Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu KBNN có các đại biểu là đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Ngân hàng thế giới, các Bộ, ngành trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Lãnh đạo KBNN và đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN; tại trụ sở KBNN tỉnh, thành phố, các đại biểu tham dự là đại diện Lãnh đạo và cán bộ của 05 Sở, ban, ngành địa phương gồm Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo giục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và đại diện Lãnh đạo, cán bộ KBNN địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác lập BCTCNN là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, với phạm vi thông tin rộng, nghiệp vụ phức tạp, trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều, nguồn lực còn hạn chế. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của UBND các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan, sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO), Bộ ngân khố và Đại sứ quán Hoa Kỳ… thông qua hoạt động hỗ trợ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm về Báo cáo tài chính Chính phủ và các chuyên gia trong nước am hiểu lĩnh vực kế toán nhà nước,.. Bộ Tài chính đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 kịp thời hạn, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ XIV phù hợp quy định của Luật Kế toán 2015”.
Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, BCTCNN 2018 là báo cáo đầu tiên chúng ta làm được. Báo cáo giúp cho Chính phủ, công chúng nhìn nhận bức tranh tài chính nhà nước một cách tổng thể, toàn diện hơn. Nếu như trước đây chúng ta hiểu tài chính chỉ là ngân sách nhà nước thì tại BCTCNN 2018, phạm vi đã rộng hơn, bao gồm tài sản nhà nước, công nợ, các hoạt động thu chi của các đơn vị tài chính đặc thù ngoài ngân sách, các quỹ tài chính ngoài ngân sách…
Hơn nữa, các cơ quan của Chính phủ đã khai thác BCTCNN 2018 để phục vụ công tác quản lý tài chính mà trước hết là phục vụ việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (2021-2025) để báo cáo Quốc hội, phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược tài chính 10 năm (2021- 2030)…
KBNN được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tài chính tại các địa phương để hình thành BCTCNN toàn quốc. Đây là một nhiệm vụ mới và khó khăn đối với toàn hệ thống. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, toàn hệ thống KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan để bắt tay vào việc thiết lập các điều kiện để triển khai thực hiện.
Phó Tổng Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy trình bày báo cáo
Tại Hội thảo, bà Đặng Thị Thủy - Phó Tổng Giám đốc KBNN đã báo cáo những kết quả đạt được của công tác lập BCTCNN năm đầu tiên 2018. Cụ thể, theo bà Thủy, để triển khai BCTCNN năm 2018, KBNN đã chủ động có các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện. Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.
“Hệ thống KBNN đã dành nhiều nguồn lực và tập trung cao độ, nỗ lực, tâm huyết, khắc phục khó khăn để có thể triển khai nhiệm vụ. Đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào tháng 5/2020 theo đúng quy định” - bà Đặng Thị Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thủy, mặc dù còn tồn tại một số thiếu sót, BCTCNN năm 2018 đã cơ bản cung cấp thông tin về tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn cũng như kết quả hoạt động tài chính năm 2018 và được các UBND, HĐND một số tỉnh, thành phố và Chính phủ, Quốc hội ghi nhận…
Tiếp đó, Hội thảo cũng được nghe bài tham luận của đại diện Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính); của đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về “Thực hiện lập Báo cáo tài chính, Báo cáo bổ sung thông tin tài chính tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Hội thảo cũng được lắng nghe bài tham luận đến từ đại diện KBNN Nghệ An về “Công tác lập BCTCNN tại Nghệ An” và bài tham luận “Nâng cao chất lượng thông tin về tài sản công phục vụ lập BCTCNN” của đại diện Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, đại diện Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước) đã trình bày về một số định hướng sửa đổi Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 về Báo cáo tài chính nhà nước. Các đại biểu đã đưa ra nhiều trao đổi mang tính xây dựng đối với việc tổng hợp, lập BCTCNN. Đây sẽ là những ý kiến đóng góp quý báu để Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng của BCTCNN.
Hội thảo cũng đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận, đề xuất, đóng góp ý kiến với Ban tổ chức. Với những kết quả thảo luận tại hội thảo, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ hơn các ý kiến được nêu ra, xác định các giải pháp phù hợp, có tính chất căn cơ để xử lý những tồn tại, vướng mắc và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng của BCTCNN trong những năm tiếp theo.
Để cải thiện chất lượng BCTCNN, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần phải triển khai nhiều hoạt động; trong đó, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thách thức. Với sự quyết tâm của các cấp Lãnh đạo, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, hỗ trợ của các nhà tài trợ, tổ chức, chuyên gia quốc tế, cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, KBNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính, khẩn trương triển khai công tác lập BCTCNN. Đây có thể được xem là nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần tiến đến một nền tài chính nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế./.