Học sinh Mỹ ít am hiểu lịch sử nước mình

Học sinh Mỹ ít am hiểu lịch sử nước mình
Kết quả từ một khảo sát thực hiện trên toàn nước Mỹ vừa công bố một thực tế đáng lo ngại: phần lớn học sinh Mỹ không hiểu rõ về lịch sử nước mình.

Học sinh Mỹ ít am hiểu lịch sử nước mình

Kết quả từ một khảo sát thực hiện trên toàn nước Mỹ vừa công bố một thực tế đáng lo ngại: phần lớn học sinh Mỹ không hiểu rõ về lịch sử nước mình.

Chỉ 35% học sinh lớp 4 của Mỹ biết mục đích của bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: AP
Chỉ 35% học sinh lớp 4 của Mỹ biết mục đích của bản Tuyên ngôn độc lập.
Ảnh: AP.

Lỗ hổng kiến thức tăng theo cấp lớp

Hầu hết học sinh lớp 4 không lý giải được tại sao Abraham Lincoln lại là nhân vật lịch sử. Chưa đầy 30% học sinh lớp 8 có thể phân tích lợi thế quan trọng của quân đội Mỹ so với Anh trong cuộc cách mạng giành độc lập. Rất ít học sinh lớp 12 biết Trung Quốc là đồng minh của CHDCND Triều Tiên trong cuộc chiến Triều Tiên. Phần lớn học sinh lớp 12 không trả lời câu hỏi: "Vì sao Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất"?

Đó là những kết quả báo động về kiến thức lịch sử của học sinh Mỹ, thể hiện qua bài kiểm tra trong khuôn khổ chương trình Đánh giá tiến bộ giáo dục quốc gia hồi mùa xuân năm 2010.

Bộ giáo dục Mỹ cho biết, 7.000 học sinh lớp 4, 11.800 học sinh lớp 8 và 12.400 học sinh lớp 12 trên toàn quốc đã tham gia vào kỳ đánh giá này.

Lịch sử là một trong số 8 môn khác được kiểm tra. Các môn còn lại là toán, đọc hiểu, khoa học, viết, công dân, địa lý và kinh tế.

Ủy ban giám sát chương trình chia ra định mức phải đạt của bài thi thành 3 cấp: cơ bản, thành thạo và vượt trội. Đợt khảo sát gần nhất được thực hiện là vào năm 2006.

Trong bài kiểm tra lịch sử 2010, số học sinh đạt mức "thành thạo" trở lên của nhóm học sinh lớp 4 là 20% so với 18% từ kết quả năm 2006, vẫn giữ nguyên mức 17% với học sinh lớp 8, và giảm từ 13% còn 12% với khối học sinh lớp 12.

Giáo viên lịch sử Diane Ravitch, một thành viên được mời tham gia ủy ban đánh giá kết quả khảo sát trên bày tỏ sự buồn phiền vì chỉ có 2% học sinh lớp 12 trả lời đúng câu hỏi về phán quyết xóa bỏ phân biệt màu da trong các trường công lập “Brown v. Board of Education”, mà theo bà là "một trong những quyết định quan trọng" của Tòa án Tối cao Mỹ trong bảy thập kỷ trước. "Thật đáng báo động" - bà nói.

Nhìn về mặt tổng thể các môn, chỉ có 20% học sinh lớp 4, 17% học sinh lớp 8 và 12% học sinh phổ thông cuối cấp thể hiện sự hiểu biết khá tốt đồng đều. Điểm sáng duy nhất trong đợt khảo sát năm 2010 là trình độ của các học sinh người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha) và Mỹ gốc Phi ở lớp 4 và 8 đã được cải thiện, thu hẹp khoảng cách với các học sinh da trắng.

Hậu quả việc cắt xén giờ dạy lịch sử

Ngược lại với kết quả của môn lịch sử, kinh tế học là môn mà các học sinh thể hiện tốt nhất. Hồi năm 2006, đã có 42% học sinh lớp 12 đạt kết quả ở mức "thành thạo" trong bài kiểm tra môn này, một tỉ lệ kỉ lục đến thời điểm này.

Những chuyên gia lịch sử nói số liệu phản ánh hậu quả của việc bỏ bê môn học này trong việc hoạch định chính sách của các nhà lập pháp bang và liên bang. Đặc biệt là từ khi đạo luật "Không trẻ nào bị bỏ rơi" có hiệu lực từ năm 2002 thì các trường chỉ được yêu cầu phải nâng phổ điểm trong những môn như toán học và đọc hiểu. Vì lý do này mà ngay cả giáo viên cũng phải dành thời gian dạy lịch sử ít lại.

Một số chương trình nâng cao kiến thức khác dành cho nhà giáo cũng góp phần vào tình trạng này, khi chỉ cổ xúy cho giáo viên học thêm về các ngành nghiên cứu xã hội, nhưng không có lịch sử. "Họ nghĩ sẽ linh hoạt hơn trong việc giảng dạy, họ có thể dạy giáo dục công dân, về chính quyền... nhưng họ không đủ kiến thức để dạy lịch sử" - giáo sư sử học Linda K.Salvucci, chủ tịch hội đồng dạy Lịch sử quốc gia nói.

Mục đích của đợt khảo sát là nhằm kiểm chứng tính hiệu quả của việc giảm giờ dạy môn lịch sử và một số môn học khác như khoa học và nghệ thuật.

Bà Sue Blanchette, chủ tịch hội đồng Khoa học xã hội quốc gia nói: "Mỗi người sẽ tham gia vào cuộc sống bằng các việc làm đời thường như đóng thuế, biểu tình chống tăng thuế, đi bỏ phiếu... Chúng ta phải dạy các em cách tư duy phản biện về những vấn đề này. Nhưng hiện nay chúng ta không làm thế".

Bà Blanchette và các cộng sự mong muốn những đợt kiểm tra lịch sử toàn quốc phải được thực hiện hai năm một lần như các môn toán và đọc hiểu, chứ không phải tới bốn năm.

Theo Nam Liên
Sài Gòn tiếp thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG