Theo Đề án tuyển sinh vừa được công bố, Học viện Tòa án tuyển sinh trên toàn quốc với 3 phương thức xét tuyển.
Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT với những thí sinh thuộc 1 trong 2 đối tượng: có tổng điểm trung bình cộng 3 năm học THPT (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của 3 môn trong những tổ hợp mà Học viện dùng để xét tuyển (A00, A01, C00, D01) đạt từ 24 điểm trở lên, hạnh kiểm xếp loại tốt; Điểm tổng kết chung cả 3 năm THPT xếp loại giỏi, hạnh kiểm xếp loại tốt.
Phương thức 2: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với 4 tổ hợp nói ở trên.
Phương thức 3: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh xét tuyển vào Học viện Tòa án ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Bộ GD&ĐT phải đáp ứng các tiêu chuẩn của riêng Học viện như: thí sinh không quá 25 tuổi (tính đến ngày ký thông báo sơ tuyển); có phẩm chất đạo đức tốt, có lịch sử chính trị rõ ràng, tuyệt đối trung thành và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có cha/mẹ hoặc anh/chị em ruột, hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ các vi phạm pháp luật hình sự trong vi phạm giao thông); Thí sinh phải đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe như chiều cao, cân nặng; không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, không nói lắp, không mắc bệnh kinh niên mãn tính.
Học viện Tòa án chỉ xét tuyển những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào học viện.
Thời gian sơ tuyển từ hôm nay, 12/4 đến hết ngày 30/4 tại tòa án nhân dân các cấp. Hoặc nộp trực tiếp tại Học viện từ 3/5 đến hết ngày 14/5.
Lưu ý, thí sinh đã tham gia sơ tuyển tại tòa án nhân dân nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú thì không được tham gia sơ tuyển tại Học viện Tòa án và ngược lại.
Bên cạnh nộp hồ sơ sơ tuyển, thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện Tòa án theo quy định của Bộ GD&ĐT.