GS. TS. Pierre Klein (ngoài cùng bên phải) và bà Anna Lange (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức dưới sự phối hợp của Phái đoàn Chính phủ vùng Wallonie-Bruxelles, Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, ĐH Duy Tân và Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội với rất nhiều tham luận nêu cao vai trò của Luật biển Quốc tế, lý giải vàđề xuất nhằm giảm thiểu các tranh chấp đang có trên biển hiện nay cũng như kêu gọi các quốc gia hành động vì một Biển Đông xanh sạch, yên bình, và thịnh vượng.
Tham luận của GS. TS. Pierre Klein - Phó Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Tự do Vương quốc Bỉ với chủ đề “Những phát triển mới của Luật biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây” mở đầu Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu. GS. Pierre Klein lấy dẫn chứng rất cụ thể là các vụ án tranh chấp trên biển diễn ra ở khắp các châu lục như: châu Mỹ La - tinh (vụ Pê-ru kiện Chi lê), châu Âu (vụ Romania kiện Ukraine), châu Phi (vụ Ghana kiện Bờ Biển Ngà), châu Á (vụ Bangladesh kiện Myanmar, Philippines kiện Trung Quốc) cùng các phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế để nêu bật Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), vốn cho đến nay vẫn là nòng cốt của Luật biển Quốc tế. Từ những vụ tranh chấp trên, đã có rất nhiều phương pháp được đưa ra để xác định phạm vi và cơ sở thẩm quyền của quốc gia đối với vùng biển lân cận. Trong đó, GS. Pierre Klein nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thỏa thuận, của đường cách đều,… đã được các quốc gia sử dụng nhằm tìm ra giải pháp công bằng trong các tranh chấp.
Cùng với tham luận của GS. Pierre Klein, hơn 20 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị đào tạo Luật có tiếng được chia sẻ tại Hội thảo đã mang lại những góc nhìn thấu đáo hơn về Luật biển Quốc tế.
Trong khi một số đại biểu đi sâu vào các vấn đề tranh chấp cụ thể như: “Quyền và Nghĩa vụ của một quốc gia tại vùng biển chồng lấn” của TS. Nguyễn Toàn Thắng - ĐH Luật Hà Nội, “Tòa PCA LAHAYE và thẩm quyển của tòa trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông” của Lê Văn Bính - ĐH Quốc gia Hà Nội, “Vấn đề sử dụng vũ lực trên Biển Đông dưới góc nhìn Luật biển Quốc tế” của Học viên Cao học ĐH Quốc gia Hà Nội, “Đánh bắt cá bất hợp pháp: Một số phân tích từ góc độ luật nhân đạo quốc tế và thực tiễn của các quốc gia tại Biển Đông” của TS. Nguyễn Thị Hồng Yến - ĐH Luật Hà Nội và ThS. Nguyễn Phương Dung - Trường Luật Newcastle (Vương Quốc Anh),… thì rất nhiều tham luận khác đã đi vào từng vấn đề của riêng quốc gia nhằm phòng tránh và đối phó với những tranh chấp trong tương lai,tiêu biểu như: “Xây dựng ‘chiến lược an ninh hàng hải quốc gia’ của Việt nam” của TS. Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Cường và TS. Nguyễn Thành Lê - ĐH Hàng Hải Việt Nam, “Tiêu chí hoàn thiện pháp luật về lực lượng cảnh sát biển Việt Nam” của TS. Nguyễn Thanh Minh - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, “Quản lý tài nguyên, môi trường dựa vào cộng đồng - những bài học kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Hà –Trường ĐH Luật, ĐH Huế,…
Vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến trong các tham luận và đưa ra thảo luận tại Hội thảo chính là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Với tham luận “Lập trường và đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông”, TS. Nguyễn Như Hà - ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên đề nghị một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam trung thành với nguyên tắc giải quyết các tranh chấp với các nước hữu quan bằng còn đường đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.”
