Ngày 9/11, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã họp báo về Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 (tại Hà Nội).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương – Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, năm nay là lần thứ 8 diễn ra Hội giảng. Hội giảng năm nay có thông điệp “Đổi mới – Sáng tạo – Thích ứng – Hội nhập”. Qua Hội giảng để tôn vinh nhà giáo, cơ hội để nhà giáo rèn luyện nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới mục tiêu nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo bà Hương, Hội giảng năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Do đó, yếu tố kết nối, công khai được ban tổ chức đặc biệt quan tâm đáp ứng tối đa kết nối giữa nhà giáo, ban giám khảo, học sinh và cả xã hội, chất lượng không bị ảnh hưởng.
Theo Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021, hội giảng năm nay thu hút sự tham gia của 404 nhà giáo tại các cơ sở GDNN trên toàn quốc. Các nhà giáo sẽ tham gia dự tại 113 địa điểm trực tuyến, đặt tại 55 địa phương và 6 bộ ngành. Hội giảng diễn ra từ ngày 12-18/11, địa điểm chính đặt tại Hà Nội.
Hội giảng năm nay lần đầu tiên có sự các đoàn của 6 Bộ, ngành tham gia, bao gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban, ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 5 phút.
Hoạt động trình giảng và chấm trình giảng được giám sát bởi tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và tất cả mọi người quan tâm qua cổng thông tin, tài khoản mạng xã hội của chương trình. Đặc biệt, người xem tham gia bình chọn bài giảng, ban tổ chức sẽ trao giải phụ cho bài giảng có nhiều bình chọn của người xem nhất.
Các bài trình giảng đạt giải cao tại Hội giảng (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được lưu trữ, chia sẻ, hình thành Kho học liệu bài giảng số để nhà giáo tham khảo, sử dụng.
Tại Hội thi, các nhà giáo GDNN trình giảng những bài thuộc ngành nghề gắn với cuộc cách mạng 4.0, chia thành các nhóm, như nhóm ngành nghề công nghiệp: Công nghệ ô tô, Lập trình máy tính, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin.
Nhóm những bài giảng thuộc lĩnh vực nghệ thuật, du lịch và làm đẹp: Nghệ thuật biểu diễn Xiếc; Violon…
Nhóm ngành nghề về dịch vụ, như: Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; Chăm sóc sắc đẹp...
Trong khuôn khổ Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021, Ban Tổ chức sẽ tổ chức cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN”; Tọa đàm “Hợp tác quốc tế trong GDNN: Cơ hội và tiềm năng”; Hội thảo “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN và người đào tạo là người của doanh nghiệp”; Triển lãm số trong GDNN…