Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công tàu chở dầu, không lên án Iran

Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công tàu chở dầu, không lên án Iran
TPO - Một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chiều 24/6 (giờ Mỹ) về các vụ tấn công hai tàu chở dầu và một máy bay không người lái của Hải quân Mỹ kết thúc mà không có lời lên án Iran, trong khi căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay khiến nhiều nước chịu thiệt vì giá dầu đang có xu hướng tăng.

Mỹ kêu gọi tổ chức cuộc họp để thông báo cho Hội đồng Bảo an về các vụ tấn công tàu chở dầu và drone. Sau cuộc họp, quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen nói với báo giới rằng, thông tin tình báo do Mỹ và các đồng minh thu thập được cho thấy Iran liên quan các vụ việc này, Fox News đưa tin ngày 25/6.

Đổ lỗi cho nhau

Ông Cohen kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế các hành động phi pháp của Iran. “Hội đồng Bảo an và tất cả các nước nên cố mà tưởng tượng về tương lai của ngành hàng không toàn cầu khi mà một nước có thể bắn hạ máy bay chỉ vì nó ở trong vùng thông báo bay (FIR) của họ. Chúng ta đã thấy các hãng hàng không khắp thế giới tránh FIR của Iran”, ông nói.

FIR là khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó dịch vụ thông báo bay và báo động được cung cấp. FIR có thể bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia của một nước. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), một quốc gia có thể lập một hay nhiều FIR tùy thuộc tình hình cụ thể của nước đó. Ngược lại, vùng trời của nhiều quốc gia cũng có thể được xếp vào một FIR.

“Iran phải hiểu rằng, những cuộc tấn công đó là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc thế giới cùng chúng tôi tuyên bố như vậy”, ông Gohen nói và bác bỏ tuyên bố của Iran rằng, drone Mỹ tuần trước bay vào không phận Iran nên mới bị bắn rơi.

Ông Cohen khẳng định: “Toạ độ đường bay của drone và vị trí cho thấy rõ ràng rằng, máy bay chưa bao giờ đi vào không phận Iran… FIR của một nước không trùng với không phận của họ. FIR rộng hơn rất nhiều”. Ông Cohen kêu gọi Iran trở lại bàn đàm phán.

Trong khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an đang diễn ra, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Ravanchi nói với các phóng viên rằng, hiện chưa thể đối thoại với Mỹ. “Bạn không thể bắt đầu đối thoại với người đang đe dọa bạn, lăng mạ bạn”, ông nói.

Ông Ravanchi lên án đợt trừng phạt mới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp đặt với Iran. “Quyết định của Mỹ ngày hôm nay áp đặt thêm lệnh trừng phạt chống lại Iran là một chỉ dấu khác cho thấy Mỹ không tôn trọng trật tự và luật pháp quốc tế cũng như quan điểm của phần đông cộng đồng quốc tế”, ông nói.

Khi cuộc họp kết thúc, chủ tịch Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ tháng 6, ông Mansour Al-Otaibi người Kuwait, đọc bản tuyên bố của các thành viên hội đồng. Trong khi lên án các vụ tấn công tàu chở dầu, Hội đồng không lên án Iran vì các vụ tấn công này. Bản tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các nước trong khu vực kiềm chế.

Đại sứ Đức Christoph Heusgen đọc bản tuyên bố nhân danh Đức, Anh và Pháp và kêu gọi các bên bình tĩnh. “Những bước phát triển này gây nguy cơ tính toán sai và xung đột. Chúng tôi kêu gọi giảm căng thẳng và đối thoại với sự tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc quốc tế”, ông Heusgen nói.

Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công tàu chở dầu, không lên án Iran ảnh 1 Chiếc drone Mỹ bị Iran bắn rơi ở eo biển Hormuz là loại RQ-4A Global Hawk trị giá 220 triệu USD như thế này. Ảnh: Alamy  

Xung quanh vụ tấn công tàu chở dầu

Hai tàu chở dầu bị tấn công sáng 13/6 ở vùng biển cách bờ biển Iran khoảng 40 km. Tất cả 23 thành viên thuỷ thủ đoàn tàu chở dầu Na Uy Front Altair được cứu thoát sau khi hoả hoạn bùng phát trên tàu không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, 21 thành viên thuỷ thủ đoàn tàu chở dầu Nhật Bản 

Kokuka Courageous được hải quân Mỹ cứu sau khi các vụ nổ làm rung chuyển con tàu. Đến nay người ta vẫn chưa thống nhất được về nguồn gốc vụ tấn công.