TS. Như Hà cũng đã chia sẻ nhiều đóng góp hữu ích của Việt Nam trong thời gian qua như: Việt Nam cùng Philippines xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử trên biển Đông đã được ASEAN thông qua và sử dụng để khẳng định lập trường chung của các nước ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực hợp tác với Malaysia trong việc xây dựng hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa trình Liên hợp quốc, Việt Nam phản đối Hiệp định Trung - Phi về thăm dò địa chấn Trường Sa vì các bên đã vi phạm Điểm 6 của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (Tuyên bố DOC), Việt Nam nỗ lực đóng góp xây dựng Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố DOC và ngày 21/7/2011, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao AMN 44, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về bản quy tắc này. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế,…
Đến tham dự Hội thảo, bà Anna Lange - Trưởng phái đoàn Vùng Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam đã chia sẻ niềm vui khi được tham gia một Hội thảo về Luật biển Quốc tế được tổ chức tại một địa điểm ý nghĩa như Đà Nẵng - không chỉ là “thành phố đáng sống” của Việt Nam mà còn là một trong những trung tâm hàng hải sầm suất tại khu vực Đông Nam Á. Bà cũng bày tỏ hy vọng có thể mở rộng hợp tác với các trường đại học tại Đà Nẵng để triển khai các chương trình đào tạo về Luật và Hậu cần (logistics).
Phát biểu về tầm quan trọng của của Hội thảo, TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết:“Tranh chấp trên Biển Đông đã và đang là vấn đề nóng được nhiều quốc gia quan tâm. Quan điểm của Việt Nam đối việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông luôn theo hướng hòa bình, ổn định và tuân thủ nghiêm ngặt các quy ước của Luật biển Quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, việc tổ chức Hội thảo về Luật biển thực sự là cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Đây là một dịp để ĐH Duy Tân cùng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đóng góp quan điểm, chia sẻ kiến thức để cùng góp sức vào công cuộc gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Cũng từ Hội thảo này, ĐH Duy Tân mong muốn các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Luật có cái nhìn thấu đáo về Luật biển Quốc tế đồng thời hiểu rõ về tầm quan trọng của tài nguyên biển đối với một quốc gia. Từ đó, thúc đẩy các em có những hoạt động tích cực hơn đối với biển đảo quê hương.”
Khi đất liền ngày càng trở nên chật hẹp, tài nguyên ngày một cạn kiệt, các hệ sinh thái bị suy thoái, an toàn môi trường bị đe dọa trong khi đó khoa học kỹ thuật phát triển tạo cơ hội cho các quốc gia dễ dàng “tiến ra biển” thì đại dương trở thành “miền đất hứa’” mà quốc gia nào cũng hướng tới. Nhu cầu càng tăng thì tranh chấp càng lớn. Điều này trở thành động lực thúc đẩy những bước phát triển mới cho Luật biển Quốc tế. Bởi đây chính là cán cân quan trọng để tạo nên sự ổn định và bình đẳng cho tất cả các quốc gia ven biển. Nhìn về quá khứ, khi mà chỉ trong chưa đầy 50 năm, đã có 4 Hội nghị quốc tế về Luật biển do Hội quốc liên và Liên hợp quốc tổ chức gồm: (1) Hội nghị Hague năm 1930, (2) Hội nghị Geneva năm 1958, (3) Hội nghị Geneva năm 1960, và (4) Hội nghị Quốc tế về Luật biển năm 1982 thì ngày nay, khi các tranh chấp trên biển đang ngày càng gia tăng, cần nhiều hơn nữa các buổi hội thảo về Luật biển Quốc tế được tổ chức để cung cấp những luận cứ có giá trị khoa học và thực tiễn cho các nhà lập pháp cùng các cơ quan Nhà nước khác tham khảo trong quá trình hoàn thiện, thực thi pháp luật và hội nhập quốc tế; đồng thời, để các nhà nghiên cứu đưa ra các chính kiến và góp ý phát triển Luật biển Quốc tế phù hợp hơn nữa với thực tiễn đời sống, giúp xử lý thấu đáo tranh chấp của các quốc gia có chung đường biên giới là biển, tạo môi trường sống hòa bình, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý vì một thế giới thịnh vượng.