một cuộc thi văn chương địa phương, hoặc của ngành, và nói chung là ở mọi cấp khác. Đây là quy định bất thành văn rồi! Người phân tích rõ hơn: Có thể thấy, khi quy định một tác phẩm “chưa in trong sách hoặc trên các báo và tạp chí Trung ương” mới được dự thi, Ban Tổ chức mong muốn tìm thấy tác phẩm mới, nhân tố mới - hiểu theo nghĩa đen là “không cũ”.

Nhưng một tác phẩm đã đoạt giải Nhất của cuộc thi văn chương 2 năm một lần của một tỉnh, thì nghĩa là đã công bố khá rộng, đã lên mạng, rõ ràng là “cũ”!

Một tác giả đã có thâm niên sáng tác, đã có một số giải thưởng (đề nghị không nêu tên) nêu ý kiến: nếu có thể chấm giải cho một tác phẩm như vậy, thì từ nay, các cuộc thi “ở Trung ương” sẽ tràn ngập các tác phẩm đã đoạt giải từ địa phương, Ban Giám khảo sẽ hành xử thế nào? Nhất là trong trường hợp một số giám khảo tại cuộc thi ở Trung ương thực ra cũng là người làm giám khảo cuộc thi tại địa phương.

Bình luận về yếu tố mới mẻ trong sáng tạo, sự phát triển trong lực lượng sáng tác, Chủ tịch Hội NV TP Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: Trừ một số giải thưởng có tính đặc thù như Giải thành tựu trọn đời, Giải tôn vinh tác giả ở tầm khu vực, quốc tế… các cuộc thi mang tính chất phát hiện nhân tài và tác phẩm nổi bật hàng năm cần phải xét tác phẩm hoàn toàn mới.

Có lẽ đây cũng là một ý kiến cần lưu tâm. Cũng nên lưu tâm thêm, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội nhiều năm nay được đánh giá là một giải thưởng có uy tín trong cả nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG