Học phí dễ chịu, thời lượng ngắn ngày, cùng lời quảng cáo “dạy theo hình thức cầm tay chỉ việc” nên các khóa dạy làm thơ, viết văn trực tuyến đang thu hút khá đông học viên trong nước, thậm chí cả người Việt ở nước ngoài.
Cam kết “bảo hành sản phẩm”, lại có “quà tặng”
Nhà văn Bùi Thanh Minh đang nói về bí kíp phân biệt thơ với hò vè. |
Nhà văn Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng Khoa Viết Văn- Báo chí, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã thấy hiện tượng này cách đây 2-3 năm rồi, Trần Ngọc Hiếu với Nguyễn Trương Quý đã từng mở lớp học viết tản văn. Rồi Uông Triều mở khoá học viết văn cơ bản”.
Khoá học viết văn cơ bản của nhà văn Uông Triều đang trong thời gian chiêu sinh. Anh viết trên trang cá nhân: “Học viên được trang bị kiến thức cốt lõi và thực hành viết với các thể loại: Tản văn, bút kí, hồi kí, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện lịch sử, tiểu thuyết…”. Trong “quảng cáo”, nhà văn Uông Triều không quên nhắc lợi thế của kiểu học trực tuyến: “Thời gian học buổi tối, hình thức online qua Google nên học viên ở bất cứ nơi nào, kể cả ở nước ngoài, chỉ cần ngồi trong ngôi nhà ấm cúng của mình, dùng điện thoại hoặc máy tính là đều có thể học được”; “Ngay những người bận rộn, thường xuyên thay đổi lịch cũng không phải lo lắng, tất cả các buổi học đều được quay video lại, học viên sẽ được gửi băng hình buổi học vắng mặt và được hỗ trợ y như đang học trực tiếp”. Uông Triều còn cam kết “bảo hành sản phẩm”: “Học viên được phát miễn phí tài liệu, không phải lo lắng liệu có thể tiếp thu kịp không vì sẽ được học lại miễn phí đến khi nào thành thạo thì thôi”. Không những “bảo hành sản phẩm”, nhà văn còn đính kèm quà tặng: “2 học viên xuất sắc nhất khoá, mỗi người sẽ được tặng 1 cây bút cổ điển đẹp và có giá trị”.
Nhà văn Uông Triều đang “hot” với nghề dạy viết văn trực tuyến. |
Phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật hỏi tác giả tiểu thuyết “Sương mù tháng giêng”: “Khoá học viết văn cơ bản có thu hút đông học viên không?”. Anh vui vẻ đáp: “Tôi đã mở đến khoá 4, khoá 5 rồi. Mỗi khoá khoảng 30 học viên”. Phóng viên lại bày tỏ lo lắng với cam kết dạy miễn phí đến “khi nào thành thạo mới thôi”: “Lỡ đa phần học viên đều cảm thấy chưa thành thạo muốn học lại miễn phí thì sao?”. Hoá ra, phóng viên “lo bò trắng răng”: “Mỗi khoá học chỉ khoảng 2 học viên học lại. Họ thường lớn tuổi, U70 rồi nên học lại cũng dễ hiểu thôi”. Học viên đến với khoá học viết văn cơ bản của Uông Triều hiếm U20: “Cũng có học viên 18 tuổi nhưng mà ít lắm. Toàn người đi làm thôi, dao động từ 30-50 tuổi, có cả 70-80 tuổi”. Phải chăng xu hướng xuất bản hồi ký, tự truyện đang tăng cao ở nước ta, nên những người đã bước vào buổi hoàng hôn cuộc đời có nhu cầu theo học viết văn qua hình thức trực tuyến?
Nhà văn Dương Hướng: Viết văn chương, muốn thành công, cần tố chất. |
Nhà văn quê ở Quảng Ninh cho rằng nhu cầu học viết văn cơ bản của học viên khá đa dạng: “Lượng người muốn học nghiêm túc để trở thành nhà văn chuyên nghiệp chiếm khoảng 40%. 40% còn lại đang tìm hiểu cách viết, với họ viết văn như một thứ vui chơi, một nghề tay trái. 20% còn lại muốn học để giải toả ký ức cá nhân, tình cảm”. Uông Triều không mời các nhà văn khác tham gia giảng dạy, anh “bao sân”: “Vì mỗi khoá cũng chỉ kéo dài 10 buổi thôi. Mấy tháng tôi mới mở một khoá. Tôi cũng có kinh nghiệm từng dạy ở Trường viết văn Nguyễn Du rồi”. Phóng viên hỏi tiếp: “Dạy viết văn trực tuyến ngắn ngày như thế có ưu điểm gì với việc dạy viết văn trực tiếp ở trường đại học?”. Uông Triều nhặt ngay ra lợi thế của mình: “Ở đây, tôi dạy thực tế, “cầm tay chỉ việc” cụ thể luôn. Thí dụ, viết đoạn mở đầu, dựng truyện, phát triển tình huống, đặt tên tác phẩm, đặt tên bút danh, gửi bản thảo như nào… Tức là học viên được học nghề ngay”.
