Học viên SITC chuyển sang VATC Nha Trang: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”?

Học viên SITC chuyển sang VATC Nha Trang: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”?
TP - Dư luận có ý kiến liệu các cựu học viên SITC chuyển sang VATC Nha Trang học có lâm tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi chứng chỉ do VATC cấp chưa có giá trị pháp lý.
Học viên SITC chuyển sang VATC Nha Trang: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”? ảnh 1
Trụ sở VATC Nha Trang ở 135 Thống Nhất, Nha Trang

Cty TNHH Thương mại Liên Việt Mỹ do ông Hoàng Ngọc Phan, quốc tịch Hoa Kỳ làm Tổng Giám đốc là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, được thành lập theo giấy phép số 707 do UBND TP. HCM cấp ngày 2/4/1999.

Năm 2000, Bộ LĐ - TB & XH cho phép Cty này lập trường dạy nghề với tên gọi Trường Đào tạo Việt Mỹ, tên giao dịch là Vietnamese American Training College (VATC), trụ sở đặt tại 44 Trương Định, Q.3, TP. HCM. Năm 2004, VATC thành lập Phân hiệu Nha Trang (gọi tắt là VATC Nha Trang).

Từ tháng 3/2005 đến nay, VATC Nha Trang đã chiêu sinh 100 lớp. Sau khi hệ thống Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp (SITC) sụp đổ, từ ngày 9/2/2006, VATC Nha Trang bắt đầu tiếp nhận học viên từ SITC Nha Trang. Tuy nhiên, các học viên này liệu có thể yên tâm với việc học ở cơ sở mới? 

Ngày 25/1/2006, ông Lưu Quốc Thanh - GĐ Sở GD & ĐT Khánh Hoà đã ký kết luận số 112/SGDĐT-TTr về việc thanh tra hoạt động của VATC Nha Trang.

Về mặt pháp lý, VATC Nha Trang có chức năng dạy nghề và tiếng Anh thương mại. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, VATC Nha Trang chưa tổ chức dạy các nghề được cho phép mà chỉ dạy tiếng Anh.

Tất cả 7 giáo viên người nước ngoài của VATC Nha Trang đều chưa có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Chương trình, giáo trình, đối tượng giảng dạy tiếng Anh của VATC Nha Trang chưa được đăng ký với cơ quan chuyên môn.

Nơi này đã cấp 1.363 chứng chỉ tiếng Anh cuối khoá nhưng các chứng chỉ này chưa được đăng ký mẫu và dĩ nhiên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nói cách khác, các chứng chỉ này chưa có giá trị pháp lý.

Được biết, năm 2003, Tổng cục Dạy nghề đã có công văn gửi VATC, nêu rõ VATC được thành lập theo quy chế trường dạy nghề của nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy, học viên của VATC là người học nghề, theo quy định của Bộ luật Lao động, người học nghề phải đủ 13 tuổi trở lên. Nhưng VATC Nha Trang đã và đang thu nhận rất nhiều học viên dưới 13 tuổi, chỉ tính trong số 1.363 người được cấp chứng chỉ cuối khóa đã có 588 em nhỏ dưới 11 tuổi.

Đây là sự vi phạm quy định của giấy phép thành lập và các quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động dạy nghề. Bởi vậy, ngày 9/2/2006, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh về hoạt động của VATC Nha Trang.

Theo đó, Sở LĐ - TB & XH và Sở GD & ĐT tỉnh phải hướng dẫn VATC Nha Trang chấn chỉnh các vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/2/2006.

Nếu VATC Nha Trang không thực hiện chức năng dạy nghề theo đúng giấy phép và không làm báo cáo hoạt động, Sở LĐ - TB & XH Khánh Hòa có trách nhiệm thu hồi giấy phép đào tạo nghề của VATC trên địa bàn Khánh Hòa.

Chiều 13/2/2006, phóng viên Tiền Phong đề nghị gặp bà Lê Thị Bích Thoa - GĐ VATC Nha Trang, nhưng sau khi gọi điện thoại cho bà Thoa, nhân viên VATC Nha Trang cho biết bà bận, chưa thể tiếp phóng viên được.

Trong khi ngồi chờ ở bàn tiếp người đến đăng ký nhập học, tôi thấy ở đây có găm tờ tóm tắt kết luận của Sở GD & ĐT Khánh Hòa về việc thanh tra hoạt động của VATC Nha Trang.

Tờ giấy này chỉ nêu “những điểm ưu việt” của VATC Nha Trang như cơ sở vật chất tốt, giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh cho người nước ngoài, hồ sơ quản lý về hành chính, chuyên môn được thực hiện đầy đủ…, lờ tịt những tồn tại, vi phạm! Không ai đánh đồng VATC với SITC, nhưng quyền lợi của các học viên VATC Nha Trang đã thực sự được bảo đảm?

Bài học về quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục - đào tạo từ vụ sụp đổ của SITC còn nóng hổi.

Nếu không kiên quyết chấn chỉnh hoạt động tại đây, liệu các học viên VATC, nhất là cựu học viên SITC có lâm tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi họ học xong chương trình nhưng được cấp chứng chỉ chưa có giá trị pháp lý, cho dù VATC là “Đối tác quốc tế của Đại học Cambridge - Cambridge International Associate Partner” - như họ tự giới thiệu?! 

Ông Lưu Quốc Thanh - GĐ Sở GD & ĐT Khánh Hòa: Nếu VATC Nha Trang cấp chứng chỉ trình độ tiếng Anh A - B - C, mẫu chứng chỉ phải do ngành giáo dục duyệt.

Nhưng chúng tôi lại không có quyền hạn gì với họ, mọi văn bản pháp lý của VATC đều chỉ nêu quyền hạn và trách nhiệm của ngành LĐ - TB & XH. Nếu VATC Nha Trang dạy tiếng Anh nhưng cấp chứng chỉ nghề, không lẽ cấp chứng chỉ nghề cho cả học sinh mẫu giáo?!

Ông Mai Xuân Trí - Phó GĐ Sở LĐ - TB & XH Khánh Hòa: Theo quy định, sau 1 năm kể từ khi được cấp giấy phép, cơ sở dạy nghề không triển khai đào tạo nghề thì sẽ bị thu hồi giấy phép. VATC chưa đặt vấn đề mua phôi văn bằng với chúng tôi, nên chúng tôi chưa kiểm tra việc cấp văn bằng.     

MỚI - NÓNG