Ông Lê Văn Thanh. |
Nhân Hội nghị thường niên lần thứ 24 Hiệp hội các trường ĐH Mở châu Á (AAOU) được tổ chức tại Hà Nội (trong các ngày 27 và 28-10), phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Viện đại học Mở Hà Nội, xung quanh loại hình đào tạo đặc biệt này.
Xin ông cho biết lợi ích của loại hình đào tạo từ xa
Đào tạo từ xa (ĐTTX) là loại hình mà trong đó phần lớn quá trình đào tạo có sự gián cách về thực thể giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. Vì vậy, sự chuyển tải thông tin dựa vào hệ thống học liệu được biên soạn công phu, phương tiện truyền thông (truyền hình, phát thanh, internet v.v.).
Thầy trò trong ĐTTX không nhất thiết phải ngồi trong lớp học. Vì vậy, ĐTTX tạo cơ hội cho nhiều đối tượng khác nhau, giảm thiểu những rào cản gây ra bởi tuổi tác, vị trí địa lý, hoàn cảnh cá nhân. Chính vì không phải học tập trung, người học không phải mất chi phí về đi lại, ăn ở nên họ có thể chủ động về thời gian học, không ảnh hưởng đến công việc đang đảm trách.
ĐTTX đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học với nhiều mục đích khác nhau: học để biết, để làm việc, để chung sống trong cộng đồng, và để làm người có ích. Thực tế, nhiều người về hưu đã theo học lớp học từ xa của Viện ĐHM Hà Nội. Học viên Nguyễn Cao Sơn tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin ở tuổi 70, nhiều người khiếm thị đã học thành công theo hình thức đào tạo đặc biệt này.
Vậy người học có thể đăng ký, học và thi như thế nào để có được bằng đại học khi không phải đến các lớp học tập trung?
Loại hình ĐTTX đã được xác định trong Luật Giáo dục, thuộc phương thức giáo dục thường xuyên. Mọi quy trình quản lý phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan và công bằng. Điều khác biệt cơ bản giữa ĐTTX và đào tạo mặt-giáp-mặt là cách thức chuyển tải thông tin, hỗ trợ người học mà thôi.
Người học phải dự thi, kiểm tra tập trung tại các trung tâm học tập (Trung tâm Giáo dục thường xuyên chẳng hạn) dưới sự giám sát chặt chẽ của giám thị coi thi. Thời gian học để lấy bằng đại học theo hình thức này tối thiểu là 5 năm (theo Quy chế của Bộ GD&ĐT).
Đào tạo từ xa thì thí sinh sẽ thực hành thế nào, đặc biệt với các ngành kỹ thuật và công nghệ?
Ngày nay, do tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, phòng thí nghiệm ảo trên máy vi tính được xây dựng bằng công nghệ số, không gian 3 chiều cho phép người học thực hành trong không gian ảo. Tuy nhiên, để tạo được những phòng thí nghiệm như vậy cần có sự đầu tư ban đầu.
Thực tế không phải ai cũng học qua mạng internet được vì còn nhiều học viên ở vùng sâu , vùng xa muốn nâng cao kiến thức nhưng không có điều kiện. Vậy ở các vùng đó, ĐTTX sẽ phát triển theo hình thức nào?
Tính ưu việt của đào tạo trực tuyến (e-learning) là đào tạo dựa trên mạng internet, thông tin luôn cập nhật, phong phú về nội dung và hình thức. Người học sẽ luôn hứng thú khi học, không căng thẳng, trao đổi thông tin giữa thầy và trò, giữa trò với nhau thuận tiện, đa dạng dưới nhiều hình thức: văn bản, âm thanh, hình ảnh v.v… học ở mọi lúc, mọi nơi có mạng.
Ở vùng sâu vùng xa, nơi chưa có mạng internet thì chưa thể học bằng e-learning được, mà phải học qua hệ thống học liệu, đĩa CD.
Hướng phát triển hệ ĐTTX trong 5 -10 năm tới để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước sẽ được triển khai ra sao?
Hiện nay, có hơn 40.000 học viên từ xa đang theo học các chương trình của Viện ĐH Mở Hà Nội. Dự báo trong khoảng 5 năm nữa, số học viên từ xa của Viện có thể đến 60.000 – 80.000 người. Vì vậy, Viện ĐH Mở sẽ càng ngày càng hiện đại hóa phương thức đào tạo này để đem đến những thuận lợi tối ưu nhất cho người học.
Cảm ơn ông.