Nhà văn Văn Giá: Học viết văn trực tuyến như đánh du kích. |
Phóng viên nhẩm tính: Vài tháng Uông Triều lại chiêu sinh. Mỗi khoá thu hút khoảng 30 học viên. Học phí 2 triệu đồng/khoá. Việc dạy văn trực tuyến có khi đem lại nguồn thu “ấm” hơn xuất bản tiểu thuyết? Uông Triều cười, không che giấu: “Chắc là ít nhất cũng phải bằng, thậm chí là hơn việc xuất bản sách”.
Học viên 3 T: Có tuổi, có tiền, có tí khiếu
Trong vai học viên muốn học lớp thơ trực tuyến khoá 4, phóng viên liên lạc với nhà thơ Phạm Quỳnh Loan, quản trị lớp. Chị trả lời nhiệt tình, thân thiện, còn đề nghị tôi kết bạn zalo để chị gửi tài liệu tham khảo. Phóng viên nhận được video ghi lại bài giảng của nhà văn Bùi Thanh Minh xoay quanh bí kíp phân biệt thơ và ca vè. Chương trình học tập khoá 4, đi vào 8 bí kíp, trong đó bí kíp đầu tiên chính là video trên. 7 bí kíp sau: “Ẩn dụ đơn ẩn dụ kép, cụ thể và trừu tượng hoá trong thơ”; “Phá trật tự và tương phản trong thơ”; “Thế nào là cấu tứ và cấu tứ lỏng trong thơ”; “Bảy chiều không gian thơ”; “Bốn cấp độ của thơ”; “Nghịch lí trong thơ”; “Thơ văn xuôi tiền hiện đại”. Liếc qua 8 bí kíp, phóng viên nhặt ngay lỗi chính tả trong phần mô tả nội dung bí kíp 2: “Trừu tượng” bị những người trong ban tổ chức viết thành “trìu tượng”.
Phóng viên hỏi quản trị lớp thơ: “Sau lớp học này liệu học viên có làm được thơ không?”. Nhà thơ Phạm Quỳnh Loan đáp: “Khó trả lời câu hỏi ấy. Nhưng tôi khẳng định có học có hơn, còn làm thơ được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Chị nói thêm: “Học ở lớp này thầy giáo cầm tay chỉ việc”. Phóng viên hỏi tiếp: “Học làm thơ mà cầm tay chỉ việc là thế nào?”. Quản trị lớp giải thích: “Thầy không nói trên mây, trên gió mà nói sát luôn”.
Thầy cô giáo Khoa Viết văn – Báo chí ĐH Văn hóa Hà Nội, trước đây là Trường viết văn Nguyễn Du, nơi dạy viết văn chính thống. |
Phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật lại kết nối với thầy giáo của lớp thơ khoá 4. Đó là nhà văn Bùi Thanh Minh. Ông nghi ngại khi nói chuyện với phóng viên vô danh, nên nhẹ nhàng nhắc nhở: “Tôi có ghi âm cuộc nói chuyện”. Nhà văn cho biết: Ông đã dạy trong quân đội với thâm niên hơn hai mươi năm nay. Sau khi nghỉ hưu ông còn thành lập Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sáng tác văn học. Nhà văn Bùi Thanh Minh tiết lộ, ông từng có ý định kết hợp với nhà thơ Vũ Quần Phương để vừa dạy viết truyện ngắn, vừa dạy bí kíp làm thơ nhưng không thành công: “Bác Phương không làm được vì khó tiếp thu công nghệ thông tin”.
Phóng viên hỏi nhà văn Bùi Thanh Minh về nhu cầu học làm thơ trong xã hội hiện nay? Ông đánh giá nhu cầu đang cao. Phóng viên băn khoăn: Người in thơ mang bán không ai mua, thậm chí mang tặng còn khó, “tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”, mà tại sao người học làm thơ lại đông như thế? Chia sẻ từ phía thầy giáo dạy bí kíp làm thơ trực tuyến: Có hàng nghìn câu lạc bộ thơ trong cả nước, hội viên câu lạc bộ là một trong những đối tượng có nhu cầu vào lớp thơ. Ngoài ra, những người mới kết nạp vào hội văn nghệ địa phương cũng có nhu cầu, thậm chí cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng đăng ký lớp học văn thơ trực tuyến.
