Hơn 500 lao động ở Thanh Hóa bị nợ lương dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hóa, có 3 doanh nghiệp nợ lương hơn 500 lao động do khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong dịp Tết.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hoá về tình hình nợ lương năm 2022 của doanh nghiệp cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán, có 3 doanh nghiệp chưa giải quyết tiền lương cho hơn 500 lao động, với số tiền lương còn nợ là hơn 4,2 tỷ đồng do doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Hơn 500 lao động ở Thanh Hóa bị nợ lương dịp Tết ảnh 1

Dự án khách sạn của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh ở TP Thanh Hoá bị bỏ hoang nhiều năm

Trong đó, Xi măng Công Thanh (thị xã Nghi Sơn) tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022, nợ lương của hơn 460 người lao động từ tháng 11/2022 với số tiền nợ khoảng 4 tỷ đồng; hai doanh nghiệp tại huyện Quảng Xương là Công ty TNHH may xuất khẩu Lê Anh và Công ty TNHH MTV dệt may BH Vina nợ lương của 90 lao động, với tổng số tiền nợ là 220 triệu đồng.

Trước đó, Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hoá đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình chế độ tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết năm 2023 tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả khảo sát tại 1.508 doanh nghiệp (thuộc 4 loại hình doanh nghiệp) sử dụng 216.171 lao động, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ có mức tiền lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2021). Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức tiền lương bình quân 8,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,3 triệu đồng so với năm 2021); doanh nghiệp dân doanh có mức tiền lương bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng (bằng năm 2021). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tiền lương bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2021).

Mức tiền lương cao nhất là 359,3 triệu đồng/người/tháng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thấp nhất là 3,4 triệu đồng/người/tháng tại doanh nghiệp dân doanh...

Ngày 28/1/2023, trao đổi nhanh với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn - xác nhận: Việc xi măng Công Thanh tạm ngừng hoạt động do khó khăn về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng dịp trước Tết. Hiện nhà máy xi măng Công Thanh đã hoạt động trở lại, số tiền lương mà doanh nghiệp này nợ của lao động cũng đã được doanh nghiệp giải quyết một phần.

Xi măng Công Thanh được biết đến là chủ nhà máy sản xuất xi măng công suất trên 6 triệu tấn/năm tại thị xã Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia trước đây), tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015. Tại thị xã Nghi Sơn và địa bàn khác của tỉnh Thanh Hoá, doanh nghiệp này cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như dự án du lịch, cảng biển, văn phòng cho thuê... Tuy nhiên, nhiều dự án chậm tiến độ, phải gia hạn, chưa thể đưa vào vận hành.

MỚI - NÓNG