Hôn thú giữa sát thủ và nạn nhân

TP - Sự hay ho của một bộ phim trước hết do kịch bản quyết định. Và phải khẳng định Vầng trăng máu (Killers of the Flower Moon) có một cốt truyện đặc biệt được kể theo cách đặc biệt. Trong khi sách của David Grann diễn giải câu chuyện từ cuộc điều tra của FBI thì Martin Scorsese chọn cuộc hôn nhân giữa tên sát nhân da trắng và nạn nhân da đỏ của hắn để làm rõ hố sâu ngăn cách chủng tộc.

Người da đỏ Osage sau khi nhượng bộ và chịu sự kiểm soát của người da trắng cũng không được sống yên bình và chết yên ổn. Nhất là khi mảnh đất họ sở hữu có dầu. Biến họ trở thành những người giàu nhất thế giới nhưng lại không bảo vệ được tính mạng và tài sản của mình. Trở thành bầy cừu trong vòng vây của bầy sói da trắng.

Tất cả những cách thủ tiêu, ám sát từ tinh vi đến lộ liễu được áp dụng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục và có thể đến hàng trăm người da đỏ trong thập niên 1920. Về mặt lịch sử nhân loại, bộ phim có vai trò quan trọng khi một lần nữa phơi ra góc khuất của nạn phân biệt chủng tộc. Cho thấy con người đã kinh qua những bài học phũ phàng như thế nào để hiểu được chúng ta bình đẳng từ trong bản chất.

Hôn thú giữa sát thủ và nạn nhân ảnh 1

Phim mở đầu bằng hình ảnh cựu quân nhân Ernest Burkhart (Leonardo Dicaprio) tìm đến thị trấn Fairfax mong đổi đời. Rất thuận lợi vì ở đó anh ta đã có ông chú William King Hale rất quyền thế, thậm chí còn là phó đồn cảnh sát dự bị. Dấu hiệu cho thấy Ernest là kẻ côn đồ thể hiện khi hắn thấy một đám đánh nhau và xông vào đánh hôi.

Ernest không biết rằng mình đang bị ông chú lõi đời đưa vào tròng. Ông ta chỉ mượn tay thằng cháu tối dạ để triệt hạ một dòng họ da đỏ giàu có. Với Hale, hôn nhân chính là con đường để kiếm tiền một cách hợp pháp. Và ông ta gà cho Ernest cưới Mollie Burkhart- một phụ nữ da đỏ thuần chủng. Với vị thế giống như Trọng Thủy ở rể đó, Ernest càng thuận tiện trong việc thực thi các mệnh lệnh độc ác của Hale.

Dân da trắng giết da đỏ một cách không ghê tay và trắng trợn chiếm các khoản tiền thừa kế, bảo hiểm mà người da đỏ dường như vẫn không thấy gợn. Trớ trêu nhất là trong các cuộc họp quan trọng của bộ lạc, người da đỏ vẫn không mảy may nghi ngờ trước các nội gián là những người bạn, những chàng rể da trắng cùng tham dự. Có vẻ như nguyên tắc của người Osage là khi chưa có bằng chứng để kết tội ai thì niềm tin mà họ dành cho người đó sẽ không lay chuyển mảy may.

Điều này thể hiện trong cuộc hôn nhân cực kỳ trớ trêu của Mollie và Ernest. Ta có thể hiểu Mollie quá khờ không sớm nhận ra chân tướng chồng nhưng dường như ở cô có một sự bao dung và chấp nhận. Kể cả khi biết rõ chồng mười mươi là kẻ hằng ngày đầu độc mình, ánh mắt, cái ôm cô dành cho hắn dường như vẫn không thay đổi. Cô đơn giản chỉ rời đi.

Hôn thú giữa sát thủ và nạn nhân ảnh 2

Cảnh trong phim

Ernest và Hale tất nhiên không phải là những tội phạm diệt chủng duy nhất. Trong phim một trong những kẻ giết thuê cho Hale trước đó cũng đã giết người vợ da đỏ của mình và còn đang định giết cả con mình để hưởng toàn bộ tiền thừa kế. Như vậy trong mắt người da trắng thời đó, da đỏ không phải người mà chỉ là phương tiện làm giàu.

Ông chú liên tục mang quan hệ huyết thống và cả bang hội (ông này tự xưng là thành viên hội Tam Điểm) ra để mê dụ Ernest, nhắc nhở Ernest vợ là đối tượng phải tiêu diệt. Ta có thể thấy Ernest trong phim có đôi chút lưỡng lự như thể anh ta đầu độc nhưng vẫn yêu vợ. Hẳn là loại tình cảm mà người chăn nuôi kiêm đồ tể vẫn dành cho gia súc của mình.

Với tầm cỡ và sự đặc sắc của câu chuyện, thời lượng hơn 3 tiếng của phim là hoàn toàn xứng đáng. Cách kể chuyện của vị đạo diễn gạo cội cũng hết sức rành mạch và từ tốn. Bộ phim mang dáng dấp sử thi, tài liệu và điều tra hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối.

Còn Mollie thì kiểu thôi thì thà chết dưới tay người mình yêu còn hơn là phó mặc cho những kẻ xa lạ. Thực ra Mollie chính là người hùng của dân Osage. Chính cô đã giúp cho tấn thảm kịch bị chặn đứng. Nhân vật này được nữ diễn viên mang dòng máu da đỏ Lily Gladstone thể hiện quá thành công. Mollie trong phim luôn mang vẻ cao quý và có cặp mắt hơi mơ màng (kiểu Mona Lisa) đồng thời như thể nhìn thấu tâm can người đối diện.

Lily khá giống với nguyên mẫu trong khi Leonardo cố bạnh cằm, mím môi cũng vẫn khác xa Ernest ngoài đời (ban đầu anh được nhắm cho vai trưởng nhóm điều tra liên bang). Tuy nhiên ánh mắt của nam diễn viên 48 tuổi thể hiện rất đạt. Vậy nhưng thêm một vấn đề nữa là Ernest khi đến Fairfax mới ở tuổi đôi mươi, còn Hale cũng chỉ tầm 50. Còn Robert De Niro khi đóng phim này cũng đã ngấp nghé 80. Tuổi tác cũng khá quan trọng vì rõ ràng động năng kiếm tiền của tuổi 50 sẽ mạnh hơn 80 nhiều lần…

Tất nhiên cái ác không tự nhiên nảy nở trong con người. Luật pháp thời kỳ đó đặt người da trắng lên trên da đỏ. Mặc dù dân da đỏ rất giàu nhưng vẫn phải tiêu tiền dưới sự giám hộ của người da trắng. Chính vì thế mà phụ nữ da đỏ hay chọn chồng da trắng. Và một trong những luận điểm khiến Mollie ưng Ernest là: Chú anh ta giàu thế chắc anh ta đến với mình không phải vì tiền(!)

Mặc dù tội ác được đưa ra ánh sáng và hai kẻ nặng tội nhất đều bị xử chung thân nhưng thực tế Ernest chỉ bị tù 11 năm, còn Hale- 19 năm. Có lần người thân đến thăm Hale trong tù thì được nghe hắn chửi Ernest kiểu: “Nếu thằng đần đó câm miệng thì bây giờ chúng ta đã giàu rồi”. Việc những kẻ giết người hàng loạt bị xử quá nhẹ bị Martin Scorsese đả kích bằng một màn kịch truyền thanh ở cuối phim.