Quân đội Mỹ nói rằng, đoạn phim đen trắng quay từ máy bay Mỹ cho thấy vệ binh Iran trên một chiếc tàu tuần tra gỡ một quả mìn chưa nổ khỏi thân tàu Nhật Bản sau khi thuỷ thủ đoàn được sơ tán. Tuy nhiên, chủ tịch của công ty chủ tàu Nhật Bản nói rằng, thuỷ thủ đoàn nhìn thấy một “vật thể bay”, ý nói tàu bị trúng tên lửa, ngư lôi chứ không phải mìn.

Hiện chưa có bằng chứng mang tính kết luận về vụ tấn công hai tàu chở dầu. “Iran có thể có động lực để tấn công như vậy nhưng khi thiếu bằng chứng thuyết phục, rất khó loại bỏ giả thiết đó không phải là hành động của một kẻ phá đám, kẻ muốn bảo đảm rằng, Iran và Mỹ tiếp tục xu hướng xung đột trong khi Nhật Bản nỗ lực làm giảm căng thẳng”, Ali Vaez, giám đốc dự án Iran - Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, nói.

Mới đây, Mỹ cũng đổ lỗi cho Iran tấn công 4 tàu hồi tháng trước, dùng máy bay không người lái tấn công một đường ống dẫn nhiên liệu của Ảrập Xêút và sử dụng rocket tấn công gần Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của Iraq. Tuy nhiên, Iran phủ nhận mọi cáo buộc.

Tuần này, các nhà ngoại giao châu Âu thúc giục các bên đổ lỗi mà không có bằng chứng, trong khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập, nói rằng thế giới không thể chịu được một cuộc xung đột lớn ở vùng vịnh.

Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công tàu chở dầu, không lên án Iran ảnh 2 Tàu chở dầu Na Uy bốc cháy. Ảnh: Fox News.

3 thực tế đáng lo ngại

Hãng tin ABC News mới đây dẫn lời các chuyên gia về 3 thực tế đáng ngại. Một là, Iran đang đe doạ phá vỡ giới hạn khối lượng tích trữ uranium được các siêu cường đặt ra trong thoả thuận hạt nhân năm 2015. Hai là, Mỹ đã sơ tán những nhân viên làm việc trong các lĩnh vực “không khẩn cấp” ra khỏi Iran. Ba là, vụ tấn công hai tàu chở dầu tuần trước có thể khiến giá dầu và chi phí bảo hiểm vận tải biển tăng cao.

Tuần trước, Mỹ đổ lỗi cho Iran tấn công hai tàu chở dầu. Ngay sau đó, Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman kêu gọi cộng đồng quốc tế có “lập trường dứt khoán” chống lại Iran.

Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có Nhật Bản (sở hữu một tàu chở dầu bị tấn công) còn cảm thấy lấn cấn với cáo buộc của Mỹ. Trong khi đó, Iran phủ nhận dính dáng vụ tấn công và doạ bỏ qua giới hạn tích trữ uranium.

Thoả thuận hạt nhân năm 2015 mang ý nghĩa lịch sử đã “bục chỉ” từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi văn kiện này hồi năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran khiến kinh tế nước này lao dốc không phanh.

“Chiến lược gây sức ép tối đa của chính quyền Trump đã dẫn tới một môi trường chín muồi cho xung đột vô tình… Mỗi chu kỳ leo thang khiến các bên liên quan tiến gần bờ vực xung đột quân sự thảm hoạ”, ông Vaez nhận định.

Tình trạng hiện nay đánh dấu bước leo thang va chạm mới nhất giữa Mỹ và Iran và nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, giá dầu có thể tăng mạnh, nhiều nước sẽ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột ở Trung Đông.

Căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay khiến nhiều nước, kể cả những nước xa vùng vịnh, chịu thiệt vì giá dầu đang có xu hướng tăng. Hai hãng tàu có tàu bị tấn công ở vùng vịnh vừa rồi đã tạm ngừng nhận đơn hàng ở khu vực này. Trong khi đó, một phần năm lượng dầu thế giới đi qua eo biển Hormuz mà Iran từng doạ phong toả.

Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công tàu chở dầu, không lên án Iran ảnh 3 Vị trí chiến lược của eo biển Hormuz. Đồ họa: Al Jazeera.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.