Khoá học thơ trực tuyến diễn ra trong 2 tháng. Tháng đầu học lý thuyết, mỗi tuần học 2 buổi tối. Tháng thứ 2 thực hành, mỗi tuần trả bài một buổi vào tối chủ nhật. Khoá học 2 tháng nhưng thực tế có 12 buổi học với mức học phí được quản trị lớp chia sẻ: 1 triệu đồng. Khoá học bí kíp làm thơ không có “bảo hành sản phẩm” (được học lại miễn phí) và cũng không có “quà tặng” cho học viên xuất sắc như khoá học văn của nhà văn Uông Triều. Học bí kíp làm thơ có mức học phí dịu dàng hơn so với học viết văn cơ bản. Nhà văn Bùi Thanh Minh chia sẻ: “Tôi không quan trọng nguồn thu ở tuổi này. Tôi đã từng dạy miễn phí cả trăm người nhưng thấy có mặt trái. Nếu không đóng phí thì học viên học phất phơ, thích thì học không thích thì bỏ”. Trong vai học viên xin học lớp thơ, phóng viên nhận được tin nhắn của quản trị lớp qua zalo: “Nếu quyết định học thì chậm nhất là sáng chủ nhật hoàn thành đóng học phí và kết nối máy chủ để tối chủ nhật vào lớp học”. Công tác chăm sóc khách hàng nhiệt tình của các khoá học văn chương trực tuyến hiện nay khiến phóng viên cứ tưởng mình đang là “thượng đế”.
Có tài khoản bình luận sau thông báo chiêu sinh được nhà văn Bùi Thanh Minh đăng tải trên trang cá nhân: Trong tương lai học viết văn, làm thơ với những cao nhân này sẽ có nhiều cây bút ẵm giải Nobel văn chương danh giá. Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam lại không có ý nghĩ bay bổng như thế: “Tôi nghĩ, cuối cùng thành công vẫn phụ thuộc yếu tố tự nhiên của người cầm bút”. Ông nhìn nhận: “Học viết văn bây giờ phổ cập, ai muốn học thì đăng ký, không kén chọn như xưa. Cho nên, người đăng ký học chưa chắc đã vì mục đích văn chương. Một số đối tượng cao tuổi, có kinh tế, có năng khiếu một chút rất hào hứng học văn. Song khó đi tới đâu. Như đã nói, muốn vượt lên cần tố chất, học chỉ là phong trào, hỗ trợ thôi”.
Có bị đánh thuế thu nhập?
Phóng viên hỏi nhà văn, nhà giáo Văn Giá: “Ông có lo khi các khóa học văn chương trực tuyến bùng nổ sẽ khiến những lò đào tạo văn chương chính quy thất nghiệp?”. Văn Giá đáp: “Việc mở lớp học trực tuyến chỉ như đánh du kích, ngắn hạn. Còn đào tạo chính quy theo hướng mưa dầm thấm lâu, được bảo trợ bởi việc thẩm định, giới thiệu tác phẩm cho các toà soạn, các đơn vị xuất bản”. Theo ông, có một số lý do khiến các lớp dạy văn chương trực tuyến “ăn khách”: “Thứ nhất, rất tiện và chủ động cho việc tham gia học. Thứ hai, người đi làm học viết văn làm thơ vẫn thường mang mặc cảm, muốn giấu mình trước thiên hạ, nên học online sẽ không bị ai biết, hoặc đánh giá. Bởi văn chương là lĩnh vực cần có tài, ít ai lại dám nhận mình có tài, nên khi đi học càng ít người biết càng tốt”.
Nhà văn Dương Hướng hay nhà văn Văn Giá đều đánh giá sự ra đời của các lớp dạy văn chương trực tuyến là xu hướng tất yếu. Tác giả “Bến không chồng” cho rằng: “Đây là bước tiến của công nghệ phục vụ mọi nhu cầu của đời sống con người. Dạy văn chương trực tuyến cũng như bán hàng online thôi. Nhà văn Việt bây giờ cũng giỏi, tiếp cận được mọi tiến bộ công nghệ”. Một nhà thơ giấu tên lại đặt câu hỏi: “Nhà văn dạy văn trực tuyến có bị đánh thuế thu nhập không?”.