Hội thảo kiểu này, bao giờ bóng đá Việt khá nổi?

Hội thảo kiểu này, bao giờ bóng đá Việt khá nổi?
Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013 kết thúc vào chiều ngày 3.11 sau một ngày nói tới rồi lại nói lui. Ở buổi hội thảo ấy, đôi khi người nghe cứ phải nhịn cười, đôi lúc lại phải nhịn… ức, bởi cứ như thể lỗi toàn của những ông X,Y,Z nào đó chứ bóng đá Việt Nam sa sút, họ chẳng có lỗi vậy. Tóm lại, V-League tiếp tục được kéo lùi ngày bốc thăm tới tận 8-12 vì chưa đủ số đội đăng ký.

Hội thảo kiểu này, bao giờ bóng đá Việt khá nổi?

> Becamex Bình Dương chuẩn bị mùa giải mới

> Bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2013 và câu hỏi 'đầu tiên' 

Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013 kết thúc vào chiều ngày 3.11 sau một ngày nói tới rồi lại nói lui. Ở buổi hội thảo ấy, đôi khi người nghe cứ phải nhịn cười, đôi lúc lại phải nhịn… ức, bởi cứ như thể lỗi toàn của những ông X,Y,Z nào đó chứ bóng đá Việt Nam sa sút, họ chẳng có lỗi vậy. Tóm lại, V-League tiếp tục được kéo lùi ngày bốc thăm tới tận 8-12 vì chưa đủ số đội đăng ký.

Bầu Thuỵ (áo trắng) đang bàn bạc rôm rả về chủ đề “mua và bán” trong hội nghị
Bầu Thuỵ (áo trắng) đang bàn bạc rôm rả về chủ đề “mua và bán” trong hội nghị. Ảnh: VSI

Gọi là hội thảo nhưng không ít người đến dự có cảm giác như dự họp chợ! Chẳng hiểu nội dung cuộc họp có được phổ biến trước không mà cảnh mạnh ai nấy nói, thích gì nói nấy xuất hiện thường xuyên.

Bầu Đệ của đội Thanh Hoá, người đã từng cho rằng VPF chi tiền để công an theo dõi các đội bóng, đã khiến các đại biểu cười không khép được miệng khi ông đề xuất gộp cầu thủ nhập tịch và cầu thủ ngoại thành một nhóm. Sau khi biết đề xuất của mình là sai luật bởi một khi đã có quốc tịch Việt Nam, không thể có sự phân biệt màu da, ông bầu này lại đề nghị chữa cháy rằng “vậy thì đội tuyển Việt Nam nên có hai cầu thủ nhập tịch”. Đề nghị này cũng trớt quớt bởi đây đâu phải cuộc họp liên quan đến nhân sự của đội tuyển quốc gia! Đến lượt bầu Thuỵ đăng đàn.

Sau một hồi nói chuyện trọng tài – chuyện ông đã nói khá nhiều ở buổi tổng kết mùa giải nhằm khẳng định nếu không xử lý được chuyện hai đội bóng một ông bầu, ông sẽ nghỉ chơi – có vẻ như nhân dịp có đông người nghe, ông bầu xứ Ninh Bình đã tranh thủ rao bán đội Navibank Sài Gòn theo kiểu “ai thích thì liên hệ với chúng tôi”.

Bên lề hội thảo, lại nghe thêm ông Phạm Duy Tiến, phó giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch Đồng Tháp, khẳng định: “Không có chuyện Đồng Tháp mua lại Navibank Sài Gòn với giá 10 tỉ đồng”. Nghe mà buồn cho bóng đá TP.HCM một thời lừng lẫy! Hoá ra, sau khi trả cho Navibank Sài Gòn 11 tỉ đồng vào tài khoản, phía bầu Thuỵ còn giữ lại 10 tỉ đồng để thay mặt Navibank Sài Gòn chi trả các khoản lương, thưởng mà đội bóng này còn nợ cầu thủ trước đó. 11 tỉ đồng được chi để rút ruột gần chục cầu thủ tốt nhất của Navibank Sài Gòn là giá quá bèo, giờ họ còn định bán suất chuyên nghiệp của đội Navibank Sài Gòn để lấy tiền trả nốt phần còn lại bởi hiện nay, theo các cầu thủ Navibank Sài Gòn, họ vẫn chưa nhận được đồng nào dù phía bầu Thuỵ khẳng định đã hoàn tất việc mua bán.

Đáng nói hơn cả là tại hội thảo, chuyện mua bán, sáp nhập là vấn đề nổi cộm nhưng các vị đại diện VFF ngồi đầy trong cuộc họp, cũng là chính những người từng ngó lơ để việc mua bán phiên hiệu, mua bán cầu thủ ngày một bát nháo hơn, lại tiếp tục ngó lơ, để những chỉ trích xung quanh chuyện mua bán, sáp nhập chỉ nhắm vào các cầu thủ hoặc của XYZ nào đó.

Cho rằng việc các cầu thủ tự nâng giá làm loạn thị trường khiến “các đội bóng bị hành”, đại diện VFF tuyên bố sẽ đưa vào quy chế: “Nghiêm cấm trả phí lót tay” cho các cầu thủ. Thậm chí, có người còn mạnh dạn đề nghị phải “tái cấu trúc” lại các đội bóng, như ngành ngân hàng đang làm?!

Đăng đàn tuyên bố hùng dũng là thế nhưng trên thực tế, số lượng đội bóng chưa đăng ký, chưa chuyển giao xong còn đến bốn đội mà chưa thấy VFF đề ra được cách giải quyết cụ thể nào và cuối cùng, cách giải quyết “hay” nhất là lùi ngày đăng ký lại đến 8-12-2012.

Ấy vậy nhưng bất chấp thực tế đó, những người quản lý nền bóng đá Việt còn khẳng định “phải chuẩn bị tinh thần cho việc V-League mùa sau chỉ còn mười đội”.

Hội thảo để tìm đường thoát cho bóng đá nhưng rốt cuộc chỉ toàn bàn tới bàn lui chuyện lặt vặt, còn những điều quan trọng như VFF, VPF và những ông chủ đội bóng làm cách nào để chất lượng bóng đá cao hơn, kéo khán giả đến sân nhiều hơn, thu hút tài trợ nhiều hơn... lại chẳng thấy bàn; thậm chí, việc mua bán phiên hiệu khiến các đội bóng như gánh xiếc rong hết dời từ tỉnh này sang tỉnh khác – khiến đội bóng không ổn định, chưa kể còn làm mất đi một thế hệ khán giả trung thành – bị coi là hành động kéo lùi bóng đá, cũng chẳng được bàn đến.

Bức xúc, ông Phạm Duy Tiến đã phải thốt lên rằng với năng lực quản lý mù mờ như hiện nay của VFF và VPF, e rằng vài năm nữa bóng đá Việt Nam sẽ vỡ trận vì cứ lao theo những định hướng sai lầm.

Thậm chí đến việc gọi đích danh lỗi của người điều hành, gọi thẳng tên những sai sót cũng không làm được trong một hội thảo bàn về cách tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho bóng đá thì e rằng có hội nghị lần thứ n lần, bóng đá Việt cũng chẳng thể nào khá nổi.

Theo Thảo Du
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG